Đa dạng vị trí việc làm của sinh viên ngành Luật

Theo Lao Động Thứ bảy, ngày 10/06/2023 08:13 AM (GMT+7)
Học ngành Luật không chỉ trở thành luật sư, làm việc tại tòa án, mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp khác cho sinh viên. Tuy nhiên, để lựa chọn việc làm đúng đắn khi theo ngành học này, sinh viên cũng cần trang bị kiến thức, kỹ năng nhất định.
Bình luận 0

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, từ năm 2017 đến năm 2020, tính riêng các chức danh tư pháp, Việt Nam cần tới hơn 20.000 nhân sự, trong đó cần thêm 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2000 công chứng viên, 3000 chấp hành viên và hàng trăm thẩm tra viên. Những năm sau, nhu cầu nhân sự trong ngành Luật sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Hiện nay, có rất nhiều trường đại học tại Việt Nam đang cung cấp chương trình đào tạo ngành Luật với kiến thức cơ bản đến chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật như: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Vinh, Đại học Cần Thơ...

Những người làm việc trong lĩnh vực này giúp đảm bảo tính công bằng, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tập thể, tổ chức trong xã hội. Nhờ vào những người làm việc trong ngành Luật mà xã hội mới thực sự công bằng và phát triển.

Anh Đoàn Thành Hưng - công tác tại một văn phòng luật tại Hà Nội cho biết: Học ngành Luật không chỉ trở thành luật sư, làm việc tại tòa án, mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp khác cho sinh viên.

Hiện nay, thay vì trở thành một luật sư, nhiều sinh viên ngành Luật đã đổi hướng sang làm kinh doanh, quản lý nhân sự, chuyên viên tuyển dụng, phóng viên...

Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, Luật Kinh tế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lý kinh tế của nhà nước và trong quá trình sản xuất giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.

Đây là ngành học thừa hưởng nền tảng từ luật học kết hợp với kiến thức trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Với sự phát triển của "làn sóng" Start-up, nhu cầu cấp thiết về đội ngũ pháp chế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng tăng cao. Doanh nghiệp này cần nguồn nhân lực pháp chế am hiểu pháp luật để đảm bảo hoạt động xin giấy phép, giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ, chính sách đầu tư của công ty hoạt động hiệu quả.

Chị Ngọc Khánh (sinh viên năm 2, Trường Đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: Làm pháp chế là lựa chọn tốt hơn so với các vị trí công việc trong ngành, môi trường cũng năng động hơn, thích hợp cho người trẻ.

Đa dạng vị trí việc làm của sinh viên ngành Luật - Ảnh 1.

Ngọc Khánh hiện là sinh viên năm 2, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Tôi vẫn đang tìm hiểu các hướng đi khác sau khi ra trường. Pháp chế doanh nghiệp cũng là một trong những môn học sắp tới, tôi được học tại trường. Nhưng đó chỉ là một môn học với thời lượng ngắn, không đủ để thực hành nghề nghiệp" - nữ sinh tâm sự.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa- Hệ thống luật sư X (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, hiện nay các bạn sinh viên ngành Luật hiện nay có rất nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mức thu nhập của các công việc trong ngành Luật tùy thuộc vào kinh nghiệm, khả năng làm việc của bạn sẽ nhận được mức lương hấp dẫn. Quan trọng là sinh viên cần phải biết chọn đúng môi trường để phát triển ước mơ của mình.

Đa dạng vị trí việc làm của sinh viên ngành Luật - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Hệ thống luật sư X (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra lời khuyên, sinh viên cần xác định tâm thế dành thời gian thực tập, học việc tại các bộ phận pháp chế doanh nghiệp với mức lương thấp, hoặc thậm chí là không có lương để tích lũy kiến thức ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

"Ngoài ra, sinh viên cũng cần trau dồi các kĩ năng về trao đổi, giao tiếp, trải nghiệm khách hàng thông qua các câu lạc bộ và các công việc khác để có trải nghiệm phục vụ cho công việc tương lai." - luật sư Nghĩa tư vấn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem