Y tế TP.HCM nhìn thẳng vào yếu kém - Bài 1: Ba chân kiềng của ngành y tế TP.HCM đều "tan nát"

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 02/09/2022 07:00 AM (GMT+7)
Từng là Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nay là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban xã hội của Quốc hội, bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định, cả ba chân kiềng của ngành y tế TPHCM là dự phòng, điều trị và cung ứng hiện nay đều trong tình trạng "tan nát".
Bình luận 0

LTS. Trải qua giai đoạn căng thẳng do dịch Covid-19 cũng là thời điểm để y tế TP.HCM nhìn thẳng vào những yếu kém của mình. Từ lỗ hổng y tế cơ sở, bó buộc trong cơ chế chính sách đến quá tải, áp lực cho nhân viên y tế…


Y tế TP.HCM nhìn thẳng vào yếu kém: Bài 1: Ba chân kiềng của ngành y tế TP.HCM đều "tan nát" - Ảnh 1.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội. Ảnh: P.V

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, TP.HCM đóng góp một tỷ lệ rất quan trọng trong sự phát triển của y tế cả nước, nhưng cả 3 chân kiềng của ngành y tế từ dự phòng, điều trị cho tới cung ứng đều đang ở trong tình trạng "tan nát". Nếu không có thay đổi từ cách nhìn nhận, cơ chế, chủ trương thì sẽ không kìm hãm được sự tan nát này.

"Chúng ta đã có phân tích sâu về y tế dự phòng, nhưng còn đối với hệ thống điều trị mà đãi ngộ con người, cơ chế tự chủ có phát huy được chất xám, cung ứng thuốc, trang thiết bị vật tư y tế… tất cả có nhiều vấn đề và cần có sự phân tích để đề xuất. Tôi nghĩ điều này liên quan mật thiết tới cơ chế của BHYT, sắp tới nếu sửa đổi luật này mong có ý kiến đóng góp của ngành y tế", bà Lan nhận định.

Bà Lan thẳng thắn: Cơ chế BHYT hiện nay đặt mục tiêu cao nhất là hiệu quả điều trị cho bệnh nhân hay làm sao để không vỡ quỹ BHYT? "Muốn không vỡ thì cũng như doanh nghiệp phải có đầu thu và đầu chi, tăng thu giảm chi. Rõ ràng tăng thu thì khó vượt ngoài tầm, hiện giờ vẫn loay hoay ai đứng ra kiện doanh nghiệp nếu không mua BHYT cho người lao động… Cuối cùng siết chi là nhanh nhất và TP.HCM là nơi chịu siết chi nhiều năm liền", bà Phong Lan thẳng thắn.

Bà Lan cũng chia sẻ về những bất cập liên quan đến đấu thầu. Như có những trường hợp TP.HCM đã đấu thầu xong với kết quả lựa chọn giá thấp nhất, nhưng vài tháng sau đó lại có một đơn vị ở tỉnh khác chọn được giá thấp hơn thì phía bảo hiểm lại yêu cầu áp giá đó, dẫn đến dôi ra một số tiền và bắt các bệnh viện phải xuất toán.

Từ câu chuyện trên, bà Lan đặt vấn đề: Liệu Sở Y tế TP.HCM có dám đề xuất học tập mô hình của các nước, bằng cách không cần đấu thầu?

Y tế TP.HCM nhìn thẳng vào yếu kém: Bài 1: Ba chân kiềng của ngành y tế TP.HCM đều "tan nát" - Ảnh 3.

Thiếu thuốc, vật tư y tế đang là thực trạng rất nóng. Ảnh: SYT

Kế đến, việc mua sắm của cả y tế lẫn bảo hiểm có thể quy về một mối, giao toàn bộ nguồn quỹ cho ngành y tế sử dụng phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Khi việc mua sắm về "chung một nhà" thì sẽ thuận lợi và tiết kiệm hơn, từ đó phục vụ cao nhất cho người bệnh.

Về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, bà Lan nhận định đây là vấn đề tồn tại hàng năm, cộng với tác động khách quan của dịch bệnh khiến tình hình trầm trọng hơn, gây bức xúc rất lớn. Bà đề nghị TP.HCM cần nhìn nhận thực tế thiếu thuốc, thậm chí khi chưa thiếu đã phải dự đoán trước thời điểm thiếu để có thể xử lý một cách quyết liệt nhất.

"Ngay cả nhận thức nguy cơ đang ở chỗ nào mà chúng ta không cần nương nhẹ, không dám nói. Thiếu thì cứ nói thiếu, nếu không sẽ rất khó và tạo ra dư luận không hay trong quần chúng nhân dân", bà Lan chia sẻ.

Bài 2: "Chưa bao giờ y tế lại khó khăn như bây giờ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem