Bạc Liêu: Lao động nghèo được tư vấn, tạo việc làm bền vững

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 18/06/2023 13:38 PM (GMT+7)
Triển khai tiểu dự án 4.3 "Hỗ trợ việc làm bền vững", tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp để thực hiện, tuy nhiên, kết quả triển khai cũng còn nhiều hạn chế mà nguyên nhân một phần cũng đến từ nhận thức của lao động nghèo.
Bình luận 0

Làm tốt các phiên tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nghèo

Mới đây, UBND Thành phố Bạc Liêu phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu tổ chức Ngày hội việc làm năm 2023 cho hơn 150 người là học sinh, đoàn viên, thanh niên và người lao động trên địa bàn thành phố.

Chị Nguyễn Thị Nhung, 32 tuổi lao động thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố đã được tư vấn, giới thiệu việc làm thành công.

Chị Nhung chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một phiên tư vấn giới thiệu việc làm. Tôi được giới thiệu và xin được việc làm nhân viên dọn dẹp văn phòng cho một công ty nước ngoài trên địa bàn thành phố. Mức lương khởi điểm là 5,5 triệu đồng, sau đó có tăng thêm".

hỗ trợ việc làm bền vững

Rất nhiều lao động nghèo, lao động khó khăn đã được tư vấn, giới thiệu việc làm qua các phiên tư vấn giới thiệu việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bạc Liêu. Ảnh: TT

Cũng như nhiều lao động nghèo khác, công việc này giúp chị Nhung ổn định cuộc sống, thay vì phải đi bán vé số, thu nhập bấp bênh như trước đây. Phiên giao dịch việc làm trên là một trong số nhiều hoạt động mà tỉnh Bạc Liêu đang triển khai khi thực hiện Tiểu dự án 4.3 về "Hỗ trợ việc làm bền vững" trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Mới đây trong báo cáo đánh giá giữa kỳ về thực hiện tiểu dự án 4.3 "Hỗ trợ việc làm bền vững" thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu đã có những đánh giá cụ thể về việc thực hiện.

Về công tác điều hành, tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, thành lập Ban chỉ đạo và quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bạc Liêu giai 2021-2025.

Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2022, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện còn 7.233 hộ nghèo (chiếm trên 3%) và 12.055 hộ cận nghèo (chiếm trên 5%).

Năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% (tương đương 2.270 hộ); đồng thời, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo mới thoát nghèo; phấn đấu đào tạo nghề cho 14.000 lao động, giải quyết việc làm cho 18.500 lao động.

Trên cơ sở quy chế hoạt động, Ban chỉ đạo các cấp kịp thời tham mưu, đôn đốc, triển khai các văn bản quy định về các chính sách hỗ trợ việc làm bền vững và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Tổng vốn giao năm 2022 để triển khai tiểu dự án 4.3 là hơn 3 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ giao dịch việc làm với tổng số 81 phiên giao dịch việc làm cho 7.279 người, trong đó nữ là 2.335 người. Để tiếp tục triển khai tiểu dự án, năm 2023 tỉnh được giao gần 10 tỷ đồng ngân sách. 

Một số nội dung như: Đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến tại Trung tâm Dịch vụ việc làm; tạo việc làm thành công; thống kê dữ liệu lao động, doanh nghiệp... đang được tỉnh triển khai, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2023.

Khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện tiểu dự án 4.3

Ông Trần Yến Hòa - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu cho biết, cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước khi triển khai tiểu dự án 4.3, tỉnh Bạc Liêu đối mặt với khá nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể tới đó là vốn đầu tư giải ngân chậm, tiếp đó là khó khăn về văn bản thông tư ban hành chưa kịp thời, có những nội dung chưa phù hợp. Điều này khiến tốc độ triển khai thực hiện tiểu dự án khó khăn, chậm tiến độ.

hỗ trợ việc làm bền vững

Sở LĐTBXH phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bạc Liêu liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động. Ảnh: TT

"Đó là chưa kể tới nhiều lao động, nhất là lao động nghèo rất ngại tham gia các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm. Họ thà chọn thất nghiệp, quanh quẩn ở nhà chứ nhất quyết không muốn tham gia thị trường lao động, đi làm việc tại các công ty", ông Hòa nói.

Để thực hiện tốt hơn tiểu dự án 4.3, Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu kiến nghị, Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46 về hướng dẫn mục chi với việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời sở cũng sẽ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm tại cấp xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem