dd/mm/yyyy

Anh nông dân ở vùng cao Lào Cai thoát nghèo nhờ nuôi ngựa

Anh Thào A Hừ (SN 1985), dân tộc Mông, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi ngựa.

Clip: Anh Thào A Hừ, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát (Lào Cai) chia sẻ về nuôi ngựa.

Mô hình nuôi ngựa hiệu quả ở Lào Cai

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ngựa nhốt chuồng của anh Thào A Hừ, ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát (Lào Cai) khi gia đình anh đang bận rộn công việc đồng áng để cho vụ lúa mùa năm nay.

Anh Thào A Hừ, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát tâm sự: Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, thu nhập của gia đình chỉ phụ thuộc vào cây ngô và lúa ruộng một vụ thôi.

Thế nhưng năm 2017, khi huyện Bát Xát triển khai Đề án số 01 về việc “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trọng tâm là đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc". 

Trong đó, trọng tâm là thực hiện mô hình nuôi ngựa theo hướng sản xuất hàng hóa, gia đình tôi đã được vay 170 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (được Nhà nước hỗ trợ lãi suất trong 3 năm đầu) để mua 10 con ngựa giống về nuôi.

Anh nông dân ở vùng cao Lào Cai thoát nghèo nhờ nuôi ngựa - Ảnh 2.

Mô hình nuôi ngựa của gia đình anh Thào A Hừ, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngoài được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi còn được hỗ trợ kinh phí làm chuồng trại, trồng cỏ voi VA06 để đàn ngựa sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo anh Hừ, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ngựa hàng hóa bài bản, đàn ngựa của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Từ 10 con ngựa giống ban đầu đến năm thứ 2 đã đẻ được 5 con.

Đến năm 2020, gia đình anh Hừ đã có 7-8 con ngựa to để bán, đồng thời, trả hết số vốn gia đình anh đã được hỗ trợ vay để phát triển nuôi ngựa.

Anh nông dân ở vùng cao Lào Cai thoát nghèo nhờ nuôi ngựa - Ảnh 3.

Anh Hừ thường xuyên vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh cho đàn ngựa. Ảnh: Mùa Xuân.

Trong quá trình chăn nuôi, anh Hừ đã xây dựng chuồng kiên cố, với diện tích khoảng 80 m2. Ngoài ra, anh Hừ còn trồng 1 ha cỏ voi VA06 để làm nguồn thức ăn cho đàn ngựa.

Nông dân Lào Cai "bật mí" nuôi ngựa hiệu quả cao

Chia sẻ thêm về bí quyết nuôi ngựa, anh Hừ cho rằng nuôi ngựa không khó so với các loại vật nuôi khác. Bởi ngựa ít dịch bệnh hơn và dễ chăn thả khi vào mùa nông nhàn đã thu hoạch cây lương thực xong. Bên cạnh đó, để đàn ngựa phát triển tốt đối với chuồng trại phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát; thức ăn cho ngựa phải sạch không dính đất…

Để có thêm kinh nghiệm nuôi, anh Hừ còn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc ở một số địa phương khác đã nuôi trước, đảm bảo vật nuôi an toàn khi có dịch bệnh. Tích cực tham gia các lớp tập huấn về phát triển chăn nuôi do xã, huyện tổ chức...

Anh nông dân ở vùng cao Lào Cai thoát nghèo nhờ nuôi ngựa - Ảnh 4.

Anh Hừ trồng thêm cỏ voi VA06 để đảm bảo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn ngựa. Ảnh: Mùa Xuân.

"Năm 2022, gia đình tôi bán được 13 con ngựa, thu về khoảng 270 triệu đồng, số vốn này gia đình tôi tiếp tục mua thêm 10 con ngựa giống về để nhân đàn, hiện đã đẻ thêm được 3 con rồi. 

Nhờ phát triển nuôi ngựa hàng hóa, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá, làm được nhà mới khang trang, có thêm điều kiện chăm lo con cái học hành chu đáo". Anh Hừ nói.

Anh nông dân ở vùng cao Lào Cai thoát nghèo nhờ nuôi ngựa - Ảnh 5.

Gia đình anh Hừ có thêm thu nhập ổn định nhờ nuôi ngựa hàng hóa. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lý A Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát nhận xét: Anh Hừ là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu có nghị lực vươn lên thoát nghèo khi được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn để đầu tư nuôi ngựa theo hướng hàng hóa.

Anh Hừ xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để bà con trong thôn cũng như xã học tập và noi theo.

Với hiệu quả ban đầu từ mô hình nuôi ngựa theo hướng hàng hóa của anh Hừ cũng như nhiều hộ dân khác khi thực hiện theo Đề án số 01 của huyện Bát Xát đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở xã nghèo vùng cao Lào Cai.

Mùa Xuân