Bà Rịa - Vũng Tàu: Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thu lợi kép

Phụng Anh Thứ ba, ngày 29/08/2023 12:05 PM (GMT+7)
Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong nông nghiệp thời gian qua ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho các HTX, doanh nghiệp mà còn tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế
Bình luận 0
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thu lợi kép - Ảnh 1.

Mô hình phun thuốc bằng máy bay hiện đang sử dụng cho các HTX trồng lúa ở xã An Nhứt, huyện Long Điền. Ảnh: Phụng Anh

Động thái này của nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu .

Áp dụng công nghệ cao, lợi nhuận khủng

Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong tỉnh đã đạt được hiệu quả kinh tế cao nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao. Có thể kể đến như mô hình của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (ở TP.Bà Rịa) có 100ha nuôi tôm.

Năm 2019, HTX đầu tư 5 tỷ đồng chuyển đổi sang nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao: nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (gọi tắt là RAS). Với công nghệ này, nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, qua hệ thống lắng để loại bỏ chất hữu cơ lơ lửng và kim loại nặng. Sau đó, nước được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc.

Theo ông Nguyễn Kim Chuyên - Giám đốc HTX, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, HTX dễ dàng kiểm soát được môi trường nuôi. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong nuôi tôm, góp phần đem lại siêu lợi nhuận cho HTX. Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX đã tăng từ 1 vụ tôm/năm trong ao đất lên 3 vụ/năm, năng suất đạt 50 - 60 tấn/vụ/2ha, với doanh thu bình quân mỗi năm khoảng 15 - 20 tỷ đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thu lợi kép - Ảnh 2.

Tham quan mô hình nuôi tôm CNC trong nhà màng và trải bạt tại HTX Quyết Thắng. Ảnh: Phụng Anh

Tại Farm Liên Giang ở xã An Ngãi (huyện Long Điền) cũng đang áp dụng mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ theo hướng công nghệ cao trên diện tích 8 ha, trong đó có 1,3 ha được sử dụng làm ao nuôi tôm (15 ao), còn lại là các ao xử lý nước. Hiện nay cơ sở nuôi 3 vụ, với sản lượng thu hoạch khoảng 200 tấn/năm. Để xử lý tốt nguồn nước và bảo đảm vệ sinh môi trường ao nuôi, cơ sở đầu tư máy sục ôxy, quạt gió, máy điều khiển cho tôm ăn tự động, hệ thống máy móc hiện đại đo nồng độ pH trong ao nuôi…

Theo ông Lương Văn Hà, quản lý Farm Liên Giang, nuôi tôm theo công nghệ cao giúp tăng sản lượng gấp 4 lần so với nuôi tôm truyền thống và bảo vệ được môi trường do kiểm soát được các chỉ tiêu về giống, thức ăn, nguồn nước.

Nhờ quy trình nuôi nghiêm ngặt, sản lượng đạt cao cùng với giá thành tốt (khoảng 200.000 - 220.000 đồng/kg, tôm size 30 con/kg), sau khi trừ chi phí (khoảng 90 - 100.000 đồng/kg), lợi nhuận thu được của Liên Giang Farm vào khoảng trên dưới 20 tỷ đồng/năm. Nếu nuôi lên tầm size 18 - 20 con/kg thì giá thành còn cao hơn, lợi nhuận tăng rất nhiều.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thu lợi kép - Ảnh 3.

Thu hoạch tôm tại cơ sở nuôi tôm công nghệ cao Farm Liên Giang, ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền. Ảnh Phan Thảo.

Không chỉ trong nuôi trồng thủy sản mà hoạt động chăn nuôi cũng được các doanh nghiệp, chủ trang trại chú trọng ứng dụng công nghệ. Trang trại chăn nuôi heo Trang Linh, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc có quy mô 27.450 con heo giống thương phẩm/năm; 54.877 heo thịt/năm. Trang trại đang ứng dụng công nghệ chuồng lạnh, nhập con giống có chất lượng cao từ nước ngoài, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ chăn nuôi tự động hóa, bán tự động, sử dụng biogas, đệm lót sinh học, chiết tách phân, sản xuất phân vi sinh và ứng dụng vi sinh trong xử lý chất và nước thải. Việc áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi đã giúp trang trại Trang Linh tiết kiệm được khoảng 50% chi phí trong chăn nuôi và có giá bán lợn hơi cao hơn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với giá thị trường.

Tăng năng suất và chất lượng sản phẩm

Không chỉ phát triển công nghệ cao trong các HTX, doanh nghiệp mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn chú trọng hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Theo Sở NNPTNT, hiện tỉnh đã hình thành 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 6.680 ha.

Ở lĩnh vực trồng trọt, vùng sản xuất rau có diện tích hơn 784 ha tại TX.Phú Mỹ và huyện Đất Đỏ. Vùng sản xuất hồ tiêu diện tích 2.500 ha tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản diện tích 2.500 ha tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và TX.Phú Mỹ. Vùng sản xuất hoa, cây cảnh diện tích hơn 43 ha tại TX.Phú Mỹ và huyện Đất Đỏ.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thu lợi kép - Ảnh 4.

Cơ sở trồng rau công nghệ cao 4K Farm tại thôn 2, xã Suối Rao, huyện Châu Đức. Ảnh: Phụng Anh

Lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao tại 4 huyện: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và TX.Phú Mỹ. Lĩnh vực thủy sản cũng đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Vùng sản xuất giống tôm diện tích hơn 53 ha tại thị trấn Phước Hải. Vùng nuôi nuôi trồng thủy sản với diện 389 ha tại xã Lộc An (Đất Đỏ) và 17 ha tại xã Phước Thuận (Xuyên Mộc).

Ông Phạm Quang Nhật, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian rất hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả cao của các lĩnh vực trong nền kinh tế tỉnh giai đoạn 2022-2030.

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, mà còn kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP,… đồng thời có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do đó giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với sản xuất thông thường.

Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện bình quân đạt 110 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2022 chiếm 28,48% (năm 2021 đạt 26,22%) và tỷ lệ giá trị sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 47,52% (năm 2021 chiếm 43,83%).

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh đã có 402 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích 5.694ha. Trong chăn nuôi có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Trong lĩnh vực thủy sản, có 22 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 422,3ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem