Trong những năm 80-90, bút lực ngồn ngộn của Triệu Xuân với dòng tiểu thuyết gắn liền với thời kỳ đổi mới, phơi bày sự thật trần trụi và nhức nhối của đất nước thời kỳ đó cùng những cơ chế lỗi thời, khiến người đọc như bừng tỉnh và vồ vập chào đón.

Những cuốn sách của ông hầu hết bán rất chạy, mà cũng có cuốn bị ách lại. Đặc biệt, "Cõi mê" kể về một cuộc đời đam mê lý tưởng, đến chót đời rồi mới ngộ ra lý tưởng đó lại đưa con người đến với cái xấu xa, đen tối nhất, cũng là lúc anh ta đã hết quỹ thời gian không làm lại được. Có những "cục u" của xã hội, mà khi mổ xẻ, những nhát bút của nhà văn cũng trở nên biến hóa, linh hoạt, đi ở ranh giới giữa thiện và ác, giữa sự bao dung và không khoan nhượng.

Trong căn hộ chung cư giản dị ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), nhà văn "Sóng lừng" gây xôn xao một thời đang phải đối mặt với căn bệnh K phổi, nhưng anh vẫn viết giữa những cơn đau. Cuộc du ngoạn trong chiều kích tinh thần của một cá nhân, hay đúng hơn, một người cầm bút không giống như người bình thường, mang theo cả những dự báo lẫn sự bất lực trước đời sống.

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 4.

"Tôi đã chuẩn bị hết cho cuộc ra đi, viết và in sách tri ân bạn bè, nếu ngày mai mình chết cũng chỉ mỉm cười",  nhà văn Triệu Xuân từ tốn.

Chị Lê Hạnh, vợ nhà văn cho biết, trong những ngày đau đớn tận cùng vì căn bệnh K phổi đã di căn xương và đột biến gene; anh vẫn gắng hoàn tất 2 cuốn sách: "Triệu Xuân - Sống và viết" và "Triệu Xuân - Nghĩa tình bạn hữu", đã in xong để tặng bạn bè.

Hàng ngày, anh vẫn viết. Lúc chia tay với người bạn văn mới mất, lúc bình một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết hay, lúc trăn trở về nghề, lọc thông tin về những vụ án oan, những sự kiện tạo dư chấn thời gian qua mà theo anh, có thể viết được cuốn tiểu thuyết mới với hồi chuông báo động về nhân tính và dân chủ… Là bởi anh có một kho tư liệu đầy ắp trong đầu. Cục u gặm nhấm cơ thể anh, nhưng không chạm được những gì được tư duy, tái tạo và dám trực diện viết lên bàn phím, lên trang văn mà anh điều hành trên mạng.

"Đối với người ung thư, muốn chinh phục được bệnh, trước hết, trí nhớ không được bị ảnh hưởng. Mà muốn vậy, người cầm bút vẫn phải động não. Bạn có thể hỏi tôi những bài thơ hay, từ thơ Đường, thơ Việt và thơ nước ngoài, tôi đều có thể thuộc, nhớ. Nói đến tiểu thuyết hay đời tư của các nhà văn gạo cội thành danh, hay các nhà báo trong sạch, chống tham nhũng, tôi vẫn nhớ họ vanh vách", nhà văn nói nhỏ nhẹ nhưng âm sắc còn vang.

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 5.

Mỗi sáng, Triệu Xuân vẫn ra tưới cây, ngắm hoa nở, lắng nghe chim hót và cảm thấy nhẹ nhàng. Cho dù bất cứ lúc nào, những cơn đau cùng những cơn mất ngủ triền miên vẫn có thể khiến anh gần như không thở nổi.

 "Nhà báo phải tự do thì mới hành nghề được", Triệu Xuân hóm hỉnh bắt đầu câu chuyện. Là một nhà báo sắc sảo, anh không chỉ giỏi dựng chân dung của các nhà văn lớn, mà còn mổ xẻ cả những vấn đề xã hội. Trang www.trieuxuan.info trở thành tờ báo phong phú về văn học nghệ thuật và thời sự là vì lẽ đó với trên 32,7 triệu lượt người truy cập.

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 6.

Đọc lại những tác phẩm như "Nổi chìm trong dòng xoáy", "Sóng lừng", "Cõi mê", "Trả giá"…, có thể thấy ông là người dám dấn thân vào thời cuộc, từ án oan, tham nhũng, cải tạo tư sản, thuyền nhân… Vì sao trong lúc những nhà văn có tên tuổi đôi khi phải né tránh đời sống hoặc đề cập một cách gián tiếp, hoặc khoác lên đó chiếc áo của quá khứ, huyền sử, ông lại chọn cho mình góc tiếp cận trực diện?

-Theo tôi, tác phẩm văn học tự bộc lộ cá tính sáng tạo và nhân cách của nhà văn. Cho nên, con người viết văn không lừa ai được. Bản chất con người tôi là như vậy: Bộc trực sống, khen chê rõ ràng, sòng phẳng, kiên quyết không ngồi chung chiếu với những người sống khuất tất.

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 7.

Văn chương của tôi cũng vậy. Thí dụ như khi tôi viết cuốn tiểu thuyết "Bụi đời", trước năm 1975, ở Sài Gòn đã có Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh… viết về dân du đãng. Nhưng đọc sách của họ, đặc biệt là Nguyễn Thụy Long, trường hợp viết về Loan Mắt nhung là ông mượn đề tài đó để làm cái giá áo treo lên một thông điệp khác.

Còn tôi, khi viết tiểu thuyết "Bụi đời", tôi trực diện phản ánh hiện thực của giới bụi đời, gồm dân xì ke ma túy, đĩ điếm, trộm cướp, tham nhũng… để nói với xã hội một thông điệp rằng, cái thế giới dưới đáy xã hội có những điều rất đáng thương, đáng trân quý và có một phần trách nhiệm của mỗi người chúng ta trong đó. Chúng ta phải  thương yêu, phải bao dung chứ không được coi họ là thứ rác rưởi, cặn bã. Đó không phải là cặn bã của chế độ cũ mà của chính chúng ta, chính con người. Đó là những con người bị tha hóa.

Tôi nhìn những con người bị tha hóa bằng con mắt khoa học, mà cũng rất nhân văn. Cuốn "Cõi mê" mà nhiều người coi là khai thác khá nhiều dục tính, thực ra phần đó chỉ rất nhỏ, chính là cuốn tôi tâm đắc nhất khi viết về sự tha hóa của con người, tha hóa về nhân cách. Sự tha hóa về quyền lực khiến những điều tốt đẹp nhất trở thành méo mó, phi nhân cách và đồi bại.

Tiến trình tha hóa của con người là tự nhiên chứ không riêng Việt Nam mới có, kể từ khi có loài người thì phải thế, lúc biết khóc, biết cười, biết hỉ nộ ái ố cũng là lúc biết tham lam. Phần lớn sự tha hóa xuất phát từ lòng tham. Chỉ khi nào người ta kiềm chế được lòng tham thì nhân cách mới tỏa sáng.

Giới chính khách cũng vậy. Chỉ khi nào họ triệt tiêu lòng tham thì mới xứng là chính khách. Người Pháp có một câu cực hay - "quyền lực làm tha hóa con người".

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 8.

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 9.

 "Sóng lừng" - cuốn sách nói về giới mafia Việt Nam đầu tiên gây cho ông không ít nghịch cảnh?

-Trở lại với văn chương, trong 18 trang cuối chương Ba của tiểu thuyết "Sóng lừng", tức VN.Mafia, viết về nhân vật Toản, công an hồi đó đòi khởi tố vụ án, đòi bỏ tù tác giả và chụp mũ cho tôi là "chống Đảng".

Thế mà tôi bình tĩnh như không. Tôi gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói rành rọt: "Chú Mười cho tổ chức hội thảo khoa học đi, nếu chống Đảng thật thì tôi sẵn sàng đi tù". Tôi từng phỏng vấn, gặp gỡ chú Mười nhiều lần, chú hiểu tôi là người thế nào. Vì quý tôi nên chú chỉ đạo Ban Bí thư thành lập Hội đồng giám định Trung ương do ông Cù Huy Cận làm chủ tịch, ông Thái Ninh làm Phó Chủ tịch cùng hơn chục GS, TS, nhà lý luận phê bình, nhà văn... đọc, tổ chức hội thảo.

Làm việc trong 3 tháng thì Hội đồng ra kết luận: Nhà văn Triệu Xuân không chống Đảng, mà trái lại, rất yêu Đảng. Nhà văn dự báo một căn bệnh nan y trong Đảng là sự tha hóa, lạm quyền. Đó là người đi đầu trong giới nhà văn, dũng cảm nói lên sự thực.

Chính những điều thôi thúc trong tôi nói hộ tâm nguyện của người dân, khiến tôi dám viết, chứ  không phải tôi tài ba gì...

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 10.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau một hội thảo căng thẳng về cuốn tiểu thuyết của tôi, do Thành ủy TP.HCM tổ chức, đã nói thân mật: "Mày yên tâm, không ai dám diệt mày đâu, nhưng mà tao phải khen mày: Lá gan của mày to quá!".

Những gì viết ra là tâm nguyện của tôi, hay đúng hơn – sự cộng hưởng bởi lòng khát khao và tâm nguyện của người dân, những người thấp cổ bé họng. Họ không phải bỏ nước ra đi chỉ vì "mất tất cả", vì ghét người cầm quyền, mà vì họ thấy được căn bệnh nan y không chữa được. Muốn chữa thì phải chữa cả hệ thống. Cho nên, có những người vượt biên tan cửa nát nhà đến 6 lần, chết hết vợ, con trên biển mà vẫn ra đi. Một người trí thức tại sao lại phải bế tắc như vậy? Đó là lời giải đáp cho vấn đề nhân cách con người. Vì đó là sự khác biệt giữa nước và lửa, giữa nhân cách sáng chói và phi nhân cách.

Song hành với những thông điệp trong tiểu thuyết của tôi là những bài báo, những phóng sự điều tra, bút ký… đều nói lên tấm lòng của tôi. Những người làm báo khác viết xong thì thôi, còn tôi, đam mê cả đời đi-sống, tôi còn day dứt, suy nghĩ mãi và bồi đắp ý tưởng để đêm đêm gõ máy chữ thành tiểu thuyết.

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 11.

Trước những đề tài húy kỵ thời đó như cải tạo tư sản, thuyền nhân vượt biên, nhiều nhà văn đành chọn cách dành một khoảng lùi - tung tác phẩm ra sau 10 - 20 năm. Vì sao ông vẫn đem đến cho người đọc những dòng văn nóng hổi thời sự bất chấp điều đó có thể ảnh hưởng đến mạng sống của mình? Suy ra, nghề báo vô tình cứu được ông như đã kể trên, hay nhân cách mới cứu được ông?

- Chính nhân cách đã cứu chính tôi. Khi viết, tôi chỉ nghĩ, mình không chống Đảng, chỉ chống cái xấu trong guồng máy chính quyền, trong Đảng. Khi đó, tôi đã mang một tâm nguyện, nếu mình bị bắt, thì bản thảo đã có sẵn trong máy tính hay địa chỉ của 10 người mà tôi tâm đắc nhất. 10 người đó tin là không để tôi phải rũ xương trong tù được!

img
img
img

Từ trái qua: Nguyễn Mộng Giác tới thăm nhà Triệu Xuân năm 2003. Triệu Xuân với giáo sư Trần Văn Giàu. Chụp chung với nhà văn Lê Lựu.

Nhưng bạn văn Bùi Ngọc Tấn của ông thì lại không được may mắn như vậy?

-Là vì ông Tấn không nghĩ đến phương pháp. Ông chỉ viết những bài báo chống tiêu cực mà bị bắt…Tấm lòng ông trong sáng, cứ nghĩ mình chống tiêu cực sẽ được ủng hộ. Với tôi, tôi thường lường trước sự việc. Thí dụ, khi công an đòi khởi tố tác phẩm "Sóng lừng", tôi chủ động đăng ký gặp đại tá Nguyễn Võ Danh, tức Bảy Dự, Trưởng ban nội chính, Phó Bí thư thường trực qua điện thoại, đề nghị gặp tại nhà riêng. Tôi điềm tĩnh nói: "Gặp xem tôi có chống Đảng hay không rồi ông hẵng bắt nhé". Ông Dự cười, "Cậu cứ nói, tớ hiểu mà. Cứ tới đây chơi đã!".

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 13.

Thế là tôi trò chuyện cùng ông từ sáng kéo dài đến 16h ông mới cho về. Con chó nhà ông dữ lắm, cứ đuổi tôi và sủa dữ dội, ông phải ra giữ chó. Tôi nói, "Anh yên tâm, con chó này em không sợ, nhưng nếu em ra khỏi nhà anh từ giờ phút này mà bị đụng xe hay bị chết trên đường là không phải ngẫu nhiên đâu. Cũng nói với anh Bảy biết là khi đến đây, em đã gửi tài liệu, những điều tâm huyết nhất cho 10 địa chỉ trong và ngoài nước để tự bảo vệ mình".

Nhà văn Nguyễn Khải về sau cứ khen tôi mãi: "Triệu Xuân ơi, tao thấy mày khôn thật. Mày đã dũng cảm đã đành, khỏi cần khen, mà khi báo đến phỏng vấn về "Sóng lừng", mày cũng không nói gì, cứ lắc đầu quầy quậy."

Mà đúng vậy, ai đến tôi cũng dặn vợ cứ nói tôi đi công tác vắng. Đến khi tôi đi công tác nước ngoài, lại có tin đồn là tôi bị biệt giam. Đó là khoảng tháng 5, tháng 6 năm 1991. Đến khi Hội đồng trung ương giám định cuốn sách rồi thì tôi mới yên tâm.

Quả thực, chính nhân cách đã bảo vệ tôi, do tôi biết mình không sai nên không để những điều mình cho là làm đúng bị hoen ố. Muốn như thế phải tranh thủ tối đa bạn bè, đồng minh, đồng nghiệp. Cũng có người kích tôi viết bài phản ứng những người đã quy tội cho tôi, nhưng tôi không viết. Một số báo thuê người viết mắng chửi tôi, tôi làm lơ;  sau này người đó xin lỗi tôi, nói rằng vì kiếm cơm, vì là giang hồ ngòi bút, chứ nếu biết tôi như thế này, họ không bao giờ viết bài đó.

Giáo sư Hà Minh Đức vẫn thường điện thoại hỏi thăm, nhất là từ năm 2019, khi thầy biết tôi lâm trọng bệnh. Lần nào thầy Đức cũng bảo: "Triệu Xuân viết "Trả giá", "Giấy trắng", "Cõi mê", "Sóng lừng" là 4 cuốn tôi rất thích". Riêng cuốn "Sóng lừng", ông nói thêm, trong Hội đồng thẩm định, ý kiến của ông cùng 3-4 người nữa, trong đó có Xuân Thiều, đã khiến ông Huy Cận và Thái Ninh phải thay đổi quan điểm. "Và cuốn đó sẽ tạc tượng Triệu Xuân sau này", ông nói. Chưa biết sao nhưng đến giờ cuốn đó tới giờ vẫn chưa được tái bản.

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 14.

Xin ông nói về cuốn "Trả giá" giúp ông đoạt giải thưởng văn học giai đoạn 1986-1990 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam & Hội Nhà văn; và cũng khiến ông trả giá không nhỏ trong đời?

-Chưa có một nhà văn nào vào thời điểm đó xuất bản một cuốn nói thẳng rằng đường lối cải tạo tư sản của Đảng là sai lầm, khiến cho nền kinh tế xã hội sa sút tận đáy; là gây ra cuộc ra đi của hàng triệu người. Đến nỗi, như người Sài Gòn có câu cửa miệng: "Cái trụ điện (cột điện) mà có chân thì cũng đi". Và cuối cùng thì những người bị cải tạo lại là giai cấp tư sản chân chính, có đầu óc, có vốn liếng và có nhân cách để làm giàu, phải có giai cấp đó xã hội mới phát triển được. Trong đó, có một nhà tư sản ở quận 11, người từng lái xe đưa cán bộ cao cấp trốn sang Campuchia để ra Bắc, thế mà chịu án cải tạo, uất quá, ông đành phải treo cổ chết.

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 15.

Hồi đó, có nhiều nhà báo, trong đó có tôi được trưng dụng tham gia các cuộc cải tạo. Ban đêm, người ta xúc cả gia đình tư sản ra khỏi nhà, bắt họ ra xe, bắt phải im lặng… để hàng xóm không hay biết! Vàng vòng, dây chuyền, nữ trang, tiền mặt… của họ, bị lột hết, mà vào kho nhà nước không được bao nhiêu!

Tôi theo được 2 tuần thì bỏ về vì thấy làm vậy bất nhân quá, và bắt đầu viết bài phản ánh. Cuốn tiểu thuyết cũng đưa vào cả hiện trạng vượt biên, mỗi người đóng 5 cây vàng, đưa lên tàu gỗ cũ kỹ, có đục sẵn, ra đến ngoài khơi là chết, xác họ lại trôi dạt vào bờ. Thời đó, thiếu úy Lữ Anh Dồi phát hiện ra vụ việc liền tố cáo lên cấp trên. Lúc ấy, trung tá Nguyễn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công An Minh Hải, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng của tỉnh đã ra lệnh giết anh Dồi để bịt đầu mối. Bắn xong, lột hết quân phục của thiếu úy Lữ Anh Dồi, vúi xác xuống bờ mương. Vợ anh Dồi là nhà giáo, đến đòi nhận xác không cho.

Người vợ đi kiện, được một số nhà báo tỉnh Minh Hải dũng cảm, hết lòng hỗ trợ - tôi cũng có chút đóng góp nhỏ nhoi - và cuối cùng chị gặp được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm, mới giải tỏa nỗi oan khuất cho anh Dồi. Và cách đây 2 năm, thiếu úy Lữ Anh Dồi mới được phong là liệt sĩ. Nỗi oan tày đình như thế thì dân làm sao chịu nổi!

Một nhà văn từng nói rằng, ông đã đặt cuốn "Giấy trắng"của Triệu Xuân trên bàn làm việc để phấn đấu viết được như thế và cũng để sách bán chạy. Vậy ông có thể cho biết, nghề văn thuở bao cấp có cưu mang được gia đình ông không?

-Những năm bao cấp cực khổ, tôi đông con. Tôi lo đủ cho các con cơm trắng, bữa ăn có 3 món ăn, và học hành đàng hoàng, nên người. Tôi "sống đàng hoàng, chất lượng" từ hồi đó bằng tiền nhuận bút viết báo, viết tiểu thuyết, bằng sự giúp đỡ của bạn bè.

Còn về giải thưởng, tôi viết văn là viết cho người đọc, giải thưởng nhà nước có thì tốt lắm, ai cũng mong! Nhưng, không có thì không sao cả, tôi không lấy thế làm điều… Tôi chuyên viết phê phán, phản biện, nên tôi hiểu vị trí của mình.

Xin cảm ơn ông (còn tiếp).

Bài 1: Chỉ có nhân cách mới bảo vệ được nhà văn! - Ảnh 16.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem