“Ăn để sướng hay ăn để sợ?”

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 18/02/2023 14:45 PM (GMT+7)
"Trong cuộc đời tôi, tôi chẳng kiêng ăn thứ gì. Mình ăn cái gì mà cũng lo sợ thì còn gì là sướng, còn gì là cuộc đời nữa?”, chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành đã chia sẻ tại buổi giao lưu, giới thiệu bộ sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”, sáng nay (18/2).
Bình luận 0
“Ăn để sướng hay ăn để sợ?” - Ảnh 1.

Chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành ra mắt bộ sách với tên gọi "Ăn để sướng hay ăn để sợ?". Ảnh: Tr. Quỳnh

Năm 2016, bộ sách về an toàn thực phẩm của chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành với tên gọi "Ăn để sướng hay ăn để sợ?" tập 1 và 2 đã được xuất bản. Đây là tập hợp những bài viết về an toàn thực phẩm đăng hàng tuần trên báo giấy.

"Hai cuốn sách đầu tiên trong bộ sách 'Ăn để sướng hay ăn để sợ?" được xuất bản vào năm 2016. Khi đó tôi cũng không nhớ rõ tại sao lại đặt tên sách như vậy. Có lẽ là tại lúc đó tôi nhận được quá nhiều các câu hỏi của độc giả, lo lắng, băn khoăn khi ăn món nọ, món kia. 

Trong khi cuộc đời tôi, tôi chẳng kiêng ăn thứ gì. Mình ăn cái gì mà cũng lo sợ thì còn gì là sướng, còn gì là cuộc đời nữa?", chuyên gia Vũ Thế Thành chia sẻ về sự ra đời của tựa đề bộ sách "Ăn để sướng hay ăn để sợ?".

“Ăn để sướng hay ăn để sợ?” - Ảnh 2.

Bộ sách "Ăn để sướng hay ăn để sợ?" lần này gồm 4 tập. Ảnh: Tr.Quỳnh

Những ngày cuối năm 2022, chuyên gia Vũ Thế Thành tiếp tục cho xuất bản tập sách vẫn mang tựa đề cũ "Ăn để sướng hay ăn để sợ?", nhưng bộ sách lần này gồm 4 tập, cập nhật bổ sung thêm trả lời thêm rất nhiều nội dung, kiến thức mới với khoảng 200 chủ đề.

Ông Vũ Thế Thành cho biết, các chủ đề đặt ra trong bộ sách hầu như đều xuất phát từ các câu hỏi, băn khoăn của độc giả gửi đến ông, chẳng hạn những câu hỏi như "Đàn ông ăn đậu nành thì có bị chuyển giống không?" hay "Ung thư thì có phải kiêng thịt đỏ hay không?"…

Cụ thể, tập 1 của bộ sách nói về bốn loại thực phẩm thịt bị gièm pha nhiều nhất là: thịt, cá, trứng, và sữa. 

Theo đó, thịt bị gièm pha là ung thư. Trứng bị gièm pha ăn vào là bị ngộ độc Salmonella. Cá bị tội ăn vào là bị dị ứng. Sữa là bị gièm pha nặng nề nhất, mục đích ẩn phía sau là họ muốn giới thiệu sữa thực vật nên phải gièm pha sữa.

Tập 2 là thời kỳ rau – củ – quả lên ngôi. Rau – củ – quả lành rồi, không có gì tranh cãi. Nhưng mỗi loại rau – củ – quả cũng có đặc tính riêng. Nhưng rồi, rau – củ – quả cũng bị đánh, chẳng hạn đánh bởi các nhà bán thực phẩm chức năng. 

"Rau – củ – quả mỗi loại có lợi riêng, nhưng không có cái gọi là siêu thực phẩm. Không có một rau củ nào là siêu thực phẩm. USDA – Bộ Nông nghiệp Mỹ đã bị "hố" với việt quất, mà phải tháo khỏi trang web của USDA từ mấy chục năm nay", ông Thành nói.

Tập 3 là tập nói về nhà bếp: nước mắm, nước tương, soda…

Tập 4 là tập đi giải mã các tin đồn "trời ơi đất hỡi", như ăn tôm hùm là sẽ khỏe như con hùm, hay đàn ông ăn đậu nành có bị chuyển giống hay không?…

“Ăn để sướng hay ăn để sợ?” - Ảnh 3.

Chuyên gia Vũ Thế Thành cũng chia sẻ cho độc giả hiểu thêm kiến thức về các loại thực phẩm chức năng. Ảnh: Tr.Quỳnh

Tại buổi giới thiệu bộ sách, chuyên gia Vũ Thế Thành cũng chia sẻ cho độc giả hiểu thêm kiến thức về các loại thực phẩm chức năng. Theo chuyên gia này, thực phẩm chức năng gồm nhiều thứ. Nhưng cần phải hiểu rõ, thực phẩm chức năng là thực phẩm chứ không phải thực phẩm. 

"Tất cả các quy định kiểm soát thực phẩm chức năng là như thực phẩm, chứ không phải dược phẩm. Tức là nó không thể điều trị bệnh. Tuy nhiên, nhiều quảng cáo vẫn nhan nhản nói như thể thực phẩm chức năng có thể điều trị được bệnh, tôi là tôi dị ứng, tôi không đồng ý ở chỗ đó, chứ không phải tôi tẩy chay thực phẩm chức năng", ông Vũ Thế Thành chia sẻ.

“Ăn để sướng hay ăn để sợ?” - Ảnh 4.

Hoa hậu Hương Giang cùng con gái tham gia buổi giao lưu, giới thiệu sách. Ảnh: Tr.Quỳnh

Tham dự buổi giao lưu, bác sĩ Lê Tự Phương Chi, nguyên Trưởng khoa Sản – bệnh viện Từ Dũ, chia sẻ bà là bác sĩ chuyên về ung thư phụ khoa. Thường ngày có rất nhiều bệnh nhân ung thư, trong quá trình điều trị, nhiều người lên lấy thông tin trên Internet, hoặc các hội nhóm và họ thấy rằng họ cần phải ăn kiêng, kiêng đạm, không ăn thịt, cá, tôm… không ăn các chất bổ dưỡng. 

“Ăn để sướng hay ăn để sợ?” - Ảnh 5.

Nhiều bạn đọc quan tâm đến bộ sách "Ăn để sướng hay ăn để sợ?. Ảnh: Tr.Quỳnh

"Tôi làm trong ngành y trên 30 năm, tôi thường xuyên được bệnh nhân của mình hỏi về chuyện ăn món này món kia có được không. Nhưng tôi không có chuyên môn về an toàn thực phẩm nên không thể có kiến thức để đưa ra câu trả lời cho đúng, vì vậy cuốn sách này thật là quý giá đối với tôi nói riêng và những người làm ngành y nói chung", bác sĩ Lê Tự Phương Chi, chia sẻ. 

Cũng theo bác sĩ Phương Chi, bà đã đọc bộ sách không chỉ một mà rất nhiều lần, dù bộ sách mới chỉ xuất bản cuối năm 2022. 

"Cuốn sách giúp tôi có thể tự tin khi có thể hỗ trợ cho người bệnh được nhiều hơn trong điều trị, ngoài việc làm phẫu thuật, hay hóa trị. Tôi phải nói tôi cảm ơn anh Thành rất nhiều với bộ sách này", bác sĩ Phương Chi nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem