Bình Thuận: Chị em rủ nhau học cách pha cà phê, nấu cháo gà, bán rau để khách vào mua là... nhớ

Bùi Phụ Thứ ba, ngày 12/04/2022 11:54 AM (GMT+7)
Cuối tuần qua, chúng tôi tình cờ tham dự một khóa học làm "giám đốc" rất đặc biệt bởi học viên chính là phụ nữ vùng nông thôn và người dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Vượt hàng chục km đường rừng học cách bán cà phê

Khóa học ngắn này có chủ đề "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" do Hội Phụ nữ huyện Bắc Bình phối hợp cùng Công ty OBC (One Business Connection tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tổ chức và có hơn 50 phụ nữ vùng nông thôn tham dự.

Bình Thuận: Phụ nữ vùng nông thôn rủ nhau đi học làm giám đốc kinh doanh nông sản - Ảnh 1.

Các học viên tham gia khóa học "khởi nghiệp". Ảnh: Bùi Phụ

Ngay từ sáng sớm, chúng tôi đã thấy chị Trịnh Thị Mương, người dân tộc Raglai ở xã Phan Điền có mặt tại lớp học ở Trung tâm hành chính huyện Bắc Bình.

Chị Mương cho biết, để kịp giờ học, hai chị em đi xe máy, vượt hàng chục km đường rừng về đây học. Lần này, hai chị em quyết học cách bán cà phê cho ngon…

Tôi ngạc nhiên hỏi, sao chị ở quê không học cách trồng rau sạch mà lại bán cà phê?

"Có chứ, trồng rau thì em gái tôi học. Còn tôi học cách bán cà phê cho ngon bởi ở quê tôi bây giờ có nhiều khách phượt lắm! Hàng ngày họ đi ngang chỗ tôi và nhiều người ghé quán nhỏ của tôi ven đường rừng kêu cà phê đá. Nhưng tôi bán không ngon, khiến du khách không ưng cái bụng! 

Tôi lo sợ họ chê cà phê tôi bán không ngon nên lần sau họ không ghé nữa thì mình sẽ mất khách! Mấy hôm trước nghe xã thông báo có khóa học này nên hai chị em tôi quyết đăng ký đi học để về phục vụ cho du khách.

 Sau đó có kinh nghiệm tôi sẽ truyền nghề lại cho con cháu  để làm ăn trên quê hương mình chứ không đi xa. May quá, hôm nay đi đúng giờ không sợ bị trễ…", chị Trịnh Thị Mương hồn nhiên tâm sự.

Bình Thuận: Phụ nữ vùng nông thôn rủ nhau đi học làm giám đốc kinh doanh nông sản - Ảnh 2.

Nhóm bánh tráng trình bày kế hoạch. Ảnh: Bùi Phụ.

Nuôi gà thả vườn, nấu cháo ngon cho du khách ăn

Tương tự, chị Mai Thị Nôi (22 tuổi có chồng 1 con ở xã Phan Lâm (huyện Bắc Bình) cũng khăn gói vượt hàng chục km từ nhà đến lớp học bằng xe gắn máy.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết Nôi muốn học cách nuôi gà thả vườn để phụ giúp chồng và chế biến gà phục vụ du khách.

Gia đình Nôi đang nuôi gà thả vườn, nhưng hai vợ chồng chị nuôi chưa đúng kỹ thuật nên gà chậm lớn, bán không có lời.

"Tôi muốn đi học lớp này để nuôi gà tốt hơn. Đặc biệt là cách chế biến thịt gà thành món ăn để phục vụ du khách qua đường. Nhà tôi nằm gần đường lên đèo Đại Ninh, hàng ngày có du khách phượt qua lại vào võng quán nhà nằm nghỉ. Thấy tôi nuôi gà, khách mua nhờ nấu cháo ăn tại chỗ nhưng tôi nấu không ngon. Sợ khách buồn nên phải đi học cách nấu cháo gà cho ngon, cho sạch…", chị Nôi bộc bạch.

Bình Thuận: Phụ nữ vùng nông thôn rủ nhau đi học làm giám đốc kinh doanh nông sản - Ảnh 3.

Một học viên trong nhóm rau sạch phát biểu ý kiến tại lớp học. Ảnh: Bùi Phụ.

Cần nguồn vốn lớn

Theo ghi nhận của chúng tôi, khóa học "Khởi nghiệp" trên diễn ra trong một buổi sáng và Ban tổ chức lớp học đã phân chia thành 4 nhóm ngành nghề chính trong vùng để các học viên cùng tham gia thảo luận gồm: Nhóm làm bánh tráng truyền thống; Nhóm bán cà phê và buôn bán nhỏ lẻ; Nhóm chăn nuôi; Nhóm trồng rau sạch.

Tại buổi học, rất nhiều ý kiến của các chị đặt ra cho các giảng viên xung quanh các vấn đề: Nguồn vốn, đầu ra bền vững cho nông sản, cách giao tiếp có văn hóa và cách giữ uy tín với khách hàng, cách chế biến thực phẩm tại chỗ cho ngon nhằm phục vụ thượng đế theo mô hình homstay… Điều đặc biệt là làm sao để kéo khách từ các thành phố lớn về quê mình tiêu tiền, đời sống bà con được nâng lên...

Hầu hết các các câu hỏi chị các chị đặt ra được các giảng viên đứng lớp đáp ứng tường tận, chi tiết.

Trong nhiều ý kiến của bà con, một ý kiến rất chính đáng của chị Đinh Thị Yến ở xã Sông Bình, huyện Bắc Bình nêu rất được nhiều người ủng hộ. 

Cụ thể, chị Yến nêu, thực tế thời gian qua gia đình chị trồng rau sạch, không phân bón hóa chất và thuốc trừ sâu và ai ăn cũng khen chất lượng ngon.

 Nhưng khi trưng bày ra quầy hàng thì nhìn màu sắc, độ bắt mắt không láng mượt bằng rau có phun thuốc và phân bón hóa chất. Vì thế, người tiêu dùng lại chọn mua loại rau có màu sắc tươi đẹp láng mướt hơn… 

Mặc khác, gia đình chị Yến muốn kêu gọi đầu tư để tìm nguồn vốn lớn để đưa sản phẩm ra sạch của bà con trong vùng ra thị trường nhưng cách tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng rất khó…

Bình Thuận: Phụ nữ vùng nông thôn rủ nhau đi học làm giám đốc kinh doanh nông sản - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng VPĐD VCCI tỉnh Bình Thuận trả lời câu hỏi của các học viên. Ảnh: Bùi Phụ

Là một trong những giảng viên của khóa học ngắn này, ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng Văn phòng đại diện Phòng Thương mại Và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Bình Thuận cho biết, thông qua khóa học này, Ban tổ chức muốn truyền thông điệp tư duy mới trong khởi nghiệp, trong phát triển kinh tế hộ gia đình vùng nông thôn.

"Rất hay là thông điệp này được các chị nhiệt tình đón nhận. Qua khóa học này chúng tôi nhận thấy khát vọng làm giàu cho bản thân, cho gia đình và cho địa phương được thể hiện qua gương mặt của các chị. 

Dù “chân lấm tay bùn” nhưng các chị học tập và làm việc nhóm rất nghiêm túc, đáng trân trọng. Chính chúng tôi cũng thấy được nguồn cảm hứng kinh doanh được chính các chị truyền lửa lại cho chúng tôi và truyền cho nhau tại khóa học ngắn này. 

Hy vọng đây sẽ là bước khởi nghiệp thành công cho các phụ nữ vùng sâu, vùng xa và đã từng bước tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp vững chắc và bền vững…”, ông Nguyễn Hữu Trường chia sẻ.

Bình Thuận: Phụ nữ vùng nông thôn rủ nhau đi học làm "giám đốc" kinh doanh nông sản, bán rau sạch, bán bánh - Ảnh 6.

Trưởng nhóm bánh tráng trình bày bản kế hoạch dự thảo đưa bánh tráng Bắc Bình vươn xa. Ảnh: Bùi Phụ

Trao đổi với Dân Việt, bà Đặng Thị Đông Hậu- Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bắc Bình cho biết, toàn huyện hiện có trên 23.000 hội viên tham gia sinh hoạt ở 19 cơ sở hội, và 73 chi hội. Qua cuộc vận động "Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" được cụ thể hoá bằng nhiều cách làm phù hợp với từng địa phương, như mô hình CLB gia đình hạnh phúc, phụ nữ sống đẹp vì cộng đồng…

Đặc biệt là các cấp Hội đã tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, quan tâm thực hiện có hiệu quả Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025".

Nhằm nâng cao đời sống các chị ở vùng nông thôn, Hội đã tổ chức 2 khóa học như trên và kết quả thu về rất tốt. Hầu hết các học viên tham gia khóa học ngắn về đều phát huy được bán và giới thiệu nông sản từ vườn nhà mình.

"Nếu trước đây các chị trưng quầy hàng là nông sản từ vườn nhà mình chưa đẹp thì qua khóa học này, các chị sắp xếp quầy hàng đẹp và thân thiện hơn. Ví dụ như khi bưng ly cà phê ra cho khách, các chị biết cách đặt ly cà phê và bình trà nhẹ nhàng xuống bàn khiến khách có cái nhìn thiện cảm hơn…", bà Đặng Thị Đông Hậu chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem