Xét xử vắng mặt bà Nhàn AIC trong 20 ngày, từ cuối tháng 12/2022

Gia Bình Thứ bảy, ngày 26/11/2022 12:01 PM (GMT+7)
Dù đang bỏ trốn, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC sẽ bị xét xử vắng mặt tại. Hầu tòa còn có cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai và 33 người khác.
Bình luận 0

TAND TP.Hà Nội ngày 25/11 ban hành quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "Nhận hối lộ"; "Đưa hối lộ" xảy ra tại Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Phiên tòa được mở vào ngày 21/12 và kéo dài 20 ngày kể cả thứ Bảy, Chủ nhật dưới sự điều hành của chủ tọa, thẩm phán Mai Văn Quang. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử có 5 kiểm sát viên chính thức và 1 người dự khuyết.

Xét xử vắng mặt bà Nhàn AIC trong 20 ngày, từ cuối tháng 12 - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn và sẽ bị xét xử vắng mặt. Ảnh: AIC Group

Vụ án có 36 bị cáo, trong đó Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC đang bỏ trốn nhưng bị xét xử vắng mặt về các hành vi đưa hối lộ và gian lận đấu thầu.

Các ông Trần Đình Thành, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai; Đinh Quốc Thái, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo khoản 4 Điều 354 với khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Bào chữa cho 36 bị cáo là 33 luật sư, trong đó bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có 1 luật sư. Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai có 2 luật sư bào chữa, còn cựu Chủ tịch UBND tỉnh này có 1 người.

Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập 12 đối tượng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm UBND tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai…

Ngoài ra, 69 người được triệu tập trong vai trò người tham gia tố tụng như Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai; Hội đồng định giá; ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai…

Xét xử vắng mặt bà Nhàn AIC trong 20 ngày, từ cuối tháng 12 - Ảnh 2.

Cựu Bí thư, Chủ tịch Đồng Nai bị truy tố ở mức khung tới tử hình vì nhận hối lộ của AIC.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC – doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, cung cấp thiết bị.

Từ năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có quan hệ quen biết với Trần Đình Thành khi đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, bà Nhàn gặp Trần Đình Thành (đã lên chức Bí thư Tỉnh ủy) và nhờ mời lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành ăn trưa để "giới thiệu Công ty AIC" tham gia các dự án của tỉnh.

Năm 2010, Bệnh viện Đồng Nai chuẩn bị thực hiện thủ tục bổ sung vốn đầu tư nhưng gặp khó khăn nên Trần Đình Thành gọi điện thoại cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn, đề nghị "giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương".

Sau đó, ông Thành còn giới thiệu Phan Huy Anh Vũ với nhân viên của bà Nhàn, đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế do doanh nghiệp này có khả năng và "có công xin vốn cho tỉnh".

Do vậy, khi dự án Bệnh viện Đồng Nai đấu thầu, Công ty AIC đã trúng thầu dù dùng các báo giá nâng không lên từ 1,3 - 2 lần so với thực tế. Tổng cộng, nhóm doanh nghiệp của AIC trúng 16/19 gói thầu thiết bị y tế với tổng giá trị 665 tỷ đồng.

Theo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, việc AIC nâng giá và trúng thầu đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 152 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan truy tố, để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem