Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến tồn đọng 3 Chương trình MTQG

D.Hùng Thứ hai, ngày 30/10/2023 14:25 PM (GMT+7)
Sau khi nghe Báo cáo Kết quả giám sát việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG trong phiên thảo luận sáng 30/10, nhiều đại biểu cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để tồn đọng, tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.
Bình luận 0

Phát biểu ý kiến góp ý tại phiên họp, đại biểu Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Đoàn giám sát; cho rằng Báo cáo đã bám sát mục đích, yêu cầu nội dung giám sát…

Đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, Báo cáo đã đánh giá làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể và cá nhân qua đó tham mưu cho Quốc hội ban hành Nghị quyết với nhiều giải pháp thiết thực và khả thi.

Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện 3 chương trình MTQG - Ảnh 1.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian qua còn có nhiều nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được như kỳ vọng. Đáng chú ý là nhiều dự án chậm hoặc chưa được giải ngân. Đại biểu cho rằng, việc chậm giải ngân không chỉ gây lãng phí về tiền bạc mà quan trọng là các mục tiêu, dự án tốt đẹp dành cho người nghèo của Đảng và Nhà nước chưa kịp thời đến với người nghèo.

Nguyên nhân của vấn đề này có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Theo đại biểu, nguyên nhân chính là do việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện quan trọng chưa được kịp thời; vai trò của Ban chỉ đạo chung cho ba chương trình mục tiêu hoạt động chưa thực sự hiệu quả; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết vướng mắc phát sinh chưa chủ động, kịp thời; cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chủ yếu là kiêm nhiệm, còn hạn chế về năng lực tham mưu; tình trạng đùn đẩy để tránh trách nhiệm của bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc liên quan đến thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có giảm nghèo bền vững…

Đại biểu nhấn mạnh, đây là những vấn đề tồn tại cần phải đánh giá, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng như các địa phương cần có giải pháp thực hiện hiệu quả khắc phục trong thời gian tới.

Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện 3 chương trình MTQG - Ảnh 2.

Cùng quan điểm với đại biểu Thuận, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra được những hạn chế, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành. Tuy nhiên, ngoài chỉ cụ thể 3 ngành chủ trì 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự thảo vẫn còn kèm theo cụm từ "các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp ở các địa phương".

Đại biểu cho biết, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc.

Về giải pháp đề ra, đại biểu đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng chỉ tiêu cần hết sức lưu ý để xác định sao cho phù hợp, việc xác định chỉ tiêu là rất quan trọng đối với việc xác định nguồn vốn, dự án và các bước thực hiện tiếp theo.

Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới, cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa, vì có thể nhiều tiêu chí không thể hiên mục tiêu cần đạt, mà lấy phương tiện, cách thức thực hiện làm tiêu chí, dẫn đến rập khuôn, cứng nhắc, kết quả còn hình thức, thiếu thực chất.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được, còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt được chỉ tiêu. Ngoài ra, cần huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia tích cực, chủ động trong xây dựng cộng đồng văn hóa ở khu dân cư mình sinh sống.

Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện 3 chương trình MTQG - Ảnh 4.

Đánh giá cao tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của giám sát tối cao của Quốc hội, đồng thời cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan sớm quan tâm chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay.

Đại biểu Phạm Đình Thanh chỉ rõ, một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia có sự trùng lặp với mục tiêu, nội dung đối tượng thụ hưởng đã gây lúng túng trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn của các chương trình.

Ngoài ra về tỷ lệ nguồn vốn đối ứng thuộc trách nhiệm của địa phương khi thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang tạo áp lực rất lớn đối với các tỉnh nghèo, khó khăn về nguồn thu. Do đó, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị cần được tính toán, điều chỉnh phù hợp hơn nhằm giúp cho các địa phương, nhất là các tỉnh nghèo đủ khả năng thực hiện.

Đại biểu cũng dẫn ra các nội dung trùng lặp giữa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… Do đó, đại biểu đề nghị các nội dung trùng lặp cần phải được tích hợp để chỗ tổ chức thực hiện tại một chương trình cụ thể. Đồng thời, cần có các hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia để giúp cho các địa phương thực hiện thống nhất, hiệu quả.

Đại biểu Phạm Đình Thanh cũng cho biết, nhiều hộ dân ở các xã đạt nông thôn mới nhưng đời sống còn gặp khó khăn, không tiếp tục được hưởng các chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Nếu không sớm có chính sách phù hợp để tiếp tục hỗ trợ thì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện rõ rệt đời sống người dân khó có thể đạt được.

Đại biểu Phạm Đình Thanh cũng nhấn mạnh về năng lực thực thi, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là cấp xã quá trình triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giúp cho hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về lâu dài cần phải có giải pháp căn cơ để xây dựng cho được đội ngũ cán bộ công chức thực sự có năng lực, trách nhiệm, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem