Một loại cây dại thả trái tha la mặt kênh ở Vĩnh Long, đẹp như cổ tích, làm món ăn vạn người mê

Thanh Thanh (Cổng TTTT XTDL Vĩnh Long) Thứ sáu, ngày 08/09/2023 06:06 AM (GMT+7)
Mọc ven các kênh rạch ngập nước, từ xa xưa cây bần đã là một hình ảnh quen thuộc với người dân sông nước miền Tây. Trong đó Vĩnh Long cũng không phải là ngoại lệ, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, con nước lên xuống làm nên những hàng bần sum suê trái...
Bình luận 0

Cây bần mọc dại cây to cây nhỏ mọc dọc theo các nhánh sông ở Vĩnh Long, khi lũ về cũng là lúc những nhánh bần oằn trái, trong bữa cơm nhà lại có thêm một vài món ngon.

 “Không thương, em hổng có cần

Trầm hương khó kiếm chớ đước bần thiếu chi”

Với bộ rễ rộng và khả năng chống chịu mãnh mẽ, cây bần sinh sống ở những vùng đất ven sông, kênh rạch, để chống sạt lở và chống sóng. 

Hằng năm, vào tháng sáu đến tháng chín âm lịch khi phù sa theo dòng nước đổ về, cũng là lúc những nụ hoa bần dần hé nở, đung đưa theo cơn gió nơi bờ sông, với sắc tím nhàn nhạt, cùng với mùi hương thoang thoảng, nhẹ nhàng, tạo nên một khung cảnh làm lay động lòng người. 

Dưới sông là chiếc xuồng ba lá, tiếng khua chèo hòa cùng tiếng sóng nước, trên đầu phất phơ những nụ hoa.

Cây bần là loại cây thân thuộc với người dân không chỉ vì nó mọc nhiều và phổ biến mà nó còn được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày, thân cây được dùng làm chất đốt, còn hoa và quả bần được sử dụng nhiều trong các món ăn dân dã. 

Ở Vĩnh Long tiêu biểu có thể kể đến như canh chua bần, cá kho tộ, trái bần chấm mắm, gỏi bông bần…

Một loại cây dại thả trái tha la mặt kênh ở Vĩnh Long, đẹp như cổ tích, làm món ăn vạn người mê - Ảnh 1.

Nguyên liệu làm nên món lẩu bần chua ở Vĩnh Long, trong đó có cá linh, bông điên điển, trái bần non...

Trái bần già có vị khá chua, thêm một ít vị chát không hòa lẫn vào đâu được. Cũng bởi cái vị đặc trưng đó nên người dân thường dùng bần để nấu canh chua hoặc lẩu chua, kết hợp với vị ngọt của cá linh non và bông điên điển, cái vị thật là hết ý.

Hiện nay, ở Vĩnh Long dọc theo các con kênh nhỏ bần vẫn hiện diện như một lẽ dĩ nhiên, sinh sống, bám đất bám rể nơi miệt cù lao, hay xuôi dòng Cổ Chiên, du khách cũng có thể nhìn thấy những cây bần to, cành lá xum xuê, bên cạnh là cái sàn bê tông dẫn ra sông.

Như cây đa đầu làng, cây bần có thể nói là một trong biểu tượng đặc trưng của người dân vùng sông nước.

Khi đến thăm Vĩnh Long vào mùa nước nổi, du khách cũng đừng quên xuôi theo những dòng sông ngắm hoa bần, thưởng thức những món ăn đặc biệt này nhé.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem