Cần cơ chế để giáo viên đến trường chỉ quan tâm đến chuyện dạy chữ, dạy người

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 18/03/2023 17:30 PM (GMT+7)
Nhiều đề xuất được đặt ra trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Bình luận 0

Ngày 18/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Buổi làm việc này được diễn ra sau hai ngày đoàn giám sát đến làm việc trực tiếp tại một số cơ sở giáo dục ở quận 12, quận Gò Vấp, quận 5, TP.Thủ Đức...

Cần nguồn lực riêng để triển khai chương trình mới

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, qua giám sát trực tiếp tại cơ sở giáo dục, đoàn nhận thấy việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại TP.HCM khá tốt, có nhiều mô hình triển khai sáng tạo. Tuy nhiên, cũng có nhiều vướng mắc đang tồn tại, cần được đánh giá bài bản, thấu đáo để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

ư - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: MQ

Bà Mai cho biết, một vấn đề về công bằng giáo dục, quyền lợi của học sinh được đặt ra khi triển khai chương trình mới theo hình thức cuốn chiếu. Rất nhiều học sinh đang học chương trình cũ ở lớp dưới chuyển qua học chương trình mới ở lớp cao hơn. Điều này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho các em khi tiếp cận chương trình mới.

Thêm vào đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng dạy 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Điều này cũng đặt ra bài toán nan giải cho nhiều địa phương, bởi cơ sở vật chất không đảm bảo, quỹ đất thiếu, vốn cũng như thủ tục đầu tư đều khó khăn. Nhiều địa phương đang chịu sức ép lớn, phải "gồng" hết sức để thực hiện chương trình mới.

Ông Bùi Hoàng Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, yếu tố quan trọng để thực hiện chương trình mới là nguồn lực. TP.HCM là thành phố lớn, ông Sơn cho rằng cần có nguồn lực riêng để triển khai chương trình mới.

ư - Ảnh 2.

Thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là khó khăn lớn trong triển khai CT GDPT 2018. Ảnh: MQ

Đồng quan điểm, ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, vấn đề thừa thiếu giáo viên hiện nay rất khó tránh khỏi. Công tác xây dựng đội ngũ cần được tính toán độ mở, tạo điều kiện cho các trường bổ sung đội ngũ giảng dạy.

Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, hiện Sở đang phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn để bồi dưỡng 100% giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Dự kiến, năm 2024 sẽ có lứa giáo viên đầu tiên được đào tạo chuyên ngành Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý ra trường. Ông Hiếu cho rằng, đây là nguồn nhân lực lý tưởng, có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn tích hợp.

Tuy nhiên, cái khó khăn là số lượng giáo viên tốt nghiệp này không nhiều so với nhu cầu hiện tại. Do đó, ngành giáo dục dự kiến sẽ sử dụng đội ngũ này làm nòng cốt để triển khai hiệu quả. Song song đó, Sở sẽ tiếp tục bồi dưỡng giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý để dạy môn tích hợp.

Tăng điều kiện cơ chế đặc thù

Ông Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, đoàn giám sát đã đi đến một số cơ sở giáo dục có điều kiện dạy học khó khăn ở ngoại thành và ngoài công lập có điều kiện dạy học tiên tiến, hiện đại.

Qua việc khảo sát này, ông Nghĩa cho rằng, có thể khó khăn không nằm ở chương trình hay sách giáo khoa mới mà khó khăn ở cơ chế, chính sách, biên chế giáo viên, đấu thầu, sử dụng ngân sách… Ông Nghĩa cho rằng, cần có sự quan tâm nhiều hơn đến khu vực còn khó khăn, các điểm yếu để tạo công bằng chung trong đổi mới giáo dục.

ư - Ảnh 4.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12. Ảnh: MQ

Chia sẻ tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Hải Hiệu - Phó trưởng Phòng Tổ chức biên chế sự nghiệp, Sở Nội vụ cho biết, hiện nay giáo viên trình độ đại học được tuyển dụng chính thức vào các cơ sở giáo dục có hệ số lương 2,34.

Nếu nhận lương tập sự, giáo viên mới được hưởng 85% lương và trừ đi các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nếu làm giáo viên chính thức và được hưởng 100% lương, giáo viên mới ra trường có thu nhập 3.486.000 đồng/tháng.

Mức thu nhập này là rất thấp nên rất khó để thu hút hoặc giữ chân nguồn nhân lực này. Địa diện Sở Nội vụ mong muốn Chính phủ tạo thêm điều kiện về cơ chế đặc thù, phân cấp mạnh cho thành phố để chủ động các nguồn lực, trong đó có việc tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thêm vào đó, TP.HCM là địa phương có tốc độ tăng trưởng dân số cơ học cao, mỗi năm học sinh một tăng, kéo theo trường lớp tăng để đảm bảo đủ chỗ học. Thế nhưng, TP.HCM vẫn phải thực hiện việc tinh giản biên chế 10%/năm theo lộ trình, đây cũng là một thách thức không nhỏ.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM đang nỗ lực bồi dưỡng giáo viên giảng dạy các môn tích hợp thực hiện chương trình mới.

"TP.HCM đang nghiên cứu cơ chế riêng, làm sao cho giáo viên đến trường chỉ quan tâm đến chuyện dạy chữ, dạy người. Còn hiện nay, có quá nhiều áp lực chi cho thầy cô và cán bộ quản lý, nên thời gian dành cho chuyên môn không còn được nhiều như xưa", bà Tuyết nói.|

Ngoài ra, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GDĐT và các bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn liên bộ về ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên triển khai chương trình mới để Sở GDĐT có căn cứ đề nghị các quận, huyện cấp bổ sung kinh phí cho cơ sở giáo dục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem