Kỳ lạ với tên món ăn đặc sản của người Khmer, nhưng khi thưởng thức lại ngọt, ngon

Hoàng Quyên (tổng hợp) Thứ ba, ngày 03/10/2023 19:00 PM (GMT+7)
Nếu ai đã từng đến miền Tây Nam Bộ, chắc hẳn đã được thưởng thức những món ăn đặc sản, đặc trưng của người Khmer, trong số những món ăn đặc trưng đó, có những món nghe tên đã kỳ lạ, tò mò và du khách muốn thưởng thức thử xem vị thế nào.
Bình luận 0

Vùng Tây Nam Bộ là vùng với nhiều nền văn hóa các dân tộc và cũng là điểm đến với nhiều đặc sản, ẩm thực. Nếu có dịp ghé thăm, đi du lịch miền Tây Nam Bộ, du khách nhớ thưởng thức những món ăn đặc sản, đặc trưng của người Khmer. Văn hóa ẩm thực của người Khmer hết sức phong phú và đa dạng. Từ các món ăn trong sinh hoạt thường ngày, đến các món ăn trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp của người Khmer đều thể hiện được sự ứng xử của con người đối với môi trường thiên nhiên. 

Họ lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc từ tự nhiên, chế biến và sáng tạo ra nhiều món ăn khác nhau. Đến nay, đồng bào Khmer đã có được một danh sách dài về các món ăn đặc trưng. Trong đó, có các món tiêu biểu như: mắm bò hóc, canh som lo, bún nước lèo, cốm dẹp, bánh thốt nốt, nước thốt nốt,v.v...

Ẩm thực Tây Nam Bộ: Mắm bò hóc

Kỳ lạ với tên món ăn đặc sản của người Khmer, nhưng khi thưởng thức lại ngọt, ngon - Ảnh 1.

Món mắm bò hóc, cái tên khiến người nghe tò mò về món ăn. Ảnh: Đ.M.X

Mắm bò hóc là một trong những món ngon của người Khmer mà có nhiều du khách khi đi du lịch miền Tây Nam Bộ được thưởng thức đã rất ấn tượng. Món ăn này tuy đơn giản nhưng lại là yếu tố tạo nên sự thơm ngon và hấp dẫn của vô số các món ăn miền Tây khác. Ở mọi gia đình người Khmer đều có sẵn một hũ mắm bò hóc trong nhà, dùng để làm gia vị nấu nhiều món ngon đặc sản.

Nguyên liệu để làm món mắm bò hóc là từ các loại cá rô, cá sặt, cá lóc... cách làm món mắm này cũng khá cầu kỳ qua nhiều công đoạn. Cá được làm sạch, bỏ đầu (người Việt thường giữ lại đầu cá khi làm mắm), ngâm với muối vài tiếng đồng hồ cho cá trương sình lên. 

Sau đó phơi cá thật khô, ướp gia vị đường, tiêu, tỏi... cho thấm. Dùng vật nặng ép cho rỉ hết nước cá. Rửa cá lại bằng nước muối, xếp vào lọ sành muối theo tỷ lệ một cá - nửa cơm nguội - một muối. Dùng nan tre cài chặt lại và ủ tiếp khoảng từ 4 đến 6 tháng cho đến khi thành mắm. Mắm bò hóc còn là gia vị quan trọng làm nên hương vị đậm đà cho các món ăn như: bún num bò chóc, bún nước lèo, bún mắm...

Món mắm bò hóc thành phẩm thường có màu đỏ sẫm, hương thơm đậm đà ngào ngạt và có vị đặc trưng. Phía trên lớp cá ngưng đọng lớp nước mắm sánh đặc, rất ngon khi sử dụng làm nước chấm hoặc nêm canh. Mắm bò hóc thường được dùng để làm gia vị nấu bún mắm, bún nước lèo, bún num bò chóc,…

Du khách đến An Giang, Trà Vinh… thưởng thức những bát bún num bò chóc, bún nước lèo, bún mắm sẽ cảm nhận mùi thơm của nhiều loại gia vị và đặc biệt là mùi vị đậm đà của mắm bò hóc khiến du khách sẽ thấy vị ngọt đậm đà, vị chua thanh thanh rất đặc trưng của nước dùng.

Ẩm thực miền Tây Nam Bộ: Cốm dẹp

Kỳ lạ với tên món ăn đặc sản của người Khmer, nhưng khi thưởng thức lại ngọt, ngon - Ảnh 2.

Cốm dẹp, món quà đặc trưng của người Khmer nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung. Ảnh: @piupiu0310

Một trong những món quà đặc trưng của người Khmer nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung mà du khách nên thử khi đi du lịch ở đây, đó là cốm dẹp. Đây là loại cốm làm từ hạt nếp non – loại nếp được gặt sớm khoảng 1 – 2 tuần. Nếp non sau đó đem ngâm, rang rồi giã thành loại cốm dẹp đặc sản.

Để có món cốm dẹp ngon, người rang nếp phải thao tác chuyên nghiệp và quen tay. Đặc biệt, khi rang cốm trong nồi đất sẽ giúp quá trình giữ nhiệt được nóng lâu hơn. Sau khâu rang nếp công phu, nếp được cho vào cối để giã hết vỏ trấu bên ngoài. Ngoài ra có thể cho nếp vào túi vải để quyết sẽ giúp vỏ trấu nhanh tróc hơn.

Hạt cốm trắng tinh có mùi thơm của nếp chín, hơi ngậm sữa, được trộn với đường cát trắng, dừa rám đã nạo thành cọng nhỏ và đậu xanh đã luộc chín để làm món cốm dẹp.

Món cốm dẹp Khơ me thường được sử dụng để làm bánh cốm, nấu chè xôi, cả cốm,… Trong đó ngon nhất chính là món cốm dẹp trộn dừa. Tuy món này đơn giản nhưng càng ăn càng "dính" vì sự đậm đà ngọt ngào chuẩn ẩm thực miền Tây.

Ngoài ra, cốm dẹp vốn là nguyên liệu được sử dụng làm lễ vật chính, không thể thiếu trong lễ Oóc om boc (hay còn gọi lễ cúng trăng) của người Khmer ở Nam bộ.

Ẩm thực miền Tây Nam Bộ: Canh Somlo

Kỳ lạ với tên món ăn đặc sản của người Khmer, nhưng khi thưởng thức lại ngọt, ngon - Ảnh 3.

Ảnh: Danh Diệm.

Một trong những món ăn mang đậm văn hóa, nét đặc trưng của người Khmer mà du khách không nên bỏ lỡ khi đến miền Tây Nam Bộ, đó là món canh Somlo. Cái tên canh Somlo đã khiến nhiều du khách tò mò bởi không biết vị của món canh này như thế nào, được nấu ra sao?

Theo người dân Khmer ở Sóc Trăng thì món canh này có thể nấu với cá lóc hoặc tép. Sang hơn thì nấu cả cá lẫn tép sẽ càng ngon. Cá được luộc chín, lọc lấy thịt. Tép thì được đập dập để khi nấu, nước được ngọt hơn. Rau để nấu món canh này sẽ là lá lành canh, một loại lá hao hao giống lá cây ô môi. Và tiếp đến là rau ngổ, rau muống, cà nâu, cà rừng - một loại cà mọc hoang, trái nhỏ bằng đầu ngón tay út - lá nhàu dưa leo, chuối xiêm sống, đu đủ sống, đậu que... Riêng đu đủ, cà rừng, đậu que thì đập dập, vắt bớt nước. Sả được cho vào để tạo thêm hương vị; thính góp phần làm cho nồi canh mắm thêm nồng nàn.

Bát canh Somlo khi được múc lên, du khách thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên của thịt cá, tép và thơm của các loại rau, đặc biệt không sẽ không còn vị tanh của cá hay tép.

Ẩm thực miền Tây Nam Bộ: Cà ri đỏ

Kỳ lạ với tên món ăn đặc sản của người Khmer, nhưng khi thưởng thức lại ngọt, ngon - Ảnh 4.

Một trong những món đặc sản, nổi tiếng của người Khmer mà rất nhiều du khách biết đến và ấn tượng, đó là món cà ri đỏ. Ảnh: Tripzone

Một trong những món đặc sản, nổi tiếng của người Khmer mà rất nhiều du khách biết đến và ấn tượng, đó là món cà ri đỏ.

Món ăn truyền thống này rất nổi tiếng ở Campuchia, thường được nấu trong các dịp lễ lớn, cưới hỏi hoặc các ngày họp mặt gia đình. Trong văn hóa của người Khmer tại Việt Nam, cà ri đỏ cũng là món ngon rất đáng để thử.

Món cà ri đỏ này được nấu từ thịt gà, thì bò hoặc cá với đậu xanh, cà tím, khoai tây, nước cốt dừa, sả, ớt,… để tạo nên hương vị đậm đà, cay nồng đặc trưng của cà ri. Tuy không cay bằng cà ri Thái Lan nhưng món cà ri đỏ này cũng phần nào thỏa mãn vị giác của các tín đồ đam mê ẩm thực cay. Để món ăn ngon hơn, người Khmer sẽ thưởng thức cùng bánh mì. Nếu có dịp, đi du lịch Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang,… du khách nhớ ăn thử món cà ri đỏ.

Ẩm thực miền Tây Nam Bộ: Bánh thốt nốt

Kỳ lạ với tên món ăn đặc sản của người Khmer, nhưng khi thưởng thức lại ngọt, ngon - Ảnh 5.

Ảnh: Danh Diệm

Bánh thốt nốt cũng là loại bánh nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Bánh bò thốt nốt, có màu vàng đẹp mắt được gói trong lá chuối xiêm, phía trên rắc dừa nạo, thơm lừng, ngọt béo từ nước cốt dừa và đường thốt nốt trông rất hấp dẫn.

Bánh làm từ các nguyên liệu chính như bột gạo, bột thốt nốt (bột vỏ trái thốt nốt già mài nhuyễn lược lấy nước pha chung với bột gạo cho có mùi thơm đặc trưng), đường thốt nốt, nước cốt dừa. Để làm những chiếc bánh bò đường thốt nốt là cả một sự kì công. Từ khâu ủ bột lên men, rồi phải thường xuyên trông chừng vì nếu thời tiết quá khô thì bánh sẽ không có vị xốp, bùi, nếu bột quá ướt sẽ mất độ mềm của bánh.

Ẩm thực miền Tây Nam Bộ: Amok cá

Kỳ lạ với tên món ăn đặc sản của người Khmer, nhưng khi thưởng thức lại ngọt, ngon - Ảnh 6.

Du lịch về các tỉnh miền Tây, du khách hãy nếm thử các món ngon hấp dẫn của người Khmer. Ảnh: @barangstreetkitchen

Thêm một món ngon của người Khmer mà du khách nên ăn thử, đó là món Amok cá được nấu từ cá tươi với nước cốt dừa, sả, nghệ, tỏi, gừng, hẹ tây,... Điều thú vị món amok cá được đặt trong những lá chuối, trông rất thú vị.

Điều tạo nên món amok cá ngon chính là sự đa dạng của các loại nguyên liệu. Trong đó phải kể đến mang khượng, mắm bò hóc, đường, trứng. Các nguyên liệu này được đem trộn đều tạo thành hỗn hợp, sau đó đem nấu. Hỗn hợp  này nấu chín sẽ đem bọc miếng cá phi lê bên trong, bên ngoài ốp thêm lá chùm ruột. Cuối cùng gói lại bằng lá chuối, sau đó đem đi hấp.

Amok cá khi hấp chín tiếp tục được đổ thêm nước cốt lừa lên trên, trang trí vài lát ớt để món ăn thêm hấp dẫn. Thưởng thức amok cá, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị đậm đà của các nguyên liệu. Hương thơm từ nước cốt dừa, lớp béo bùi của cá và trứng và hương vị đặc trưng của nhiều nguyên liệu khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem