45 ca tử vong do sốt xuất huyết, số ca mắc tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021

Diệu Linh Thứ ba, ngày 02/08/2022 14:03 PM (GMT+7)
Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3,2 lần, trong đó 45 ca tử vong, tăng 31 ca.
Bình luận 0

Tại Hội nghị trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine và phòng, chống dịch do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 2/8, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 45 trường hợp tử vong. 

Các tỉnh có ca sốt xuất huyết tử vong bao gồm: TP.HCM (10 ca), Bình Dương (9), Đồng Nai (5), Tây Ninh (4), Bình Phước (4), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Bạc Liêu (2), BRVT (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Gia Lai (1), Hậu Giang (1), Sóc Trăng (1), Long An (1).

Theo TS Nguyễn Lương Tâm- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), so với cùng kỳ 2021 (42.587/14) số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp. 

Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Số mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

45 ca tử vong do sốt xuất huyết, số ca mắc tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ 2021 - Ảnh 1.

Chủ quan với sốt xuất huyết, nhiều người dân mắc bệnh nặng (Ca sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Ảnh: B.D)

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều ca bệnh nặng đã gây áp lực không nhỏ cho y tế nhiều địa phương. 

TS Tâm cảnh báo, ngoài việc duy trì các giải pháp phòng chống Covid-19 thì người dân, ngành y tế cùng người dân cũng cần duy trì các biện pháp chống dịch sốt xuất huyết. Nếu để nhiều dịch cùng lúc bùng phát thì sẽ gây hậu quả nặng nề. 

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu địa phương tăng cường phòng chống sốt xuất huyết, chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết Dengue tới mức thấp nhất. 

Bộ Y tế cũng có hướng dẫn, chia bệnh sốt xuất huyết làm 3 mức độ: 

Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời).

Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị).

Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết Dengue; Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; Xuất huyết nặng; Suy tạng nặng. 

Phân cấp điều trị sốt xuất huyết

Theo Bộ Y tế, Trạm Y tế xã phường/thị trấn, phòng khám đa khoa, chuyên khoa Nội, Nhi, Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1. 

Đối với mức độ 2, chỉ những bệnh viện đa khoa tư nhân đã được tập huấn điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo mới tiếp nhận; Đối với mức độ 3, chỉ những bệnh viện đã được tập huấn, chuyển giao điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng tiếp nhận bệnh nhân;

Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên.

Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi, Sản-Nhi tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân ở cả 3 mức độ.

Bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue tiếp nhận bệnh nhân ở cả 3 mức độ.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem