Bộ Nội vụ: Hà Nội và TP.HCM có từ 600 hộ trở lên mới được xem xét thành lập tổ dân phố

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 07/09/2023 13:35 PM (GMT+7)
Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến góp ý.
Bình luận 0

Theo dự thảo thông tư, thôn, làng, ấp, bản…được tổ chức ở xã; còn tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu được tổ chức ở phường, thị trấn. Mỗi thôn có trưởng thôn; tổ dân phố có tổ trưởng. Trường hợp cần thiết thì bố trí cấp phó.

Về số lượng, căn cứ vào quy mô dân số, đặc điểm của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố cho phù hợp, nhưng không vượt quá 2 người.

Chủ tịch UBND cấp xã (hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã) quyết định công nhận phó trưởng thôn, phó tổ trưởng tổ dân phố.

Bộ Nội vụ lưu ý, không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định.

Bộ Nội vụ: Hà Nội và TP.HCM có từ 600 hộ trở lên mới được xem xét thành lập tổ dân phố - Ảnh 1.

Theo dự thảo thông tư của Bộ Nội vụ, Hà Nội và TP.HCM phải có từ 600 hộ gia đình trở lên mới được xem xét thành lập tổ dân phố mới. Ảnh: Lê Hiếu

Trường hợp cần thành lập thôn mới, tổ dân phố mới phải đạt các điều kiện về quy mô số hộ gia đình và điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân.

Cụ thể, với thôn ở xã thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc phải có từ 200 hộ gia đình trở lên; các tỉnh đồng bằng sông Hồng có từ 400 hộ gia đình trở lên;

Trong khi đó, với các tỉnh miền Trung được xác định có từ 350 hộ gia đình trở lên; còn các tỉnh miền Nam có từ 450 hộ gia đình trở lên;

Với các tỉnh Tây Nguyên có từ 250 hộ gia đình trở lên; xã biên giới, xã đảo hoặc thôn ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có từ 150 hộ gia đình trở lên.

Đối với tổ dân phố ở phường, thị trấn tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc có từ 300 hộ gia đình trở lên; các tỉnh đồng bằng sông Hồng có từ 450 hộ gia đình trở lên;

Với các tỉnh miền Trung có từ 400 hộ gia đình trở lên; các tỉnh miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên; các tỉnh Tây Nguyên có từ 350 hộ gia đình trở lên.

Tổ dân phố ở phường, thị trấn biên giới, phường, thị trấn hải đảo; tổ dân phố ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có từ 150 hộ gia đình trở lên.

Riêng đối với Hà Nội và TP.HCM phải có từ 600 hộ gia đình trở lên mới được xem xét thành lập tổ dân phố mới.

Điểm đáng lưu ý được đề xuất là các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình dưới 70% như quy mô số hộ gia đình nêu trên phải sáp nhập với thôn, tổ dân phố liền kề.

Bộ Nội vụ cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố cần xem xét đến các yếu tố về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt và vị trí địa lý, địa hình…

Theo dự thảo, đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố phải đạt trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố sáp nhập đồng ý.

Việc đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố được thực hiện theo nguyện vọng của Nhân dân hiện đang sinh sống tại thôn, tổ dân phố.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem