Xử lý rác trong trường học thành phân hữu cơ, trồng rau xanh mơn mởn

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 13/07/2023 15:27 PM (GMT+7)
Những năm qua, Trường THCS Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đã xử lý rác thải thành phân hữu cơ không chỉ làm khuôn viên trường xanh, sạch mà còn giúp học sinh nhận thức được việc bảo vệ môi trường...
Bình luận 0

Thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngành giáo dục huyện Nhà Bè triển khai nhiều kế hoạch để học sinh, giáo viên và phụ huynh thực hiện. Trong đó, có nhiều mô hình xử lý rác thải bảo vệ môi trường nhận được sự hưởng ứng cao.

Biến rác thải thành phân hữu cơ

Tại Trường THCS Hiệp Phước, mô hình xử lý rác thải, lá cây, thức ăn thừa... tạo ra phân bón hữu cơ sử dụng trong khuôn viên trường được triển khai nhiều năm qua.

 Xử lý rác thành phân hữu cơ trong trường học - Ảnh 1.

Trường THCS Hiệp Phước biến rác hữu cơ thành phân bón hữu cơ phục vụ cải tạo đất, trồng rau sạch. Ảnh: NTCC

Cô Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có khuôn viên rộng rãi với rất nhiều cây cối. Chính vì vậy, lượng lá cây, cành cây rơi rụng mỗi ngày rất nhiều. Bên cạnh đó, các phế phẩm như rau củ, thức ăn sau bữa bán trú... cũng khá nhiều.

Mỗi ngày, lượng rác này thải ra môi trường lớn, thời gian để tự phân hủy là rất lâu. Trong khi đó, đất đai trong khuôn viên trường lại cằn cỗi, cỏ dại mọc nhiều gây mất mĩ quan. Để cải thiện điều này, thầy Trương Quang Tài, giáo viên bộ môn Công nghệ đã ứng dụng nấm đối kháng Trichoderma vào xử lý các loại rác hữu cơ để biến thành phân bón hữu cơ; một phần để xử lý số lượng lớn rác thải ra môi trường hàng ngày, một phần để cải tạo đất đai và giáo dục học sinh bảo vệ môi trường sinh thái.

Quá trình xử lý được thực hiện cụ thể: Bổ sung chế phẩm vi sinh Bima compost (tỷ lệ 4kg/1 tấn nguyên liệu) và bổ sung nước để điều chỉnh độ ẩm đống ủ đạt 50-60%. Kế tiếp, cho xác lá cây và phế phẩm từ bếp ăn xếp theo từng lớp, chất thành đống hình thang (lót bạt trên, dưới). Hỗn hợp này sẽ phải đảo trộn định kỳ 10 - 14 ngày/lần. Đến ngày thứ 45 sẽ thu được phân hữu cơ để trồng rau, cải tạo đất, hoặc làm nguyên liệu nền hữu cơ để sản xuất phân bón hữu cơ thương mại.

 Xử lý rác thành phân hữu cơ trong trường học - Ảnh 3.

Mô hình xử lý rác thải, lá cây, thức ăn thừa... tạo ra phân bón hữu cơ. Ảnh: NTCC

Được biết, việc thực hiện các công đoạn trong xử lý rác thải do học sinh trong trường trực tiếp thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Các em được hướng dẫn thu gom lá cây, xác cây trong khuôn viên tập kết tại điểm ủ phân. Giáo viên hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh Bima compost để ủ rác và đảo trộn định kỳ; hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ thành phẩm đưa đi thực hiện ở các bước tiếp theo như cải tạo đất, trồng rau sạch...

"Trái ngọt" về ý thức bảo vệ môi trường

Theo lãnh đạo nhà trường, từ khi triển khai mô hình xử lý rác thải tại trường học, khuôn viên trường trở nên sạch đẹp, tươm tất; các bãi đất phèn, đất chai sần... được cải tạo trở thành những vườn rau xanh mơn mởn.

 Xử lý rác thành phân hữu cơ trong trường học - Ảnh 4.

Học sinh trực tiếp cải tạo đất, bón phân hữu cơ, trồng rau… tại khuôn viên trường. Ảnh: NTCC

Nhờ lượng phân bón hữu cơ sạch được chính học sinh, giáo viên nhà trường thực hiện đã giúp đất đai tăng thêm màu mỡ, tăng năng suất cây trồng, đảm bảo an toàn vệ sinh, tiết kiệm chi phí nuôi trồng... đặc biệt là giải quyết được vấn đề lớn về chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, "trái ngọt" mà nhà trường nhận thấy rõ rệt nhất là sự nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái của học sinh.

"Thông qua quy trình xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ, nhà trường muốn giáo dục hành vi đến từng học sinh: hãy thực hiện và lan tỏa những hành vi tốt; đồng thời, hạn chế tối đa những hành vi xấu như vất rác bừa bãi, bỏ rác không đúng quy định, thờ ơ với môi trường sinh hoạt chung… Kết quả đạt được là tất cả học sinh trong trường được thụ hưởng lợi ích từ ngôi trường xanh – sạch – đẹp. Từ đó, các em mới ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện qua việc các em chủ động thu gom rác, phân loại rác, tập kết rác thải đúng nơi quy định; nhiệt tình thực hiện các công đoạn trong quy trình biến rác thải thành phân hữu cơ; chăm bón cây trồng tỉ mỉ, cẩn thận", cô Oanh nói.

 Xử lý rác thành phân hữu cơ trong trường học - Ảnh 5.

Giá trị lớn nhất của môn hình xử lý rác thải là tạo ra nhận thức cho học sinh về bảo vệ môi trường. Ảnh: NTCC

Trong vườn rau của nhà trường, đa dạng các loại rau, củ như rau muống, rau lang, cải thìa, cải cay, mướp, bầu bí, mía, nghệ, gừng... và hệ thống trồng rau thủy canh luôn tươi xanh trước bàn tay chăm sóc của các em học sinh. Được biết, các loại rau sạch này cũng sẽ đi vào bữa ăn bán trú để đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho chính học sinh trong trường.

Lãnh đạo Trường THCS Hiệp Phước khẳng định, giá trị lớn nhất khi thực hiện mô hình xử lý rác thải thành phân hữu cơ trong trường học là nằm ở tính giáo dục. Nhờ hoạt động này, học sinh được tạo thói quen, ý thức về bảo vệ môi trường sinh thái cũng như môi trường văn hóa trong và ngoài trường học.

Ngoài ra, quá trình học ở trường, các em được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; ứng dụng các phương pháp kỹ thuật mới trong trồng trọt và định hướng hình thành sử dụng nguồn nông nghiệp xanh, sạch, đẹp.

Việc tái sử dụng nguồn rác hữu cơ tại chỗ trở thành phân bón là một phân đoạn trong mô hình khu vườn trường thuộc dự án Trường học xanh. Việc phát triển dự án này là chủ trương xuyên suốt mà nhà trường đã và đang thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem