Trồng thanh long hướng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thay thế thanh long già cỗi ở Bình Thuận

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 08/05/2024 08:16 AM (GMT+7)
Ngày 7/5, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Nguyễn Hồng Hải- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định phê duyệt Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030. Tỉnh Quyết tâm phát triển thanh long theo hướng VietGAP, GlobalGAP, thay thế thanh long già cỗi...
Bình luận 0

UBND tỉnh Bình Thuận đặt quyết tâm đến năm 2030 toàn tỉnh có khoảng 25.000 ha, tập trung tại các huyện trọng điểm, gồm: Hàm Thuận Nam 12.600 ha, Hàm Thuận Bắc 5.000, Bắc Bình 3.000 ha và Hàm Tân 2.000 ha.

Trồng thanh long hướng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thay thế thanh long già cỗi ở Bình Thuận- Ảnh 1.

Nông dân Đinh Xuân Đào( SN 1970) làm thanh long theo tiêu VietGAP ở thôn 2, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc( Bình Thuận) được Trung ương Hội nông dân Việt Nam chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023. Ông Đào canh tác gần 30 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao có hệ thống tưới phun và nhỏ giọt, cơ giới hóa trong khâu sản xuất cũng như thu hoạch sản phẩm và tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Ảnh: Bùi Phụ

Thanh long VietGAP và GlobalGAP giúp tăng thu nhập cho nông dân

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, mục đích của đề án nhằm phát triển ổn định diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh, thay thế vườn thanh long già cỗi, năng suất, chất lượng thấp hiện tại.

Hướng tập trung sắp tới là phát triển thanh long theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước.

Qua đó, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, tăng giá trị xuất khẩu, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và duy trì, phát huy thương hiệu thanh long Bình Thuận.

Trao đổi với Dân Việt, nhiều chuyên gia và nhà vườn trồng thanh long tại Bình Thuận nhận định: Việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển bền vững gắn du lịch trải nghiệm vườn thanh long như đề án là việc rất nên làm và cần triển khai sớm.

"Nếu áp dụng đúng, sẽ nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm thanh long Bình Thuận. Nhờ đó sẽ tăng cường liên kết sản xuất thanh long gắn với tiêu thụ, chế biến theo chuỗi giá trị thì đời sống, kinh tế của người nông dân sẽ được nâng lên…", ông Nguyễn Hữu Hoàng - nông dân trồng thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam khẳng định.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc tổ chức liên kết sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm ổn định đời sống của bà con nông dân trồng thanh long, góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải.

Song song đó, việc phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, được tập trung đa dạng hóa các kênh phân phối cả truyền thống và hiện đại tạo thuận lợi, dễ dàng cho du khách, người tiêu dùng tiếp cận với sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Năng suất thanh long bình quân đạt 22 tấn/ha

UBND tỉnh Bình Thuận cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm.

Trồng thanh long hướng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thay thế thanh long già cỗi ở Bình Thuận- Ảnh 2.

Các sản phẩm thanh long và chế biến từ thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP của cở sở Hoà Lệ huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt khoảng 70%; diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) đạt khoảng 70 - 75% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GlobalGAP đạt khoảng 10% so với tổng diện tích. Tỷ lệ diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ khoảng 5% so với tổng diện tích và diện tích thanh long được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 70%.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người sản xuất thanh long, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tham gia thực hiện.

Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân hiểu và thay đổi tư duy sản xuất thanh long gắn với nhu cầu thị trường, chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu phát huy vai trò của Hiệp hội thanh long tỉnh và doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia phát triển thanh long bền vững.

PV Dân Việt có cuộc khảo sát với hàng chục hộ trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ở huyện Hàm Thuận Bắc(Bình Thuận) và hầu hết đều có chung nhận định là mục tiêu đề án trên của UBND tỉnh Bình Thuận hoàn toản khả thi. Đề án đã đặt người nông dân đúng trọng tâm trong quy trình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ…

Trồng thanh long hướng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thay thế thanh long già cỗi ở Bình Thuận- Ảnh 3.

Chị Lê Thị Nguyên Hà, Giám đốc Công ty TNHH nước ép Phúc Hà (Công ty Phúc Hà) ở xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Ảnh: Bùi Phụ

Theo những hộ trồng thanh long ở huyện Bắc Bình(Bình Thuận), việc quản lý vật tư, sản phẩm thanh long, nhất là quản lý giống thanh long, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cần phải chặt chẽ. Bên cạnh đó, là thực hiện việc dán tem chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm trái thanh long rõ ràng để người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả…

UBND tỉnh Bình Thuận đặt những mục tiêu quan trọng để phát triển thanh long bền vững:

Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...) đảm bảo năng suất; ứng dụng kỹ thuật trồng thanh long theo dàn chữ T, tưới nước tiết kiệm, sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện để xử lý thanh long ra hoa trái vụ.

Diện tích thanh long rải vụ thu hoạch khoảng 60 - 70% tổng sản lượng, thanh long chính vụ khoảng 30 - 40% tổng sản lượng; nâng cao chất lượng, mẫu mã, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Hạn chế tối đa tiến tới viêc lạm dụng các thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các chất điều hòa sinh trưởng.

Tăng cường nghiên cứu, phục tráng, bảo tồn và phát triển giống thanh long ruột trắng Bình Thuận và ứng dụng, chuyển giao các giống thanh long mới, có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng, sản xuất theo hướng đa dạng giống thanh long (ruột trắng, ruột đỏ, thanh long vỏ vàng,...) phù hợp nhu cầu của thị trường. Chọn và mua bản quyền một số giống thanh long mới có năng suất, chất lượng cao. Trước mắt ưu tiên mua và bảo vệ bản quyền giống thanh long ruột trắng do Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo để tái canh các vườn thanh long ruột trắng Bình Thuận đã già cỗi, nhiễm sâu bệnh hại.

Đổi mới tổ chức sản xuất thanh long, phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm Tổ chức sản xuất thanh long theo hướng đa giá trị, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có sức cạnh tranh cao.

Dựa vào các vùng chuyên canh quy mô lớn để phát triển chuỗi giá trị, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, chế biến, tiêu thụ để hình thành các chuỗi giá trị. Phát triển mô hình HTX thanh long kiểu mới có vùng nguyên liệu tập trung chủ động liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm…

Thu hút các doanh nghiệp có năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị vận hành hiệu quả, bền vững; từ đó hỗ trợ phát triển các vùng, cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng thanh long có sản lượng lớn, thuận lợi giao thông, logistics.

Ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp chế biến trong phát triển ngành hành thanh long, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, coi đây là khâu đột phá nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở tất cả các khâu trong chuỗi ngành hàng thanh long; ứng dụng công nghệ vi sinh để kiểm soát dịch bệnh; sản xuất theo hướng giảm dần sử dụng phân hóa học, thuốc hóa học tiến tới sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh và bền vững.

Trồng thanh long hướng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thay thế thanh long già cỗi ở Bình Thuận- Ảnh 4.

Vườn thanh long theo tiêu VietGAP của nông dân Đinh Xuân Đào ở thôn 2, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Thực hiện việc dán tem chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm để phân biết và bảo vệ chất lượng, thương hiệu của thanh long tại vùng địa lý được bảo hộ. Tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển thương mại điện tử, xây dựng các kênh phân phối, liên kết với các nhà hàng, siêu thị, điểm đến du lịch, ….

Xã hội hóa xây dựng các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hoá, hệ thống kho, nhà máy gia nhiệt, chiếu xạ theo yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Chi Lê, Úc…

UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đề án…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem