Dân làng đại tướng Đoàn Khuê ở Quảng Trị giảm nghèo, ăn nên làm ra nhờ thứ nước chấm quốc hồn quốc túy

Ngọc Vũ Thứ bảy, ngày 28/10/2023 09:00 AM (GMT+7)
Làng Gia Đẳng – quê hương của Đại tướng Đoàn Khuê là vùng biển bãi ngang xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Người dân nơi đây ngoài đánh bắt thuỷ hải sản còn làm ra thứ nước mắm đặc sản, vang danh khắp đó đây, ăn là ghiền.
Bình luận 0

Từ đòn gánh của mẹ đến thương hiệu nước mắm Gia Đẳng

Làng Gia Đẳng, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị không chỉ nổi tiếng vì đây là nơi chôn nhau cắt rốn của Đại tướng Đoàn Khuê - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, mà còn là làng sản xuất nước mắm đặc sản.

Giờ đây, nước mắm Gia Đẳng khá nổi tiếng trên thị trường. Nhưng ít ai biết, để có được thương hiệu ấy, người làng Gia Đẳng đã phải xây dựng, quảng bá bằng nhiều cách, ròng rã hàng chục năm mới có được.

Người làng đại tướng Đoàn Khuê thoát nghèo nhờ làm thứ nước màu cánh gián, ăn là ghiền - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Xảo cùng kỷ vật là đôi quang gánh từng theo bà rong ruổi hàng chục km mỗi ngày đi bán nước mắm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đến thăm bà Lê Thị Xảo (70 tuổi), có thâm niên hơn 40 năm làm nước mắm Gia Đẳng. Bà Xảo cho biết, học được nghề làm nước mắm từ mẹ chồng. Ngày xưa, giao thông đi lại khó khăn, hàng ngày, từ sớm tinh mơ bà phải gánh nước mắm đi xuyên qua những đồi cát đến chợ thị xã Quảng Trị, vào huyện Hải Lăng để bán. Ngày nào may mắn bà Xảo bán được chục lít, ngày ế thì chỉ đôi ba lít. Sau khi đổi được gạo, sắn, khoai và ít thức ăn, bà Xảo gánh trở về nhà khi trời đã tốt mịt.

Không chỉ bà Xảo, người làng Gia Đẳng ngày xưa đều như vậy. Thương hiệu nước mắm không có trên chai lọ, nhãn mác, mà ở tiếng rao quen thuộc của người quang gánh.

Sau khi con cái lớn khôn, bà Xảo truyền nghề lại cho con trai Đoàn Văn Lương (SN 1984). Năm 2007, anh Lương tốt nghiệp Đại học sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ngành cơ khí chế tạo máy. Sau vài năm làm việc, anh được đề bạt làm giám đốc một nhà máy kim cơ khí ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, mức lương nhiều người mơ ước.

Năm 2014, anh Lương bỏ làm giám đốc ở chốn thị thành, về làng biển với quyết tâm đưa nước mắm quê nhà vươn tầm cao mới. Trước hết, anh muốn nước mắm của gia đình, quê hương Gia Đẳng phải có thương hiệu, đi xa hơn đôi quang gánh ngày xưa của mẹ.

Người làng đại tướng Đoàn Khuê thoát nghèo nhờ làm thứ nước màu cánh gián, ăn là ghiền - Ảnh 2.

Anh Đoàn Văn Lương quá trình muối cá phải đủ thời gian và chú ý đảo trộn mới cho ra nước mắm thơm ngon, đẹp màu. Ảnh: Ngọc Vũ.

Với ý chí đó, anh Lương bỏ số vốn tích góp được gần 1 tỷ đồng cải tạo nhà xưởng, trang bị các hệ thống lọc nước mắm, đóng chai, chưng cất hiện đại… rồi khu vực để chợp mắm, ủ mắm sạch sẽ, ngăn nắp, đảm bảo an toàn vệ sinh và hiệu quả nhất. Nguyên liệu làm nước mắm là các loại cá nục, duội, cá cơm, khuyếc tươi ngon được anh Lương mua từ ngư dân trong xã và các vùng lân cận.

Anh Lương cho biết, không ai bảo ai nhưng từ xưa đến nay, người làng Gia Đẳng rất cẩn thận khi làm nước mắm. Cá tươi sau khi mua về phải rửa sạch, để ráo. Khi muối, phải trộn đều cá và muối với tỷ lệ hợp lý, rồi cho vào lu, bể chứa chưng cất. Các loại cá phải muối riêng và mỗi loại cá đều có thời gian chưng cất nhất định.

Như cá cơm phải có thời gian muối ít nhất 8 tháng, cá nục và cá duội thì thời gian muối tối thiểu phải từ 12 tháng. Đặc biệt, quá trình chưng cất phải thường xuyên đảo trộn, đảm bảo nước mắm thành phẩm thơm ngon. Theo anh Lương, nước mắm khi chưng cất đủ thời gian sẽ có màu vàng cánh gián, trong trẻo, không vẩn đục.

Làm ra nước mắm ngon, anh Lương tiếp tục hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết. Năm 2012, cơ sở sản xuất nước mắm Hải Long, sản xuất nước mắm mang thương hiệu Gia Đẳng của anh Lương chính thức ra đời.

Thuyết phục khách hàng bằng chất lượng

Được chứng nhận, có nhãn mác đã khó, để người tiêu dùng chấp nhận nước mắm mình làm ra càng không dễ dàng. Anh Lương nhớ lại, suốt 3 năm ròng, anh trở thành "Giám đốc công ty 2 sọt". Bởi lẽ, bất kể nắng mưa, hàng ngày anh đều chở theo mấy chục lít nước mắm trên 2 cái sọt cột sau chiếc xe máy cà tàng. Đến chợ nào anh cũng mang nước mắm đi giới thiệu, bán từng chai một, đến tối mịt mời về nhà.

Người làng đại tướng Đoàn Khuê thoát nghèo nhờ làm thứ nước màu cánh gián, ăn là ghiền - Ảnh 4.

Anh Đoàn Văn Lương sắp xếp nước mắm lên xe tải để giao cho các đại lý, quán tạp hoá. Ảnh: Ngọc Vũ.

"Đời mẹ tôi và những bậc tiền bối trong làng làm ra nước mắm ngon nhưng không đăng ký nhãn mác, thương hiệu, cuốc bộ rồi đạp xe đi bán lẻ từng chợ, từng nhà. Đến đời tôi đã biết đăng ký thương hiệu, lên được chiếc xe máy đi giới thiệu sản phẩm, bước khởi đầu tuy vất vả nhưng niềm tin về sự phát triển chưa bao giờ phai nhạt" – anh Lương chia sẻ.

"Có công mài sắt, có ngày nên kim", từ thuở ban đầu ít người biết, bán được ít sản phẩm. Sau 3 năm chịu khó rao bán khắp đó đây, nước mắm của anh Lương được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận nhờ chất lượng tốt. Từ đó, anh Lương tiếp cận các đại lý, quán tạp hoá để "bỏ sỉ".

Đến nay, sau 11 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu nước mắm Gia Đẳng của anh Lương đã có chỗ đứng. Hơn nữa, sản phẩm nước mắm Gia Đẳng đặc biệt của anh còn được UBND tỉnh Quảng Trị chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020.

Nhờ vậy, mỗi năm anh Lương xuất ra thị trường 50.000 đến 60.000 lít nước mắm, doanh thu 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, anh có lãi từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ.

Người làng đại tướng Đoàn Khuê thoát nghèo nhờ làm thứ nước màu cánh gián, ăn là ghiền - Ảnh 5.

Nước mắm Gia Đẳng có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Ngọc Vũ.

Giờ đây, anh Lương không cần bán lẻ từng chai nước mắm ở chợ, mà mua hẳn xe tải, mỗi lần chở hàng trăm lít nước mắm nhập cho đại lý, cửa hàng, siêu thị. Ngoài ra, các cộng tác viên của anh còn ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá, bán hàng trên mạng…

Cách nhà anh Lương không xa là cơ sở sản xuất nước mắm của bà Lê Thị Gái (SN 1971, thôn Ba Tư, làng Gia Đẳng). Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Gái bồi hồi nhớ lại gần 30 năm về trước, khi bắt đầu nối gót nghề truyền thống của gia đình.

Theo bà Gái, ban đầu phụ nữ trong làng lấy cá của cha, chồng, con em mình đánh bắt ở biển để làm nước mắm, phục vụ trong gia đình và xóm giềng. Nhờ có bí quyết riêng, nước mắm làng Gia Đẳng thơm ngon, màu cánh gián đẹp đắm lòng người. Vì vậy, phụ nữ trong làng quyết định làm nhiều hơn để đem bán. Cũng như bà Xảo, xưa kia bà Gái và nhiều phụ nữ trong làng Gia Đẳng phải quang gánh, rồi đạp xe chở nước mắm rong ruổi hàng chục, thậm chí hàng trăm km, tìm đến từng ngõ ngách, từng nóc nhà để bán. Mỗi ngày, người nào giỏi lắm cũng chỉ bán được chục lít nước mắm, thu nhập ít ỏi không đủ đắp đổi nỗi lo cơm áo.

Người làng đại tướng Đoàn Khuê thoát nghèo nhờ làm thứ nước màu cánh gián, ăn là ghiền - Ảnh 6.

Bà Lê Thị Gái tại cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình mình. Ảnh: Ngọc Vũ.

Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, giao thông đi lại thuận tiện, công nghệ thông tin kết nối đầy đủ, bà Gái có nhiều kênh để bán hàng. Mỗi ngày bà Gái bán được khoảng 30 lít nước mắm. Tuy chưa giàu sang nhưng cuộc sống gia đình bà đã thoát nghèo, đủ sức nuôi 4 người con ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định.

Bà Gái chia sẻ, từ xưa đến nay, người làng Gia Đẳng luôn đặt cái tâm lên hàng đầu khi làm nước mắm. Không pha trộn, nước mắm phải muối đủ thời gian, đảm bảo chất lượng mới bán.

"Hôm trước có người vào nhà năn nỉ mua 10 lít nước mắm để làm quà tặng nhưng tôi nhất quyết không bán vì muối chưa đủ ngày. Nước mắm muối chưa đủ ngày, nếu để lâu sẽ đổi màu, khiến người tiêu dùng hiểu nhầm có tạp chất, pha trộn… làm mất thương hiệu. Dân làng Gia Đẳng thuyết phục khách hàng bằng chất lượng nước mắm, nên không thể đánh mất" – bà Gái chia sẻ.

Người làng đại tướng Đoàn Khuê thoát nghèo nhờ làm thứ nước màu cánh gián, ăn là ghiền - Ảnh 7.

Công trình nhà lưu niệm Đại tướng Đoàn Khuê với kinh phí khoảng 6,5 tỷ đồng vừa cơ bản hoàn thành. Dự kiến, công trình được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê 29/10/1923 - 29/10/2023. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Đặng Quang Hải – Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết, hiện nay làng Gia Đẳng có 35 hộ sản xuất nước mắm truyền thống. Trong đó 4 hộ sản xuất lớn, mỗi ngày cho ra thị trường 35-45 lít nước mắm, còn lại các hộ nhỏ mỗi ngày sản xuất từ 10-15 lít nước mắm.

Theo ông Hải, nhờ làm nước mắm mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nước mắm làng Gia Đẳng tuy chưa giám khẳng định là nước mắm ngon nhất Việt Nam, nhưng đã được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, muốn phát triển quy mô, người dân cần quan tâm hơn đến việc đăng ký thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hiện tại, chỉ 1 trong 35 hộ sản xuất nước mắm ở làng Gia Đẳng đăng ký thương hiệu.

"Người tiêu dùng thông thái hiện nay chọn mua sản phẩm có nhãn mác, thương hiệu, xuất xứ rõ ràng. Vì vậy, những sản phẩm không nhãn mác, không thương hiệu sẽ dần thua thiệt, khó đáp ứng yêu cầu của khách hàng, khó vươn ra thị trường lớn. Vì vậy, chính quyền địa phương mong muốn người dân chú trọng đăng ký thương hiệu, tham gia thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để có tên tuổi, được chỉ dẫn địa lý sản phẩm… từ đó đảm bảo lòng tin khách hàng, có cơ hội giúp nước mắm làng Gia Đẳng vươn cao, vươn xa hơn" – ông Hải nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem