"Bức tranh" dịch Covid-19 năm Nhâm Dần 2022 sẽ thế nào?

Diệu Linh Thứ ba, ngày 01/02/2022 07:00 AM (GMT+7)
Năm Tân Sửu 2021 đã chứng kiến nhiều điều "chưa từng" đối với ngành y tế Việt Nam với sự bùng nổ dữ dội của dịch Covid-19. Các chuyên gia y tế nhận định, năm Nhâm Thìn 2022, dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp nhưng "màu sắc" khác nhiều so với năm cũ.
Bình luận 0

Dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát sau Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, diễn biến dịch Covid-19 trong dịp Tết Âm lịch sắp tới và trong nửa đầu năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp.

Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Omicron được nhận định là lây lan nhanh. Ngày Tết, người nhập cảnh vào Việt Nam cũng đông hơn, do đó, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam cũng khá lớn.

"Bức tranh" dịch Covid-19 năm Nhâm Dần 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Năm Tân Sửu 2021, dịch Covid-19 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người dân Việt Nam (Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 do BV Y dược TP HCM phụ trách. Ảnh BYT)

Hơn nữa, Chính phủ đã mở cửa hầu hết các dịch vụ, trong dịp Tết, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương tăng cao, các sự kiện cộng đồng như tổ chức hội họp, giao lưu, gặp gỡ cũng nhiều hơn… Đây là những yếu tố khiến dịch có thể lây lan trên diện rộng.

Theo Bộ Y tế, tính đến hết năm Tân Sửu, Việt Nam đã có gần 190 ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron, trong đó đa số là người nước ngoài và đã có 1 số ca lây lan ra cộng đồng.

Thời gian qua, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn khá cao, trung bình hơn 15.000 ca mắc mới/ngày. Tuy số ca tử vong và bệnh nặng đã giảm nhưng cũng vẫn còn cao với khoảng hơn 130-140 ca/ngày.

"Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Hơn nữa, biến chủng Omicron đã xuất hiện trong cộng đồng và theo nhận định của WHO, biến chủng này có khả năng lây lan rất lớn. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 với số ca mắc cao là rất lớn.

Điều này có thể gây áp lực cho hệ thống chăm sóc y tế, gây quá tải bệnh viện, gây nguy hiểm có các đối tượng có nguy cơ bệnh nặng như người già, người có bệnh nền...", Bộ Y tế nhận định.

Theo PGS Phu cũng nhận định, tuy chúng ta bao phủ vaccine Covid-19 đến đa số người dân Việt Nam khiến cho Covid-19 "suy yếu" nhiều. Đa số người mắc Covid-19 khi đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 đều không có triệu chứng hoặc chỉ sốt nhẹ, đau đầu và âm tính rất nhanh.

Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền nếu mắc Covid-19 vẫn bị đe dọa đến sức khỏe. Hơn nữa, dù chỉ tỷ lệ nhỏ bệnh nhân Covid-19 nhập viện nhưng nếu số ca mắc bùng phát mạnh thì "tỷ lệ nhỏ" này cũng có thể khiến cho hệ thống y tế quá tải…

"Người dân vẫn cần phải tự giác chống dịch, tránh suy nghĩ chủ quan: "Đã tiêm vaccine Covid-19 rồi thì không sợ mắc bệnh, mắc bệnh cũng nhẹ". Trong tình hình dịch như hiện nay, người ăn Tết nhưng đừng quên 5K phòng dịch. Chơi Tết cũng hạn chế đi đến nơi đông người lạ, tiếp xúc gần với nhiều người mà không đeo khẩu trang..", PGS Phu khuyến cáo.

"Bức tranh" dịch Covid-19 năm 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 2.

Việc bao phủ vaccine Covid-19 trên diện rộng đã làm thay đổi chiến lược phòng dịch Covid-19 của chúng ta (Tiêm vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC)

Chống dịch Covid-19 linh hoạt, chủ động hơn

Ngay sát Tết Nhâm Dần, Bộ Y tế đã liên tục ra các quyết định, hướng dẫn để thay đổi cách phòng chống dịch Covid-19 cho phù hợp với tình hình hiện tại.

Quan trọng nhất chính là Quyết định 218/ BYT-QĐ Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" do Bộ Y tế ban hành ngày 27/1 (26 tháng Chạp năm Tân Hợi).

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế. Quyết định này thay đổi nhiều đánh giá cấp độ dịch Covid-19 cả về quy mô "lượng và chất".

Theo quyết định mới, chỉ số tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân đã cao gấp 4 đến 9 lần quyết định cũ.

Cụ thể, tỷ lệ ca mắc mới được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức 3: 450 đến 600; mức 4: >600). Còn theo Quyết định cũ 4800, mức 1: 0 - < 20; mức 2: 20 - <50; mức 3: 50 - <150; mức 4: ≥150).

"Thước đo" cấp độ dịch cũng lần đầu đưa vào chỉ số "tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người" và tỷ lệ tử vong/100.000 dân.

Theo đó, tỷ lệ ca bệnh phải thở ô xy được phân theo 04 mức độ (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: >40; Còn tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân. Yêu cầu chỉ số này không được vượt quá 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã.

Như vậy, hiện nay chúng ta không chỉ chú trọng đến số ca nhiễm mà chấp nhận số ca nhiễm nhất định nhưng phải đảm bảo tăng cường khả năng điều trị để giảm ca bệnh nặng và ca tử vong.

Bộ Y tế nhận định: "Chỉ số này là hệ quả của tổng hợp mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, đồng thời đây là mục tiêu cần phải khống chế bằng được; do đó chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã".

Còn về tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19, nếu quyết định cũ tính tỷ lệ dân tiêm 1 mũi vaccine thì nay là tiêm đủ 2 mũi cơ bản vaccine Covid-19 trở lên.

&quot;Bức tranh&quot; dịch Covid-19 năm 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 3.

Vui Xuân đừng quên phòng dịch Covid-19. Ảnh BYT

Bộ Y tế cho biết, mục đích của Quyết định mới này là kiểm soát dịch tại nơi xuất phát là biện pháp mang tính chủ động và hiệu quả hơn, hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính bao vây trên phạm vi rộng.

Đồng thời đảm bảo tính ổn định tương đối trong quá trình điều chỉnh các chỉ số trong các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, phù hợp với thực tế tình hình dịch.

Các biện pháp phòng chống dịch này mang tính tổng thể bao gồm cả y tế, biện pháp hành chính, kinh tế - xã hội; cả điều trị và dự phòng theo các cấp độ dịch được quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.

"Các biện pháp này nhằm kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất ở quy mô cấp xã nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả; phát hiện sớm sự bất thường để xử lý đúng, trúng, hiệu quả; Phát huy tính chủ động của chính quyền địa phương, tránh tư tưởng buông tay, giao phó cho y tế trong việc điều trị ca bệnh, nặng", Bộ Y tế nhấn mạnh.

PGS Phu cũng khẳng định: "Chiến lược phòng, chống dịch đầu tiên là "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả". Nhưng chúng ta đã thay đổi giải pháp trong chiến lược này theo từng giai đoạn dịch, theo tình hình thực tế về biến chủng của virus, về nhu cầu thực hiện mục tiêu kép (vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế).

Và nhất là khi chúng ta ngày càng hiểu biết về dịch bệnh, năng lực phòng, chống dịch khá hơn, đặc biệt là năng lực và kinh nghiệm xét nghiệm và tiêm chủng.

Cái bất biến trong dự phòng cá nhân là thực hiện 5K nhưng trong từng hoạt động, từng môi trường, chúng ta phải thực hiện như thế nào cho phù hợp, không cứng nhắc.

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" được thực hiện rõ nhất khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP trên quan điểm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".

Phân tích thêm về sự thay đổi này, PGS Phu cho biết, ở ở 3 giai đoạn đầu, chủng virus SARS-CoV-2 lây lan không nhanh, chúng ta có thể thực hiện chiến lược "Zero Covid" và rất thành công.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn thứ 4, với chủng Delta lây lan quá nhanh, chúng ta không thể duy trì được chiến lược cũ nữa, không thể giãn cách diện rộng mãi. Bởi lẽ, nếu tiếp tục giãn cách thì sẽ tổn thất lớn tới kinh tế và an sinh xã hội, đặc biệt không có nguồn lực để chống dịch vì dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường.

"Hơn nữa, chúng ta đã bao phủ vaccine Covid-19 trên diện rộng nên có thể thực hiện "chung sống an toàn với Covid-19" để phát triển kinh tế, song vẫn bảo đảm kiểm soát dịch có hiệu quả.

Mấu chốt ở đây là chấp nhận số ca mắc nhưng không để có nhiều bệnh nhân nặng, không để quá tải hệ thống y tế, hạn chế được số ca tử vong", PGS Phu cho biết.

&quot;Bức tranh&quot; dịch Covid-19 năm 2022 sẽ thế nào? - Ảnh 4.

Dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi quan niệm sống, lối sống của nhiều người. Ảnh BYT

Chào đón năm Nhâm Dần không quên 5k phòng dịch Covid-19

"Năm Tân Sửu 2021 đã qua đi, chúng ta chào đón năm Nhâm Dần 2022, một năm được dự báo còn nhiều khó khăn, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt khi chủng Omicron mới xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, có thể lây lan nhanh và làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine mà chúng ta đang sử dụng.

Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng, các địa phương hãy đáp ứng với dịch bệnh một cách linh hoạt, có phương án cho người dân đón chào năm mới an toàn, vui tươi, hạnh phúc…

Mong rằng mỗi người dân hãy thực hiện tốt 5K, luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, chọn phương tiện an toàn khi đi lại, sinh hoạt, vui chơi, thăm hỏi, tiếp xúc nơi công cộng… để không "vì đón Tết lại bùng phát một đợt dịch mới".

Mọi người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế. Tất cả phụ thuộc vào cách ứng xử thông minh, trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người"

PGS.TS Trần Đắc Phu

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem