Chuyên gia cảnh báo thí sinh lựa chọn ngành nghề: Chọn con tim hay nghe lý trí?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 22/07/2023 08:02 AM (GMT+7)
Nếu lựa chọn ngành nghề không phù hợp, khi vào trường đại học sinh viên rất dễ bị "vỡ mộng", không đủ năng lực để hoàn thành chương trình, mất tiền, mất thời gian và khó theo nghề về sau.
Bình luận 0

Chọn ngành nghề: Không nên chọn theo số đông

Nói về việc lựa chọn ngành nghề, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Một trong những căn cứ để thí sinh có thể tham khảo khi chọn ngành học là số liệu thống kê của Bộ GDĐT về các nhóm ngành được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký những năm gần đây vì đó đều là những nhóm ngành quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bắt kịp xu hướng phát triển nói chung.

Ngược lại, với những nhóm ngành đang thiếu sức hút đối với thí sinh (như: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội), thí sinh cũng không nên e ngại và nếu cảm thấy phù hợp với bản thân thì cứ mạnh dạn đăng ký.

Chuyên gia cảnh báo thí sinh lựa chọn ngành nghề: Chọn con tim hay nghe lý trí? - Ảnh 1.

Nhiều thí sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Ảnh: Tào Nga

"Khi chọn ngành nghề để đăng ký xét tuyển, thí sinh và gia đình nên tuân thủ một số nguyên tắc về sở thích, hứng thú, năng lực của bản thân. Chọn ngành nghề đừng chỉ dựa vào tên gọi mà phải xem bản đặc tả về ngành nghề đó phù hợp với mình hay không và những ngành nghề đó trong 5-10 năm tới sẽ có xu hướng thế nào chứ không phải chỉ dựa vào những gì mình biết ở thời điểm hiện tại…", PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Ông Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Hòa Bình khuyên thí sinh nên chọn ngành nghề có khả năng học và làm được, không nên lựa chọn theo số đông, trào lưu, đặc biệt không lựa chọn theo nhóm bạn bè. Quan trọng nhất là chọn ngành trước khi chọn trường.

"Khi đã chọn được ngành, các em cần tìm hiểu công việc liên quan đến ngành nghề đó yêu cầu những gì? Mô tả vị trí công việc như thế nào? Nhu cầu thị trường lao động ra sao? Sau giai đoạn chọn ngành sẽ chọn trường. Các em cần xác định môi trường mình mong muốn, tham khảo cơ sở vật chất, chương trình học... Trên cơ sở đó đưa ra quyết định cuối cùng để đăng ký xét tuyển", ông Bá tư vấn.

TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết, bên cạnh việc xác định năng lực để chọn ngành chọn nghề phù hợp, thí sinh cần khai phóng chính bản thân mình. Bởi nếu chỉ nằm trong vùng an toàn thì không thể tìm ra những điểm mạnh và giới hạn của bản thân.

"Trong bối cảnh hiện nay, các bạn sinh viên vào trường đại học phải chú trọng đến việc học cách để xử lý công việc, cách để thích nghi với mọi sự biến đổi trong tương lai. Vì vậy, các bạn phải bứt phá, vượt qua khả năng của chính mình mới có thể tồn tại và phát triển trong tương lai", TS Thạc chia sẻ.

Chọn nghề đừng chọn đại

Liên quan đến việc chọn ngành nghề, Chuyên gia Đào Ngọc Cường cũng cho hay: "Những ngày này học sinh phụ huynh đang tất bật chọn nghề để xét tuyển đại học. Đối với những thí sinh đạt điểm cao và có tư duy tốt, việc chọn nghề cũng sẽ thuận lợi hơn. Nhưng với em có phổ điểm khá và trung bình, chưa có nhiều kỹ năng và tư duy tốt thì việc chọn nghề rất vất vả. Bởi không phải phụ huynh nào cũng có đủ kiến thức, kỹ năng để chọn nghề cho con.

Chuyên gia cảnh báo thí sinh lựa chọn ngành nghề: Chọn con tim hay nghe lý trí? - Ảnh 2.

Thí sinh nhận được tư vấn từ các trường. Ảnh: Tào Nga

Hiện nay tại Việt Nam cũng chưa nhiều đơn vị làm hướng nghiệp chuẩn nên các bậc phụ huynh cũng không dễ gặp được chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, vì vậy dẫn đến tình trạng chọn nghề theo cảm tính, trào lưu, điểm số của con. Để chọn đúng nghề là việc làm rất quan trọng. Đây là một bước ngoặt quan trọng của cả đời, có tính quyết định rất lớn đến tương lai của con.

Nếu chọn đúng nghề cho con thì giúp thành công, hạnh phúc trong tương lai. Ngược lại chọn sai dẫn đến hậu quả rất lớn như hiện nay. Số học sinh học trái ngành dẫn đến bỏ học giữa chừng, ra trường không làm đúng chuyên môn, thất nghiệp, chán nản khi làm việc, lãng phí công sức, tiền bạc, thời gian, trí tuệ...".

Theo Chuyên gia Đào Ngọc Cường, ngoài việc tìm hiểu xu hướng của xã hội, nhu cầu việc làm, thu nhập thì việc quan trọng nhất cần biết năng lực của người học. Hiện nay đa số lại không để ý đến yếu tố quyết định này. Để biết được năng lực của người học cần có quá trình theo dõi, quan sát của cha mẹ, bên cạnh đó cần có thêm các công cụ phân tích để hỗ trợ để có thêm thông tin tham khảo.

"Mỗi ngày chúng tôi nhận được hàng trăm phụ huynh nhờ tư vấn hướng nghiệp nhưng đa số đều nói điểm thi và khối thi để chọn nghề. Phụ huynh không quan tâm nghề đó có phù hợp với con mình không. Chọn nghề cần dựa vào tiêu chí: Nghề con giỏi, nghề đúng đam mê, phù hợp điều kiện gia đình, nghề đúng sứ mệnh, xã hội cần và kiếm được tiền", Chuyên gia Đào Ngọc Cường nói. 

Theo kế hoạch tuyển sinh, từ 8h ngày 10/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GDĐT. Thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Khi đã xếp theo thứ tự ưu tiên, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể. Những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GDĐT để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng. Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành, trường đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem