Ứng xử lệnh chuẩn của nghệ sĩ: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng! (Bài 1)

Hà Tùng Long Thứ sáu, ngày 03/03/2023 15:22 PM (GMT+7)
“Biểu hiện “lệch chuẩn” trong lối sống của nghệ sĩ được thể hiện ở chỗ ảo tưởng vào sức mạnh quyền lực, mắc bệnh “ngôi sao”, cho mình là số một, cố tạo phong cách sang chảnh, sa vào ăn chơi, thể hiện hành vi thiếu ý thức”, NSND Thanh Trầm thẳng thắn.
Bình luận 0

Trong một thời gian dài, nhiều vụ việc ồn ào liên quan đến phát ngôn, ứng xử, hành vi quảng cáo sai sự thật… của nghệ sĩ liên tiếp xảy ra. Những sự việc này đã tạo nên rất nhiều luồng dư luận trái chiều, có cả tích cực, có cả tiêu cực… Và khoảng trống để lại sau mỗi sự việc chính là hình ảnh của giới nghệ sĩ nói chung ít nhiều bị tổn hại, vị thế của người nghệ sĩ trong xã hội bị lung lay, niềm tin của công chúng đối với nghệ sĩ bị xói mòn và nhiều giá trị cũng theo đó mà trượt dốc.


Văn hóa ứng xử lệch chuẩn của một số nghệ sĩ đã đến mức "báo động" và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều nghệ sĩ vẫn chưa biết mình đang vượt qua những giới hạn của đạo đức, văn hóa và niềm tin. Vẫn cố tình "đánh mất" giá trị của bản thân hết lần này đến lần khác.


Từ thực tế đó, báo Dân Việt thực hiện loạt bài "Ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ" để cùng có cái nhìn rõ nét và toàn diện hơn về sự việc này. Thông qua đó, cùng các chuyên gia đưa ra những giải pháp để sớm chấn chỉnh, hạn chế và khắc phục hiện tượng này. Sớm trả lại cho văn hóa nghệ thuật, cho giới văn nghệ sĩ những giá trị vốn đã thuộc về.

Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ lệch chuẩn từ giao tiếp đến lối sống

Mới đây, Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo "Văn hóa ứng xử của nghệ sĩ với công chúng". Sự kiện diễn ra trong thời điểm ngày càng nhiều sự việc ồn ào liên quan ứng xử của nghệ sĩ. Gần nhất là sự việc ồn ào của nghệ sĩ Xuân Bắc liên đến status ngầm ý "chê" khán giả xem Táo Quân 2022 khiến dư luận "dậy sóng".

Báo động văn hóa ứng xử của nghệ sỹ: Ảo tưởng quyền lực, mắc bệnh “ngôi sao”, cố tạo phong cách sang chảnh? (Bài 1) - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "Văn hóa ứng xử cuar nghệ sĩ với công chúng" do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thúy Hiền.

Trao đổi với Dân Việt, NSND Thanh Trầm – nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội chia sẻ rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế, cùng với tính "đa chiều, đa diện" của cuộc cách mạng công nghệ số, các nghệ sĩ đang đứng trước nhiều thách thức trên con đường nghệ thuật để khẳng định vị thế, hình ảnh, uy tín của mình trước công chúng. Thậm chí, một số nghệ sĩ có biểu hiện dao động về tư tưởng chính trị, có những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử, thiếu chuẩn mực trong lối sống...

Theo NSND Thanh Trầm, biểu hiện "lệch chuẩn" trong lối sống của nghệ sĩ được thể hiện ở chỗ ảo tưởng vào sức mạnh quyền lực, mắc bệnh "ngôi sao", cho mình là số một, cố tạo phong cách sang chảnh, sa vào ăn chơi, thể hiện hành vi thiếu ý thức, thậm chí là vi phạm pháp luật, tạo nên dư luận xấu xã hội.

"Với nghệ sĩ nổi tiếng, mỗi lời nói, hành động trong đời thường hay một status (dòng trạng thái), commet (bình luận), hình ảnh đăng trên trang cá nhân... có thể tạo ra những hiệu ứng xã hội rất lớn, không chỉ với những người thường xuyên theo dõi mà với cả cộng đồng. Tuy nhiên, đôi khi chỉ vì "lỡ lời", "vạ miệng", viết những câu từ thiếu văn hóa, đụng chạm đến lòng tự trọng, danh dự của người khác, cộng đồng mạng sẵn sàng "dậy sóng", tẩy chay nghệ sĩ. 

Lời nói, ngôn ngữ là biểu hiện của tư duy, đồng thời phản ánh phần nào phong cách, lối sống, phẩm giá, đức hạnh của một con người. Nghệ sĩ là người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng, nhất là giới trẻ - những người luôn có niềm tin, sự kỳ vọng vào người nghệ sĩ. Vì thế, lời bình luận có nội dung thô tục của một nghệ sĩ "gạo cội" trên Facebook cá nhân thời gian qua không chỉ gây bức xúc xã hội mà hậu quả của nó là đánh mất niềm tin của công chúng vào những giá trị mà họ vốn tôn thờ", NSND Thanh Trầm nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến đó, NSND Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội bày tỏ với Dân Việt rằng: "Có một số nghệ sĩ đã lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi, lối ứng xử kém văn hóa, đi lệch với chuẩn mực của văn hóa ứng xử văn minh mà người nghệ sĩ cần có. Hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội được biểu hiện cụ thể như việc sử dụng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa trên mạng xã hội để gây sự chú ý nhằm "câu like", "câu view", tăng tương tác trên mạng xã hội.

Thậm chí, có hiện tượng không ít nghệ sĩ livestream (phát video trực tiếp) để "bóc phốt" đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì sự ghen ghét, đố kỵ cá nhân… Những livestream của một số nghệ sĩ thường thu hút đông đảo người xem, phần đông vì tò mò, hiếu kỳ song hầu như đều ngán ngẩm, phẫn nộ trước những ứng xử kém văn hóa của một số nghệ sĩ.

Báo động văn hóa ứng xử của nghệ sỹ: Ảo tưởng quyền lực, mắc bệnh “ngôi sao”, cố tạo phong cách sang chảnh? (Bài 1) - Ảnh 2.

Nhiều nghệ sĩ quảng cáo quá đà các sản phẩm không rõ nguồn gốc gây phẫn nộ trong dư luận. Ảnh minh họa.

Một số nghệ sĩ còn sử dụng những thông tin chưa được kiểm chứng để đăng lên trang cá nhân nhằm gây sự chú ý hoặc có những nghệ sĩ lợi dụng uy tín, tầm ảnh hưởng của bản thân đưa ra những phát ngôn gây "sốc", tạo tâm lý hoang mang trong dư luận. 

Thêm vào đó, có một số nghệ sĩ thời gian qua được nhắc tên rất nhiều khi có những phát ngôn, chiêu trò quảng cáo quá đà các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật; đăng tải những bải viết có nội dung thiếu khoa học, chưa được kiểm chứng về cách thức phòng chống dịch... Những hành động đó gây cản trở rất lớn đến việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân; đồng thời, còn tiềm ẩn những hành vi phạm pháp", NSND Quốc Chiêm nhấn mạnh.

Văn hóa ứng xử lệch chuẩn khiến nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng

NSND Quốc Chiêm nhìn nhận, chưa bao giờ, văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại đáng báo động như hiện nay. Những phát ngôn phóng túng theo kiểu văn hóa "chợ búa" trên không gian mạng đã khiến nhiều nghệ sĩ mất điểm trong lòng công chúng. Trong khi đó, nghệ sĩ là những người làm văn hóa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân văn. Lời nói, ngôn ngữ vốn là "cái vỏ vật chất của tư duy" nên hiện tượng "lệch chuẩn" trong văn hóa ứng xử của một số văn nghệ sĩ trên không gian mạng thời gian qua là một chỉ báo cho thấy cả nhận thức, đạo đức và lối sống của họ đang đáng báo động.

Công chúng vốn là những người luôn theo sát các hoạt động của các nghệ sĩ, kể cả trong đời sống thực tiễn và trên không gian mạng nên thời gian qua, có không ít nghệ sĩ đã phải "trả giá" cho những lời nói, hành vi "lệch chuẩn" của mình. Có những nghệ sĩ có tên tuổi, có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thậm chí làm cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng đã bị cách chức vì những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên trang cá nhân. Có không ít nghệ sĩ bị xử phạt vì đăng tải những thông tin thiếu kiểm chứng…

Có lẽ, hình phạt nặng nề nhất đối với người nghệ sĩ là sự coi thường, mất niềm tin, "tẩy chay" của người hâm mộ dành cho mình. Mặc dù đã có những lời xin lỗi, thanh minh nhưng không thể dễ dàng khỏa lấp sự mất niềm tin, yêu mến của công chúng đối với không ít nghệ sĩ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người hâm mộ đã đề nghị với các cơ quan quản lý phải có những hình thức kiểu "phong sát" giống như ở Trung Quốc, Hàn Quốc đối với những nghệ sĩ có lối ứng xử "lệch chuẩn".

Nhà văn Nguyễn Hiếu cũng cho rằng, nghệ sĩ biểu diễn thường giáp mặt với khán giả, với công chúng. Công chúng, người xem kiến diện với họ, nhìn thấy họ "kiến kỳ hình". Chính vì đặc điểm nghề như vậy nên các nghệ sĩ biểu diễn, nhất là những nghệ sĩ nổi tiếng, có chuyên môn cao thường trở thành biểu tượng tình yêu nghệ thuật trong lòng quần chúng, người xem. Không ít người trở thành thần tượng của người xem nhất là người xem ở lớp trẻ. Nghệ sĩ biểu diễn trở thành người của công chúng chính bởi xuất phát từ đặc trưng nghề ấy.

Khi đã trở thành thần tượng, người của công chúng thì nhất cử nhất động, từ lời ăn, tiếng nói trong cuộc sống nghệ thuật và cả trong cuộc sống thường nhật cũng được quần chúng để ý, đánh giá và không ít công chúng tuổi trẻ làm theo.

"Tôi nhớ khi phim và nhạc Hàn Quốc vào nước ta, không ít bạn trẻ đã tự chọn những nghệ sĩ của top nhạc này, ban nhạc khác của xứ sở kim chi làm thần tượng. Con trai thì để tóc dài, con gái thì đánh môi gam trầm. Thậm chí, không ít bạn trẻ còn tìm uống rượu Sochu của Hàn và sống mơ màng, chạy theo những mối tình tay ba giống họ.

Ở một bản làng xa xôi, hẻo lánh vùng Tây Nguyên còn có chuyện, hầu như cả làng đặt tên cho con mình là Ly, Pác, Lee… Nói thế để biết khi đã thành người của công chúng, hành động và lời nói, cách sống hay tổng quát hơn là nhân cách của người nghệ sĩ có ảnh hưởng, tác động như thế nào với khán giả, công chúng.

Chính vì thế nên việc người nghệ sĩ biểu diễn giữ cho mình một hình ảnh chuẩn và đẹp trong mắt đông đảo công chúng là điều cần thiết và trong chừng mực nhất định nó còn mang ý nghĩa nhân văn, xã hội rộng lớn", nhà văn Nguyễn Hiếu nhấn mạnh.

Bài 2: Ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ: Danh dự "rẻ" hơn cát-xê quảng cáo?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem