Xúc động câu chuyện anh cảnh sát giúp cụ già neo đơn qua cơn nguy kịch giữa mùa dịch

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 05/08/2021 12:09 PM (GMT+7)
Tuổi cao, nhiều bệnh nền lại sống neo đơn, bà Vẽ lên cơn co giật khi không có ai bên cạnh. May mắn thay, Trung úy Phạm Tiến Dũng - cảnh sát khu vực - đã nhận được cuộc gọi đưa bà đi cấp cứu kịp thời.
Bình luận 0

Bà Đàm Thị Vẽ, 73 tuổi, ngụ phường Tân Phú, TP.Thủ Đức (TP.HCM) vừa qua cơn nguy kịch cho biết, bà vừa chuyển đến TP.Thủ Đức sống từ đầu năm 2021. 

Trước đây, bà ở với người con gái, nhưng con cái đi làm xa nên hiện tại bà sống một mình. Tuổi đã cao, sức khỏe không tốt, bà mang trong mình nhiều bệnh lý như tiểu đường, huyết áp, tim… cộng thêm những di chứng để lại từ thời chiến tranh nên trái gió trở trời là bệnh hay tái phát.

Hai tháng nay, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi khám bệnh của bà gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, khi đột ngột lên cơn co giật, bà không còn thuốc để uống.

Lên cơn co giật giữa mùa dịch: “Nếu không có cảnh sát khu vực, chắc tôi đã không qua khỏi” - Ảnh 1.

Trung úy Phạm Tiến Dũng đến thăm hỏi bà Vẽ. (Ảnh: CATP)

Vừa rơm rớm nước mắt, bà vừa kể: Chiều ngày 16/7, bà bị lên cơn co giật (động kinh) đột ngột, các cơ co cứng, huyết áp lên rất cao. Sống một thân một mình, con ở xa, bà Vẽ chẳng biết xoay xở thế nào. Trong lúc bối rối, chợt nhớ tới anh cảnh sát khu vực Phạm Tiến Dũng nên bà cố gượng dậy lấy điện thoại gọi nhờ giúp đỡ. Khoảng 15 phút sau, anh Dũng tới và lập tức đưa bà đi bệnh viện cấp cứu.

"Trong giây phút tuyệt vọng, tôi đã nghĩ mình không thể qua khỏi nhưng may cậu Dũng xuất hiện. Không chỉ đưa tôi đi cấp cứu kịp thời lần này, trước đây, nhiều lần cậu Dũng cũng hay cho tôi quần áo, nhiều lần giúp tôi uống thuốc… Nếu không có cậu ấy, chắc tôi không còn sống đến bây giờ", bà Vẽ nói.

Lên cơn co giật giữa mùa dịch: “Nếu không có cảnh sát khu vực, chắc tôi đã không qua khỏi” - Ảnh 2.

Bà Đàm Thị Vẽ bên bịch thuốc anh Dũng mua giúp. (Ảnh: CATP)

Chia sẻ với phóng viên, Trung úy Phạm Tiến Dũng, cảnh sát khu vực Khu phố 4, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức cho biết, hôm ấy khoảng 17h chiều, khi vừa hết ca trực thì có số điện thoại gọi đến. Anh bắt máy nghe thì đầu dây bên kia giọng bà Vẽ yếu ớt nói bị mệt trong người, không dậy nổi và nhờ anh giúp đỡ. Vì đã biết hoàn cảnh bà Vẽ rất neo đơn, anh lập tức chạy đến.

"Lúc này, địa bàn phường Tân Phú đang trong giai đoạn phong tỏa nên việc ra vào rất khó khăn. Tôi đã chạy thẳng lên Ủy ban phường xin giấy thông hành để đưa bà Vẽ ra ngoài khu phong tỏa. Rất may, bà được đưa đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng", anh Dũng kể.

Theo bà Vẽ, sau khi được xuất viện về nhà, anh Dũng vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ bà. 

Vì mang nhiều bệnh lý nền nên đơn thuốc của bà rất nhiều, toàn là thuốc đặc trị, các tiệm thuốc Tây rất ít bán. Bản thân bà không thể đi mua được, anh Dũng cũng phải chạy khắp nơi tìm mua giúp. 

"Có những đêm mưa to gió lớn, cậu Dũng quần áo ướt sũng, chân dính đầy bùn đất đem đến cho tôi một túi thuốc làm tôi cảm động vô cùng. Đến giờ, tôi vẫn còn nợ tiền thuốc cậu ấy", bà Vẽ xúc động.

Theo Công an TP.Thủ Đức, anh Phạm Tiến Dũng là một chiến sĩ cảnh sát khu vực rất có trách nhiệm với công việc. Từ khi nhận công tác tại Khu phố 4 đến nay, anh luôn bám sát địa bàn, am hiểu hoàn cảnh của các hộ dân khu vực mình phụ trách.

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các chiến sĩ đều căng mình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch tại khu vực được phân công. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn bám sát đời sống người dân để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi có trường hợp gặp khó khăn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem