Ý tưởng táo bạo tách đôi ECMO giữa đại dịch Covid-19 và những chuyện chưa kể

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 23/07/2022 15:41 PM (GMT+7)
Ý tưởng ECMO tách đôi là một kỳ tích tạo lập trong tình thế khó khăn của tập thể các y - bác sĩ, sáng tạo để cứu mạng sống người bệnh mắc Covid-19 nguy kịch.
Bình luận 0
Ý tưởng táo bạo tách đôi ECMO giữa đại dịch Covid-19 và những chuyện chưa kể - Ảnh 1.

Ca phẫu thuật tách đôi ECMO đầu tiên tại Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện quân y 175. Ảnh: BVCC

Tại Hội nghị khoa học kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19, Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực, Phó giám đốc Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Quân y 175 đã nhắc lại ý tưởng vô cùng táo bạo của các y bác sĩ giữa đại dịch: Tách đôi ECMO để cùng lúc cứu sống hai người bệnh nguy kịch.

Tháng 8/2021, giữa cao điểm dịch Covid-19, Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận 6 sản phụ, trong đó có sản phụ Thu Trinh (29 tuổi) từ Bệnh viện Hùng Vương và Ngọc Hoài (33 tuổi) từ Bệnh viện Từ Dũ. Tất cả các sản phụ nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch, không còn đáp ứng với điều trị tích cực thông thường, bị suy đa cơ quan (suy đa tạng) rất nhanh. Riêng bệnh nhân Ngọc Hoài, sau khi mổ sinh ở tuần thai thứ 33, hậu phẫu ngày thứ 4 ở Bệnh viện Từ Dũ thì bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, không đáp ứng thở máy.

Qua hội chẩn và tham vấn các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, bác sĩ Ân và đồng nghiệp biết rõ, chỉ còn một cách cứu bệnh nhân là phải đặt ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể hay còn gọi là tim phổi nhân tạo). Đây là "vũ khí", phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp nguy kịch do Covid-19.

Tuy nhiên vào thời điểm bệnh nhân Ngọc Hoài nhập viện ngày 6/8/2021, bệnh viện chỉ có 1 máy đang sử dụng cho sản phụ Thu Trinh.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Cảnh Chung, Khoa Hồi sức tích cực Trung tâm Điều trị người bệnh Covid-19, người đầu tiên có sáng kiến tách đôi ECMO cho biết: "Nếu cần phải can thiệp kỹ thuật ECMO cho cả 2 bệnh nhân, mà chỉ có 1 máy thì phải tính sao đây? Với lương tâm thầy thuốc, tôi suy nghĩ mãi để tìm giải pháp và nảy ra sáng kiến tách đôi ECMO".

Bác sĩ Chung đã báo cáo ban giám đốc ý tưởng này, nhanh chóng một cuộc hội chẩn khẩn giữa các chuyên gia từ Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, các kỹ sư diễn ra.

"Hỏi ý kiến các chuyên gia hàng đầu về hồi sức, các anh chị nói, về lý thuyết thì làm được nhưng thực tế chưa ai dám làm. Lúc đó, chúng tôi không làm thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chết. Ngay sau đó, chúng tôi xin ý kiến Thiếu tướng, PGS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và người đứng đầu bệnh viện đã đồng ý", bác sĩ Ân nhớ lại.

20h15 đêm 8/8/2021, các bác sĩ bắt đầu chia đôi một máy ECMO cho cả hai sản phụ Thu Trinh và Ngọc Hoài cùng sử dụng. 45 phút đầu tiên, các bác sĩ nín thở chờ đợi.

Đến 21h, ê-kíp vỡ oà hạnh phúc khi thực hiện thành công kỹ thuật chưa từng có tiền lệ. Thu Trinh - người đang dùng máy trước đó không bị ảnh hưởng điều trị. Tình trạng Ngọc Hoài cải thiện rõ rệt, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) tăng từ 80% lên 96-98%, về mức ổn định. Bác sĩ Ân là người khóc nhiều nhất vì hạnh phúc.

Ý tưởng táo bạo tách đôi ECMO giữa đại dịch Covid-19 và những chuyện chưa kể - Ảnh 3.

Chị Ngọc Hoài bật khóc khi lần đầu gặp con trai trong ngày được ra viện (10/10/2021). Ảnh: P.V

"Điều chúng tôi sợ nhất là khi tách đôi, bệnh nhân đang sử dụng ECMO ổn định trước đó bị ảnh hưởng thì cả 2 tính mạng đều bị đe doạ. Chúng tôi còn chuẩn bị đội ngũ sẵn sàng quay bằng tay cho máy chạy nếu việc tách ảnh hưởng đến việc tuần hoàn máu của Thu Trinh", bác sĩ Ân kể lại.

Chia sẻ về quyết định có tính lịch sử đối với nghề y và mang phần mạo hiểm khi thực hiện kỹ thuật tách đôi ECMO, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho hay: "Đây là sự đắn đo rất lớn của ê-kíp kỹ thuật và lãnh đạo bệnh viện. Chúng tôi chấp nhận búa rìu dư luận vì chưa có ai làm như thế bao giờ. Có thể có ý kiến cho rằng đó là sự khùng điên. Nhưng đối với người lính, việc làm thế nào để cứu được người bệnh là điều tiên quyết, quan trọng nhất".

Cảm phục tài năng và để tri ân những thầy thuốc đã cứu sống mình sau cơn bạo bệnh, chị Thu Trinh đã quyết định đặt tên con trai của mình là Huỳnh Diệp Chung Ân. Đó là tên ghép của ba bác sĩ: Bác sĩ Nguyễn Cảnh Chung - kíp trưởng ECMO, bác sĩ Diệp Hồng Kháng - Trưởng Khoa Hồi sức và điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và bác sĩ Vũ Đình Ân. 

Đó là một cách bày tỏ lòng biết ơn các bác sĩ không chỉ giúp chị được "sinh ra lần thứ hai" mà còn được hưởng niềm vui trọn vẹn với gia đình, được tiếp tục làm vợ, làm mẹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem