Cảnh báo nguy cơ khi tự điều trị đái tháo đường

Bạch Dương Thứ năm, ngày 30/12/2021 13:24 PM (GMT+7)
Trong quá trình điều trị đái tháo đường, người bệnh thường gặp những sai lầm như: tự ý ngưng thuốc hoặc gia tăng liều lượng, chưa thực hiện đúng các thao tác đo đường huyết, tiêm insulin không đúng cách, nhịn ăn… Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị, làm gia tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Bình luận 0
Cảnh báo nguy cơ khi tự điều trị đái tháo đường - Ảnh 1.

BS Thùy Dung đang tư vấn cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa tiếp nhận điều trị cho ông M.V.H. (65 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Ông H được chẩn đoán bị bệnh đái tháo đường hơn 1 năm nay. 

Khoảng 3 tháng nay, ông H. bỏ tái khám và tự ý sử dụng một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Ông cũng không theo dõi đường huyết liên tục theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sau khoảng 2 tuần sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ, ông H. thường cảm thấy mệt mỏi, khát nước, mắt nhìn mờ. Tại Phòng khám Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ đánh giá đường huyết của ông H. tăng rất cao kèm theo biến chứng mắt và thận. Ông H. phải nhập viện để kiểm soát đường huyết tích cực đồng thời điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt.

BSCKII. Trần Thị Thùy Dung - Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết trong máu. Cơ chế của đái tháo đường là do cơ thể thiếu hụt insulin hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Bên cạnh việc tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, việc chăm sóc người bệnh đái tháo đường đúng cách sẽ góp phần kiểm soát được đường huyết hiệu quả, giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng đồng thời động viên, giúp người bệnh tích cực hơn khi chung sống với bệnh.

Để chăm sóc người bệnh đái tháo đường đúng cách, người bệnh và người nhà người bệnh cần lưu ý các yếu tố quan trọng, bao gồm: Tiêm insulin đúng cách trong trường hợp có chỉ định; tự theo dõi đường huyết tại nhà; phòng ngừa, xử trí những cơn hạ đường huyết; chăm sóc bàn chân đồng thời có chế độ ăn hợp lý, lựa chọn những thực phẩm phù hợp, cân đối; tập luyện thể lực phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh để đạt hiệu quả kiểm soát đường huyết tốt nhất.

Trong trường hợp người bệnh cần sử dụng insulin, người bệnh cần có máy đo thử đường huyết tại nhà và đo đường huyết thường xuyên theo hướng dẫn của Bác sĩ. Những thông số trong giai đoạn điều chỉnh liều insulin bằng cách tự thử đường huyết tại nhà rất quan trọng, giúp bác sĩ có thể điều chỉnh insulin một cách tối ưu nhất. Khi tiêm insulin, người bệnh thực hiện đúng kỹ thuật tiêm, chế độ ăn và cách xử trí, phòng ngừa các cơn hạ đường huyết có thể xảy ra. Đây là biến chứng khá nguy hiểm bởi vì nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não không hồi phục, hoặc gây nhiều biến chứng khác như sa sút trí tuệ, gây các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim.

BSCKII. Trần Thị Thùy Dung cho biết, người bệnh đái tháo đường thường gặp các sai lầm trong quá trình điều trị như chỉ tuân thủ điều trị trong thời gian đầu, sau khi thấy tình trạng sức khỏe ổn định hơn lại phát sinh tâm lý chủ quan; không tuân thủ chế độ dinh dưỡng; không sử dụng thuốc đều đặn; không tái khám định kỳ, thậm chí tự ý sử dụng các loại thuốc thuốc gia truyền, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc…

Nhiều người bệnh khi mới phát hiện bệnh lại quá bi quan, lo sợ dẫn đến ăn kiêng quá mức hoặc sử dụng các nhiều các loại thực phẩm không phù hợp dẫn đến đường huyết tăng cao. Điều này dẫn đến đến biến chứng tăng đường huyết cấp tính, suy gan hoặc suy thận. Do đó, cần tránh những sai lầm trong quá trình chăm sóc người bệnh, tuân thủ nghiêm các chỉ định về điều trị bằng thuốc của bác sĩ.

Cảnh báo nguy cơ khi tự điều trị đái tháo đường - Ảnh 3.

Bệnh nhân đái tháo đường tự tiêm insulin. Ảnh: BVCC

Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường cần có chế độ ăn phù hợp, cân đối. Nguyên tắc chung là ăn đủ 3 bữa/ngày, ăn đúng giờ, tránh trễ bữa hay bỏ bữa; không kiêng khem quá mức, kiểm soát chất dinh dưỡng trong bữa ăn, bao gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường có chỉ số đường huyết thấp. Việc tập luyện thể lực thường xuyên, phù hợp với cơ thể và tình trạng bệnh lý người bệnh cũng là một yếu tố quan trọng.

Người bệnh cần duy trì tập luyện 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Lưu ý, cần tập luyện vừa sức, nếu quá gắng sức sẽ dễ gây ra những biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực. Tốt hơn hết, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe và những bệnh lý đi kèm để lựa chọn được bài tập vận động phù hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem