Bỏ kỹ sư IT để thành giáo viên mầm non, thầy giáo bị học sinh gọi là "cô" và làm được điều "không tưởng"

Tào Nga Thứ ba, ngày 21/11/2023 06:47 AM (GMT+7)
"Mọi thứ trước mắt tôi khi đó thật không dễ dàng gì nhưng do đã xác định nên tôi luôn cố gắng", thầy giáo mầm non Hà Văn Thạo, giáo viên Trường Mầm non Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ.
Bình luận 0

Thầy giáo mầm non đi dạy được học sinh gọi là "cô"

Trong 200 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc vừa được Bộ GDĐT tuyên dương năm 2023 năm nay, thầy Hà Văn Thạo, sinh năm 1986, giáo viên Trường Mầm non Pù Nhi trở thành gương mặt giáo viên đặc biệt ấn tượng. Không chỉ có bảng thành tích đáng nể trong sự nghiệp, thầy còn là nam giáo viên cấp mầm non duy nhất được tuyên dương. Hiện thầy cũng là giáo viên mầm non duy nhất của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt ngay sau buổi lễ, thầy Thạo vui vẻ cho biết: "Tôi rất vui khi lựa chọn trở thành giáo viên mầm non đã chính xác và tôi được ghi nhận công sức của mình".

 - Ảnh 2.

Thầy Thạo là nam giáo viên mầm non duy nhất ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Tào Nga

Thầy Thạo được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khen với loạt thành tích như vận động trẻ tham gia đi học theo đúng yêu cầu nhà trường đề ra, trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo viên mầm non 100%; sáng  kiến Kinh nghiệm năm 2019 đạt loại C; sáng kiến kinh nghiệm năm 2022 đạt loại A; năm 2020-2021, thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2021, thầy được Chủ tịch Liên Đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen về "có sáng kiến tiêu biểu tham gia chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển" và năm nay đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Trong hoạt động đoàn thể, xã hội, phục vụ cộng đồng, năm 2022, thầy được Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Mường Lát tặng giấy khen, có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 1 chương trình "Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng trước đại dịch Covid-19". Năm 2021, thầy được Ban thường vụ huyện Ủy Mường Lát tặng giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng.

Không ai nghĩ rằng, trước khi trở thành thầy giáo mầm non, thầy Thạo từng là một kỹ sư công nghệ thông tin. Thế nhưng sau đi làm một thời gian, thầy thấy mình không thực sự hợp, không thực sự yêu, không thực sự đam mê và trong lòng luôn trăn trọc. Vốn mến trẻ, không thấy phiền lòng khi trẻ quấy khóc hay nghịch ngợm, không ngại mỗi lúc trẻ ăn chậm… và lại có vợ là một cô giáo mầm non nên khi được gợi ý "hay đi học nghề mầm non", thầy thấy thú vị nên đăng ký học trung cấp mầm non".

 - Ảnh 1.

Thầy Hà Văn Thạo, giáo viên Trường Mầm non Pù Nhi nhận bằng khen từ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: NVCC

Sau khi tốt nghiệp vào năm 2016, thầy Thạo được phân công về dạy tại một điểm trường cách nhà 9 cây số. Những ngày đầu đến lớp, nhìn thấy trường toàn đồng nghiệp nữ, nam giáo viên mầm non cũng thấy thoáng chút ngượng ngùng, lo lắng. Cả trường, thậm chí cả huyện Mường Lát chỉ có duy nhất một thầy giáo mầm non. Phụ huynh đưa con đến lớp cũng ngạc nhiên vì họ mới chỉ thấy thầy giáo cấp 1, cấp 2, cấp 3 chứ chưa thấy thầy giáo mầm non bao giờ.

"Với các đồng nghiệp và phụ huynh đã vậy, với học sinh, các con xưa nay cũng chỉ quen với cô giáo nên hay gọi nhầm thầy là "cô". Một em gọi "cô", cả lớp cũng gọi "cô". Mọi thứ trước mắt tôi khi đó thật không dễ dàng gì nhưng do đã xác định nên tôi luôn cố gắng. Dần dần, tôi tiếp xúc, làm quen, chuyện trò với học sinh; dạy các con nhiều bài học hay, bài hát mới; thường xuyên hướng dẫn các con những trò chơi thú vị… nên chỉ ít lâu, các con đã quen thuộc, quý mến và gọi tôi là thầy giáo".

Thầy Thạo chăm chút, dạy dỗ cho các em học sinh vùng cao. Clip: NVCC

Trăn trở với nghề giáo

Theo thầy Thạo, nghề mầm non cũng như các nghề khác. Nếu người làm nghề xác định tinh thần vững vàng, nghiêm túc, không ngừng quyết tâm, học hỏi, trau dồi, cập nhật kiến thức thường xuyên thì sớm muộn học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh cũng ghi nhận, quý trọng mình.

Huyện Mường Lát là một huyện vùng cao biên giới, giáo dục mầm non ở vùng cao càng khó khăn hơn. Trường học là nhà cấp 4, thiếu thốn phòng học. Đặc biệt là thiếu đồ dùng học tập cho các em được thụ hưởng tinh hoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc vận động trẻ đến trường cũng có những hạn chế nhất định... Tuy nhiên, với tinh thần xây dựng, thầy Thạo cùng giáo viên trong trường luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. 

Từ bỏ nghề kỹ sư IT để thành giáo viên mầm non, thầy giáo bị học sinh gọi là "cô" - Ảnh 3.

Học sinh yêu quý thầy giáo đặc biệt nhất trường. Ảnh: NVCC

"Trong công việc mình phải chuyên nghiệp, chỉn chu, nghiêm túc thì mới tạo niềm tin cho phụ huynh, nhà trường từ đó bản thân mình mới không còn rào cản mà hoàn thiện hơn, tốt hơn được", thầy Thạo nhấn mạnh.

Được biết, thầy Thạo hiện đang phụ trách lớp 5 tuổi với hơn 20 em. Học sinh trường của thầy từ 6 dân tộc khác nhau nên việc dạy gắn với văn hóa. Thầy là người Thái khi nói với học sinh không hiểu thầy phải giải thích bằng tiếng Thái. Hiện tại, thầy học thêm cả tiếng Mông để nói chuyện với học sinh thuận lợi hơn. 

Khi được PV hỏi về chế độ lương của nghề giáo hiện nay, thầy Thạo cho hay: "Giáo viên vùng cao luôn tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhưng để có đam mê thì phải có kinh tế. Nếu chế độ lương cho giáo viên được cải thiện lương thì mọi người yên tâm công tác hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem