Không phải bún bò Huế, món này mới ngon và đặc trưng mà du khách nên thử khi đến Huế

Huy Hoàng (tổng hợp) Thứ ba, ngày 25/07/2023 13:39 PM (GMT+7)
Bún nghệ là món ăn phổ biến của người Huế. Tuy chỉ là món ăn bình dân nhưng bún nghệ mang hương vị rất riêng biệt, được chế biến lạ miệng theo khẩu vị của người Huế mà du khách nên một lần thử sẽ khó quên.
Bình luận 0

Ẩm thực Huế là một trong những điểm thu hút du khách bởi không chỉ phong phú với nhiều món ăn mà còn ở sự độc đáo, ngon, lạ miệng và mang nét đặc trưng riêng của xứ kinh kỳ. Trong số những món nổi tiếng, đặc sản thì món bún nghệ Huế là một trong những món ăn đó.

Không phải bún bò Huế, món này mới ngon và đặc trưng mà du khách nên thử khi đến kinh kỳ Huế - Ảnh 1.

Ẩm thực Huế, bún nghệ. Ảnh: dulichhue

Ẩm thực Huế: Bún nghệ vừa ngon và đặc trưng mà du khách nên thử khi đến kinh kỳ

Bún nghệ là tên gọi tắt của bún lòng xào nghệ và nhiều khi còn được gọi vui bằng cái tên thân thương "bún trị ho". Đây là món ăn dân dã, đã tồn tại từ bao đời nay ở Huế. 

Ngoài bún bò, bánh bột lọc, cơm hến, bánh bèo chén… bún nghệ cũng là đặc sản nức tiếng gần xa của xứ kinh kỳ. Bún nghệ không chỉ được biết đến là món ăn có tác dụng chữa ho, ốm vặt mà còn là món ăn lấp đầy chiếc bụng đói lúc xế chiều.

Không phải bún bò Huế, món này mới ngon và đặc trưng mà du khách nên thử khi đến kinh kỳ Huế - Ảnh 2.

Ẩm thực Huế. Bún nghệ hay còn được gọi là bún lòng xào nghệ. Ảnh: dulichhue

Bún nghệ được chế biến từ lòng heo, gan, lòng non, lòng già và tiết heo luộc, ướp với gia vị và nước nghệ tươi.

Điều đáng lưu ý là trong tất cả các thành phần, quan trọng nhất vẫn là nghệ. Nghệ làm bún phải là nghệ tươi, được chọn lọc kỹ càng, không quá già, có màu vàng đậm, vỏ láng mịn, không bị héo. Có như vậy, món bún nghệ mới có vị cay nồng đặc trưng. Củ nghệ được gọt sạch vỏ, giã tay hoặc xay đến mức độ vừa phải, sao cho không bị nhuyễn chảy nước và cũng không còn miếng quá to mới đúng chuẩn.

Lòng non, lòng già heo trong tô bún nghệ Huế được chọn tươi ngon, làm sạch cẩn thận cho hết mùi hôi, sau đó thái miếng nhỏ, đem ướp gia vị gồm tiêu, mắm, muối… cho vừa miệng ăn. Lòng được xào chín vừa, sao cho không bị dai hay đắng. Nhiều quán còn cho thêm cả tiết, gan làm cho bát bún nghệ thêm phần hấp dẫn, đầy đặn. Bún được xào cùng với nước nghệ và mỡ lòng heo nên ngậy, có màu vàng đẹp mắt. Khi xào bún, chủ quán phải xào thật nhanh, đều tay để bún không bị nhũn, mất ngon.

Điểm thú vị khi thưởng thức món bún nghệ và cũng là phần ngon nhất, đó là "cháy nồi". Nếu du khách ăn phần "cháy nồi" này sẽ cảm nhận độ giòn sần sật do phần bún ở sát dưới đáy nồi được xào lâu nên hơi cháy. Tuy nhiên, để được thử qua phần "cháy nồi" gây nghiện này lại không hề dễ, du khách phải chờ khi chủ quán bán được hơn nửa nồi mới có thể thưởng thức.

Khi khách gọi một suất bún nghệ, chủ quán mới lấy bún cho vào tô, múc thêm lòng xào nóng hổi, một thìa nghệ rồi thêm rau răm xắt nhỏ, hành tây… bưng ra cho khách. Thực khách sẽ tự trộn bún cùng các topping. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm ớt, nước tương, sa tế sao cho vừa miệng.

Không phải bún bò Huế, món này mới ngon và đặc trưng mà du khách nên thử khi đến kinh kỳ Huế - Ảnh 3.

Ẩm thực Huế. Bún nghệ ăn ngon nhất là khi còn nóng. Ảnh: dulichhue

Bún nghệ ăn ngon nhất là khi còn nóng. Một tô bún nghệ chuẩn Huế phải có màu vàng óng ả, kích thích ngay từ ánh nhìn cho đến vị giác. Ngay khi đưa bún vào miệng, vị cay tê đầu lưỡi, dần dần ấm nóng nơi cổ họng, hương thơm nồng nàn, hòa quyện giữa vị ngọt, béo của lòng heo và nghệ tươi.

Bún nghệ được bày bán rất nhiều trên các cung đường ở Huế vào tầm chiều, từ 13h đổ ra nên có thể là món ăn xế, ăn tối lý tưởng cho du khách. Bên cạnh đó, nghệ có giá trị tốt cho sức khỏe nên lúc nào cũng được lòng người dân địa phương và cả khách du lịch Huế.

Không phải bún bò Huế, món này mới ngon và đặc trưng mà du khách nên thử khi đến kinh kỳ Huế - Ảnh 4.

Ẩm thực Huế. Ảnh: dulichhue


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem