GS Đặng Văn Ngữ đặc biệt qua lời kể của học trò: “Thầy hơn các trò rất nhiều... cái đầu”

Tào Nga Thứ hai, ngày 20/11/2023 10:00 AM (GMT+7)
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Phạm Văn Thân, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “Cứ có dịp là tôi đến thắp hương tạ ơn GS Đặng Văn Ngữ. Còn biết ơn thì tôi biết ơn thầy cả đời”.
Bình luận 0

GS Đặng Văn Ngữ qua lời kể của học trò

Trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện đầy xúc động với PGS.TS. Phạm Văn Thân, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội.

Cũng như rất nhiều giáo viên khác trên cả nước, ngày 20/11 với PGS.TS. Phạm Văn Thân tràn ngập những xúc cảm về một nghề được tôn vinh cao quý. Ông chia sẻ: "Tôi luôn yêu và tự hào về nghề giáo. Tôi thấy vui nhưng không phải là do những lời chúc mừng của sinh viên, học viên mà tôi nghĩ về nghề mình đã làm. Tôi nhớ hình ảnh giảng dạy những học viên, những thuận lợi, khó khăn mà thầy trò đã chia sẻ cùng nhau. Và điều tôi nhớ nhất chính là người thầy rất khả kính của tôi - GS Đặng Văn Ngữ".

PGS Thân cho biết, cứ có dịp là ông lại đến thắp hương tạ ơn GS Đặng Văn Ngữ. Còn biết ơn thì ông biết ơn thầy giáo mình cả đời.

PGS.TS. Phạm Văn Thân kể về GS Đặng Văn Ngữ: “Tôi biết ơn thầy cả đời” - Ảnh 1.

PGS.TS. Phạm Văn Thân thường xuyên đến tại ơn người thầy đáng kính của mình. Ảnh: NVCC

Trong ký ức của PGS Thân, GS Đặng Văn Ngữ là một người thầy ra thầy. Cổ nhân nói: Thầy phải hơn trò ít nhất một cái đầu nhưng thầy Ngữ hơn các trò nhiều, rất nhiều cái đầu... Học trò không chỉ học được thầy con chữ mà còn được học Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, học được phong cách và tác phong làm việc khoa học.

PGS Thân kể: "Do yêu thích ngành Ký sinh trùng, thương người dân nghèo khó nên cả đời thầy Đặng Văn Ngữ đã đem hết tâm huyết, trí tuệ, sức lực cống hiến rồi đặt những nền móng vững chắc cho ngành. 

Có lẽ không nhiều nhà khoa học y tế giỏi sâu về cả về Khoa học cơ bản, Khoa học Y – Dược học cơ sở và khoa học chuyên ngành như GS Đặng Văn Ngữ. Giáo sư cũng đã góp phần xây dựng chương trình Toán Y cho Trường Đại học Y Hà Nội. Thầy rất coi trọng kết hợp bệnh viện, coi trọng lâm sàng, nghiên cứu về bệnh học ký sinh trùng; khám và điều trị bệnh nhân.

GS Đặng Văn Ngữ đã đặt chân đến rất nhiều vùng miền, nhiều thôn xóm bản làng, xa xôi, heo hút, vào các nhà dân, các chuồng trâu bò, các bụi cây quanh nhà, bìa rừng, các khe suối… để bắt muỗi, vớt bọ gậy. Giáo sư không ngại lội ruộng lúa nước để tìm nguyên nhân gây viêm da tại nông trường Rạng Đông ở Giao Thủy – Nam Định và phát hiện ra đó lá do sán máng vịt gây nên".

Ngoài công việc, con người, tác phong của GS Đặng Văn Ngữ cũng rất đáng nể. 

"Thầy mô phạm, thị phạm từ giảng đường đến ngoài đời, từ làm việc đến sinh hoạt. Ở bất kỳ môi trường giảng dạy nào, hình ảnh, tác phong, hành vi, ngôn ngữ của nhà giáo khả kính vẫn toát lên ở GS Đặng Văn Ngữ.

Thầy là một nhà giáo, nhà khoa học rất trung thực, khách quan, dũng cảm bảo vệ lẽ phải, đồng thời cũng là một học trò tôn sư trọng đạo. Khi GS Đặng Văn Ngữ tìm thấy một loại muỗi, GS Galliard, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng kiêm Hiệu trưởng Trường Y - Dược lúc đó, đã đặt tên là An. Tonkinensis, ngữ et Galliard. Nhưng cậu "học trò" Đặng Văn Ngữ đặt tên lại là An. tonkinensis Galliard et ngữ. Nghĩa là tên của giáo sư đứng sau thầy giáo của mình. Hay chuyện giáo sư lấy tên thầy giáo người Pháp là Lucas Champonnier (người tình nguyện sang Việt Nam dạy và qua đời vì bệnh truyền nhiễm) đặt tên cho bệnh viện nhỏ của một nhóm bác sĩ trẻ để bày tỏ sự tưởng nhớ và biết ơn", GS Đặng Văn Ngữ kể thêm.

PGS.TS. Phạm Văn Thân kể về GS Đặng Văn Ngữ: “Tôi biết ơn thầy cả đời” - Ảnh 2.

PGS Thân kể về người thầy của mình. Ảnh: NVCC

"Tôi biết ơn GS Đặng Văn Ngữ cả đời"

PGS Thân chia sẻ thêm: "GS Đặng Văn Ngữ cũng một người làm việc rất nghiêm túc, nghiêm khắc nhưng dễ gần, tác phong bình dân – hòa đồng, sống thực tế, sinh hoạt điều độ. Vì vậy tuy rất mệt và rất sợ nhưng ai cũng nể trọng, thích làm việc trực tiếp với thầy bởi thầy dùng phương pháp cầm tay chỉ việc.

Về sự nghiêm khắc thì chỉ cần nghe tiếng ô tô của giáo sư đến là chúng tôi "chạy mất dép" về ngay bàn làm việc.

Chúng tôi cũng có lúc sai nhưng thầy luôn vị tha và uốn nắn. Tôi nhớ mãi lần bộ môn lên sơ tán ở Bắc Thái (tỉnh cũ được sát nhập từ Bắc Kạn và Thái Nguyên). Chỗ chúng tôi ở là một nhà sàn bên dưới nuôi trâu, bò, gà, vịt nên bọ chét, bọ nhảy rất nhiều.

Thấy sinh viên bị bọ đốt nhiều đến mất ăn mất ngủ, thầy tổ trưởng phụ trách đã cho lấy thuốc DDT để phun diệt bọ chét. Mặc dù DDT diệt bọ chét rất hiệu quả nhưng nguyên tắc là chỉ được dùng trong phun diệt muỗi chống sốt rét. Trong nông nghiệp phải dùng thuốc 666 để tránh tình trạng kháng thuốc.

Thầy tổ trưởng biết rõ nguyên tắc này nhưng vì muốn diệt triệt để bọ chét cho sinh viên nên đánh liều "phá lệ". Chuyện đến tai thầy Ngữ. Chúng tôi bị thầy mắng một trận chỉ còn nước "thăng thiên" hoặc "độn thổ" vì vi phạm nguyên tắc khoa học.

Nhìn lại mới thấy chúng tôi trưởng thành được cũng là vì thầy nghiêm khắc. Chúng tôi biết ơn thầy vì những lần phê bình như vậy.

PGS.TS. Phạm Văn Thân kể về GS Đặng Văn Ngữ: “Tôi biết ơn thầy cả đời” - Ảnh 3.

GS Đặng Văn Ngữ tại khoa Ký sinh trùng. Ảnh: TL

Một điểm đặc biệt khác ở GS Đặng Văn Ngữ là không thích mọi người xưng thầy-trò mà xưng anh-em. Vì chỉ khi gọi là anh em thì mọi vấn đề khó mới dễ chia sẻ, không khoảng cách hay rào cản, giúp học trò sẵn sàng bộc lộ cái "dốt" để thầy sửa. Tất nhiên với mọi người như vậy, còn tôi thì tôi vẫn gọi là thầy".

Về đời tư của GS Đặng Văn Ngữ cũng khiến PGS Thân nể phục: "GS Đặng Văn Ngữ sống rất thanh bạch, đạm bạc, đời sống vật chất bình dân, không nhà riêng, không tài sản. Một nhà giáo nghèo, ở nhà tập thể, chủ yếu ăn bếp ăn tập thể. Trang phục của ông rất giản dị, nhưng nền nã, chỉn chu.

Giáo sư cũng là người coi trọng gia đình. Gia đình của giáo sư rất hạnh phúc, ấm cúng. Giáo sư từ bỏ môi trường làm việc tốt, sống vinh hoa phú quý để kiên quyết về với đất nước, với vợ con. Năm 1954, vợ của giáo sư không may qua đời. Nhiều người thấy cảnh "gà trống nuôi con" rất ái ngại cho giáo sư nên muốn tìm người chia sẻ. Thế nhưng giáo sư cám ơn và từ chối… Một mình ông ở vậy thờ vợ nuôi con nên người.

Các con của giáo sư đều học hành thành đạt, có người nổi tiếng trong nước và thế giới như đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh, NSND, Nguyên Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam, đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật năm 2007); con gái Đặng Nguyệt Ánh, TS Điện tử hạt nhân ở Đức, đã từng là cộng tác viên khoa học tại Viện Đupna (Liên Xô cũ); con út Đặng Nguyệt Quý đã học tại Đại học tổng hợp Leningrad (Liên Xô cũ).

PGS.TS. Phạm Văn Thân kể về GS Đặng Văn Ngữ: “Tôi biết ơn thầy cả đời” - Ảnh 4.

GS. Đặng Văn Ngữ là người đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc Penicillin - loại kháng sinh đóng vai trò to lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn. Ảnh: TL

GS. Đặng Văn Ngữ là bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng ở Việt Nam. Giáo sư sinh ngày 4/4/1910 tại An Cựu, thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế trong một gia đình nhà nho nghèo, nền nếp, hiếu học. Ông đỗ thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp và năm 1930 đỗ tú tài bản xứ và cả tú tài Pháp, nhận được học bổng để theo học Trường Y - Dược thuộc Đại học Đông Dương.

Sau khi tốt nghiệp năm 1937, ông là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm trợ lý cho Giáo sư Galliard - Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng kiêm Hiệu trưởng Trường Y - Dược lúc đó. Năm 1942, ông trở thành Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng và là giảng viên Sinh vật, Ban Dược. Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông được chính phủ Pháp cử sang Nhật trong chương trình trao đổi nghiên cứu sinh và sinh viên giữa hai nước.

Năm 1949 ông trở thành giảng viên Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y khoa tại Chiêm Hóa. Đến năm 1955, ông sáng lập ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam đồng thời đảm nhận chức Viện trưởng. Từ năm 1955 – 1967 ông tập trung nghiên cứu vacxin phòng chống và điều trị bệnh sốt rét. Đến ngày 1/4/1967, ông hy sinh trong một trận ném bom B52 của Mỹ trên dãy Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Khi ấy ông vẫn đang say sưa nghiên cứu thuốc trị sốt rét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem