20 năm mang cây phủ khắp núi Cai Vàng, ông Tuân ở Bắc Giang đều đặn thu 10 tỷ/năm

Chủ nhật, ngày 24/03/2024 10:59 AM (GMT+7)
Tại xã Đông Hưng (Lục Nam - Bắc Giang), nhiều người biết đến ông Lê Minh Tuân (SN 1965) ở thôn Cai Vàng bởi ông không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế rừng mà còn là một đảng viên luôn tận tâm, gương mẫu trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), hoạt động từ thiện tại địa phương.
Bình luận 0

Sinh ra là để gắn bó với nghề rừng

Ít ai ngờ ở một nơi heo hút giữa điệp trùng núi rừng thôn Cai Vàng, Đông Hưng (Lục Nam - Bắc Giang) lại nổi lên trang trại quy mô lớn với nhiều cây ăn quả, cây lâm nghiệp. 

Tất cả đều được quy hoạch gọn gàng, ngăn nắp, hệ thống điện, đường, tưới tiêu khá đầy đủ. Càng vào sâu trong thung lũng, trước mắt tôi là không gian bát ngát hoa, cam, bưởi, bên kia rừng gió thổi rì rào trên những lô bạch đàn sắp đến kỳ khai thác.

Đưa tôi tham quan một vòng trang trại, ông Lê Minh Tuân, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lê Gia nói: “Xưa kia nơi này hoang vắng lắm, đêm nghe tiếng suối, ngày rộn tiếng chim, cây dại, dây leo mọc chằng chịt. 

Được như ngày hôm nay, gia đình tôi đã phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc mở đường, kéo điện và vỡ đất khai hoang. 

Hiện nay, trang trại thường xuyên có khoảng 50 lao động tham gia chăm sóc, quản lý cây ăn quả và hàng trăm ha rừng trồng”.

20 năm mang cây phủ khắp núi Cai Vàng, ông Tuân ở Bắc Giang đều đặn thu 10 tỷ/năm- Ảnh 2.

Ông Lê Minh Tuân tự hào với thành quả của mình.

Ông Tuân quê ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội, lớn lên lập nghiệp ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn - nơi có một phần đỉnh núi tiếp giáp với thôn Cai Vàng. 

Năm 1988, sau khi rời quân ngũ, ông đến Lâm trường Hữu Lũng 2 (Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam) công tác. Từng là cán bộ thu mua, tiêu thụ gỗ và sau này mở nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu nên ông nắm chắc kiến thức, kỹ thuật chuyên sâu về lâm nghiệp.

Hơn 20 năm về trước, nhận thấy nguồn gỗ rừng trồng ngày càng khan hiếm bởi nhu cầu thị trường lớn, trong khi đất rừng trong dân còn mênh mông, bà con chưa biết khai thác lợi thế đó để phát triển kinh tế, ông nảy ý tưởng mới. 

Với nhận định làm nông, lâm nghiệp không giàu nhanh nhưng bền vững, ông nhận chuyển nhượng từ người dân để có quỹ đất lớn trồng bạch đàn. Những cánh rừng ngày nào còn cằn cỗi chẳng mấy chốc đã được phủ kín bởi màu xanh tràn đầy sức sống. 

“Khi tôi mới đầu tư vào đây, mọi người bảo làm như thế khác gì "mang gà vào rừng đuổi". Không ít hộ lúc ấy có đất rừng nhưng khá thờ ơ, bỏ hoang. Có người trồng sắn, ngô hoặc cũng trồng bạch đàn nhưng kém hiệu quả”, ông Tuân chia sẻ.

Nhờ trồng rừng mà kinh tế của gia đình ngày càng đi lên. Do áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất nên năng suất rừng trồng luôn đạt cao, những năm gần đây cho thu bình quân từ 200 đến 250 triệu đồng/ha/chu kỳ. Theo ông, một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao sản lượng cũng như giá trị rừng trồng là phải chọn được giống cây tốt. Ngoài ra, khâu chăm bón cũng hết sức quan trọng.

20 năm mang cây phủ khắp núi Cai Vàng, ông Tuân ở Bắc Giang đều đặn thu 10 tỷ/năm- Ảnh 4.

Trang trại trồng cây ăn quả, lâm nghiệp của gia đình ông Lê Minh Tuân.

Chứng kiến mô hình hiệu quả của ông, nhiều hộ dân xã Đông Hưng đã học theo và mang lại hiệu quả cao. Với kiến thức, kinh nghiệm và từ thành công của bản thân, ông Tuân đã hỗ trợ người dân thôn Cai Vàng về cây giống cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng.

Từ trồng rừng, mỗi năm gia đình thu về hơn 10 tỷ đồng. Từ năm 2016, ông còn chuyển đổi một phần diện tích bạch đàn sang trồng cam, bưởi ở những vị trí địa hình thấp, qua đó mang lại nguồn lợi lớn.

Dường như cuộc đời ông Tuân sinh ra là để gắn bó với nghề trồng rừng. Từ khi còn trẻ và đến tận bây giờ, ông vẫn còn nặng lòng với núi rừng khi tiếp tục say mê học hỏi, tìm tòi các mô hình kinh tế mới. 

“Tôi đang hy vọng tới đây khi mô hình trồng mắc ca thành công, người dân sẽ chuyển đổi một phần rừng bạch đàn sang cây trồng này để có lợi nhuận cao hơn”, ông Tuân hào hứng.

Tiên phong mở đường, xây dựng quê hương thứ hai

Là người cởi mở, chân thành, ông Tuân được người dân quý mến, chính quyền tại những nơi ông từng sinh sống, làm việc đều ghi nhận. Trong nhà ông còn lưu giữ nhiều Bằng khen, Giấy khen, Bảng Tấm lòng Vàng do các cấp, ngành trao tặng. 

Nói về những đóng góp của ông Tuân, bà Nguyễn Thị Ngân, Trưởng thôn Cai Vàng cho biết: “Ông Tuân là người hào hiệp, nhiệt tình, sôi nổi và trách nhiệm với địa phương. Hơn 20 năm qua, người dân thôn Cai Vàng nói riêng, xã Đông Hưng nói chung rất ghi nhận sự đóng góp, ủng hộ của gia đình ông. Những con đường ông trực tiếp làm cũng như hỗ trợ kinh phí để xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển kinh tế”.

Theo bà Ngân, vào thập niên 2000, khi đời sống người dân còn khó khăn, ông Tuân về thôn Cai Vàng mở công ty trồng rừng tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại đây. Đồng thời, ông còn cho bà con mượn đất trồng ngô dưới tán rừng để có thêm thu nhập. Đáng quý hơn, ông nhiệt tình hỗ trợ các hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp.

Theo nhẩm tính, từ năm 2002 đến nay, ông đã chi hơn 10 tỷ đồng cho việc xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường giao thông tại Đông Hưng. Riêng giai đoạn 2017 - 2019, khi tỉnh Bắc Giang có chính sách hỗ trợ xi măng, ông đã đối ứng gần 7 tỷ đồng làm 16 km đường, thậm chí còn tự bỏ tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, ông cũng hiến hơn 10.000m2 đất lâm nghiệp để làm các tuyến đường này.

Không chỉ đóng góp làm đường giao thông, đảng viên Lê Minh Tuân còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào khác tại địa phương. Năm 2017, khi thấy nhà văn hóa (NVH) thôn Cai Vàng nhỏ hẹp, xuống cấp, ông chủ động đề xuất với ban lãnh đạo thôn xây mới NVH với kinh phí gần 1 tỷ đồng, trong đó gia đình ông ủng hộ hơn 400 triệu đồng.

“Lúc ấy thôn đang loay hoay với việc bố trí kinh phí đền bù để có mặt bằng làm NVH, tình cờ ông Tuân đi qua nắm được khó khăn và đã tự bỏ tiền ra đền bù để thôn có chỗ xây NVH rộng rãi, khang trang như bây giờ”, bà Ngân chia sẻ. Năm 2023, ông Tuân tài trợ gần 600 triệu đồng để xã Đông Hưng xây dựng Nhà thi đấu thể thao.

Chia sẻ về điều này, ông Tuân nói: “Tính của tôi là vậy, sống ở đâu thì mình cống hiến ở đó. Ngày xưa khi còn ở Lạng Sơn, tôi cũng hay ủng hộ các phong trào bên đó như xây nhà tình nghĩa, làm đường giao thông, trường học... Nay tôi xem Đông Hưng là quê hương thứ hai nên có trách nhiệm đóng góp xây dựng để mọi người, mọi nhà cùng có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Theo đồng chí Tạ Quang Mai, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hưng, một trong những thuận lợi để địa phương sớm cán đích NTM, rồi tiếp đó là NTM nâng cao chính là đã phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân. Trong đó, ông Lê Minh Tuân là một trong những công dân điển hình.

Ghi nhận những cống hiến, đóng góp của ông Lê Minh Tuân, huyện Lục Nam và xã Đông Hưng đã nhiều lần tuyên dương, khen thưởng. Năm 2019, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ông cũng là một trong những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tuyên dương trong Lễ báo công tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên) do Huyện ủy Lục Nam tổ chức tháng 5/2023. Ngoài ra, nhiều lần ông được các cấp, ngành ở huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) và Lục Nam tuyên dương trong các phong trào thi đua yêu nước.

Chiều dần buông, chúng tôi chia tay ông Tuân bên bìa rừng. Hy vọng những dự định của ông tới đây sẽ thành hiện thực. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, tấm lòng rộng mở vì cộng đồng, ông đã góp phần mang lại màu xanh cho núi rừng, làm đẹp thêm những xóm làng ở Đông Hưng.

Nguyễn Hưởng (Báo Bắc Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem