Bài trừ "tín dụng đen": Để đồng tiền không còn dễ dãi!

Lương Lê Minh - Luật sư Chủ nhật, ngày 14/08/2022 19:54 PM (GMT+7)
"Tín dụng đen" không còn là vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ hết bức xúc. Lợi dụng khó khăn về kinh tế hậu Covid-19, nhiều tổ chức "tín dụng đen" núp bóng các "công ty tài chính" đã đẩy mạnh "tiếp thị" đến từng hang cùng ngõ hẻm, tiếp cận đến nhiều người lao động nghèo, có khó khăn về tài chính.
Bình luận 0

Cuối tháng 7/2022, Bộ Công an đã triệt phá đường dây cho vay lãi nặng xuyên quốc gia qua app với lãi suất hơn 2.000%/năm. Các đối tượng trong đường dây được tổ chức chặt chẽ, có vỏ bọc pháp lý là công ty, được trang bị nhiều thiết bị công nghệ hiện đại. 

Chúng đã lập ra hàng trăm app trên điện thoại di động, và đã cho hơn 159.000 khách hàng vay tiền, thu lợi bất chính hơn 300 tỉ đồng. Qui mô của đường dây tội phạm này khiến nhiều người bất ngờ, cho thấy vòi bạch tuộc của "tín dụng đen" đã cắm rễ rất sâu trong đời sống người dân Việt Nam.

"Tín dụng đen" không còn là một vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ hết bức xúc. Lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19, nhiều tổ chức "tín dụng đen" núp bóng các "công ty tài chính" đã đẩy mạnh "tiếp thị" đến từng hang cùng ngõ hẻm, tiếp cận đến nhiều người lao động nghèo, có khó khăn về tài chính. 

Trong thời đại công nghệ số, "tín dụng đen" đã biến tướng dưới hình thức các app cho vay trên không gian mạng: Người vay tiền không cần tiếp xúc trực tiếp với bên cho vay, thủ tục cho vay vô cùng đơn giản, giải ngân lại nhanh chóng.

Tuy nhiên, vay thì dễ, trả được tiền lại rất khó: Để không vượt quá mức lãi suất 20%/năm qui định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, các app cho vay này đặt ra các loại "phí dịch vụ", "phí thẩm định" vô lí. Lãi suất thực tế vì vậy lên đến hàng trăm, hàng ngàn % mỗi năm.

Thời hạn cho vay ngắn, thường từ 7-30 ngày, nên người vay tiền nhanh chóng bị cuốn vào vòng xoáy, phải vay tiếp app này để trả tiền app kia. App này vừa đến hạn, lập tức có người gọi điện đến, vừa thúc giục đòi nợ, vừa "tư vấn" vay tiếp app khác.

Trong những năm qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người dân phải trả đến hàng chục, hàng trăm triệu cho khoản vay chỉ vài triệu đồng ban đầu. Nhiều người đã rơi vào khánh kiệt, khủng hoảng tâm lí, gia đình tan vỡ, nợ nần chồng chất vì "tín dụng đen".

Bản chất của "tín dụng đen" là những đồng tiền dễ dãi: Trong khi các tổ chức tín dụng chính thống phải trải qua thủ tục thẩm định chặt chẽ để cho vay, thì "tín dụng đen" lại rất dễ dàng tiếp cận và giải ngân tiền vay với đông đảo người dân.

Bài trừ "tín dụng đen": Để đồng tiền không còn dễ dãi! - Ảnh 2.

Nhiều lao động xa bẫy "tín dụng đen" bởi các quảng cáo cho vay tiền giăng khắp nơi. Ảnh: NLĐ

Sự phát triển của các app cho vay trên mạng lại càng làm cho đồng tiền "tín dụng đen" trở nên dễ dãi: Chỉ cần vài thao tác đơn giản là tiền đã về tài khoản. Người dân dễ dàng vay tiền mà không nghĩ đến những hậu quả về sau.

Đối tượng vay tiền của các app "tín dụng đen" rất đa đạng: Đó có thể là những phần tử cờ bạc, tệ nạn xã hội, vay tiền để phung phí vào ăn chơi. Thậm chí, còn có những người chủ tâm vay tiền qua app để … bùng (trên các mạng xã hội có rất nhiều những hội, nhóm chia sẻ về việc bùng app như vậy).

Vì cho vay dễ dãi, nên rủi ro mất vốn của khoản vay "tín dụng đen" là rất cao. Vì vậy, lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên rất cao, để bù đắp lại việc mất vốn bởi những người không trả nợ.

Tuy nhiên, phần lớn nạn nhân của "tín dụng đen" là những người dân lao động bình thường, những bà nội trợ, những em sinh viên với thu nhập hạn chế, lại thiếu hiểu biết về pháp luật và kiến thức tài chính. Hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn, cùng nhận thức hạn chế khiến cho họ dễ dàng tìm đến các app cho vay để giải quyết khó khăn tài chính trước mắt, mà không nghĩ đến cái bẫy đằng sau những đồng tiền dễ dãi. 

"Tín dụng đen" dẫn đến nhiều hệ luỵ nguy hiểm cho xã hội: Bản thân hành vi cho vay với lãi suất cắt cổ đã có khả năng cấu thành tội phạm cho vay lãi nặng, theo điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chưa kể đến các hành vi đòi nợ bằng bạo lực, khủng bố tinh thần con nợ có thể cấu thành các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác.

Hiện nay, việc đấu tranh chống tội phạm "tín dụng đen" hiện nay gặp nhiều khó khăn, thường phải thực hiện những chuyên án trinh sát lâu dài để bóc gỡ toàn bộ đường dây. Trong khi đó, bọn tội phạm "tín dụng đen" lại có tổ chức rất chặt chẽ, thậm chí là đường dây xuyên quốc gia, núp bóng các giao dịch cho vay dân sự để thực hiện hành vi phạm pháp. Việc xử lý tội phạm "tín dụng đen" chỉ là xử lí phần ngọn của vấn đề.

Trong cuộc chất vấn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ngày 10/08/2022 vừa qua, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành công an trong đấu tranh chống lại tội phạm "tín dụng đen". Tuy nhiên, việc bài trừ "tín dụng đen" không thể chỉ là trách nhiệm của riêng lực lượng công an, mà cần những giải pháp đồng bộ từ toàn xã hội.

Trong đời sống kinh tế, đa số người dân luôn có nhu cầu tiếp cận những khoản vay tiêu dùng ở qui mô nhỏ, để giải quyết những khó khăn tài chính tạm thời. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận các khoản vay chính thức tại các tổ chức tín dụng là khá phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục và thời gian dài. Vì vậy, cần thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam, đặc biệt là các dịch vụ tài chính vi mô cho cá nhân và hộ gia đình.

Khi người dân dễ dàng tiếp cận các khoản vay nhỏ với lãi suất hợp lí, thời hạn giải ngân nhanh chóng, thủ tục đơn giản, thì sẽ ít người tìm đến các app cho vay "tín dụng đen". Lẽ dĩ nhiên, khoản vay tài chính cá nhân không thể dễ dãi như đồng tiền "tín dụng đen", nhưng sẽ giúp hạn chế rất nhiều các "nạn nhân tiềm năng" của "tín dụng đen".

Các cơ quan quản lí nhà nước trên không gian mạng cũng cần vào cuộc, để chấm dứt tình trạng các app "tín dụng đen" được quảng cáo tràn lan trên mạng internet. Hiện nay, các app này đang xuất hiện công khai trên các "chợ ứng dụng", có thể được tải về và cài đặt một cách dễ dàng. Sự xuất hiện tràn lan của các app cho vay "tín dụng đen" mà không bị ngăn chặn là một sự thách thức, trêu ngươi với pháp luật.

Quan trọng hơn nữa, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về kiến thức tài chính cá nhân, trí tuệ tài chính cho đông đảo người dân, nhất là những nhóm đối tượng "nạn nhân tiềm năng" của "tín dụng đen". Nội dung tuyên truyền cần đơn giản, dễ hiểu, dễ ghi nhớ, giúp người dân nhận biết, hiểu rõ nguy cơ, và xa lánh "tín dụng đen".

Nói tóm lại, cần làm cho đồng tiền "tín dụng đen" không còn dễ dãi, bằng cách dựng lên những hàng rào bảo vệ: Hàng rào của lực lượng công an (đấu tranh chống tội phạm), hàng rào của các cơ quan quản lí nhà nước, và hàng rào ý thức tự bảo vệ của từng người dân.

Để chấm dứt những bi kịch "tín dụng đen", cần sự chung tay của toàn xã hội, để không còn những đồng tiền dễ dãi!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem