Làm thế nào để đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú tại trường tiểu học đông nhất TP.HCM?

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 26/11/2022 13:49 PM (GMT+7)
Với tổng học sinh lên đến gần 5.300 em, số học sinh bán trú gần 2.500 em, công tác bán trú luôn được Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân, TP.HCM) quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Bình luận 0

An toàn bữa ăn bán trú tại trường tiểu học đông nhất thành phố

Trường Tiểu học Ngô Quyền nằm ở khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân (TP.HCM) – nơi có số lượng dân nhập cư đông bậc nhất thành phố, cũng là nơi phải chịu áp lực lớn về sĩ số vì số lượng trường học chưa thể đáp ứng nổi. Năm nay, Trường Tiểu học Ngô Quyền có gần 5.300 học sinh, trong đó, gần 2.500 học sinh đăng ký bán trú, số còn lại không bán trú tại trường và học một buổi.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú tại trường tiểu học đông nhất TP.HCM? - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Ngô Quyền có số lượng học sinh đông nhất tại TP.HCM. Ảnh: NTCC

Với khoảng 2.500 học sinh ăn uống, nghỉ trưa, ăn xế tại trường, công tác bán trú là một hoạt động rất "nặng đô" đối với Trường Tiểu học Ngô Quyền. 

Trao đổi với Dân Việt, thầy Võ Phương Bình - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời điểm ban đầu khi tổ chức bán trú chỉ có khoảng 300 học sinh. Tuy nhiên, số lượng này tăng dần theo từng năm, mỗi năm tăng một ít nên nhà trường vẫn kiểm soát và thực hiện được bài bản. Dù vậy, đây vẫn là hoạt động mà nhà trường phải nỗ lực rất lớn, "không phải đông học sinh thì làm cho xong, mà càng đông càng phải làm đến nơi đến chốn". Trong đó, chất lượng bữa ăn và việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm hàng đầu.

Thầy Bình chia sẻ, nhà trường ký hợp đồng với một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp, nhưng tổ chức chế biến ngay tại trường. Việc này sẽ đảm bảo được các tiêu chí: Suất ăn đến tay học sinh vẫn còn nóng hổi, đảm bảo chất lượng cao nhất; Có thể kiểm soát tốt các khâu nhập nguyên liệu, chế biến nguyên liệu, phân chia thức ăn… từ đơn vị cung ứng. Suất ăn của học sinh có giá 35 ngàn đồng/ngày, trong đó, bữa trưa là 26 ngàn đồng và bữa xế là 9 ngàn đồng.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú tại trường tiểu học đông nhất TP.HCM? - Ảnh 2.

Mỗi ngày, nhà trường chuẩn bị gần 2.500 suất ăn phục vụ bán trú cho học sinh (buổi trưa và xế). Ảnh: Mỹ Quỳnh

"Cứ 5 giờ 30 sáng đều đặn mỗi ngày, nhà trường phân công 3 người gồm 1 cán bộ quản lý, 1 nhân viên y tế và 1 bảo mẫu đến kiểm tra nguyên liệu đầu vào, giám sát quy trình sơ chế, chế biến. Ở phía cổng sau có thêm một bảo vệ kiểm soát giờ ra vào đúng quy định. Sau khi đơn vị cung cấp suất ăn hoàn tất bữa ăn cho học sinh, nhà trường phân công một thành viên ban giám hiệu, 5 bảo mẫu, 1 thanh tra nhân dân, 1 công đoàn và 1 nhân viên y tế ăn thử thức ăn để xem có vừa miệng hay không, có phát sinh vấn đề gì bất thường như dị ứng, đau bụng,… Nếu tất cả đều ổn, nhà trường sẽ lấy thức ăn lưu mẫu rồi chia khẩu phần, đưa lên bàn cho học sinh", thầy Bình cho biết.

Vì số lượng học sinh quá đông nên nhà trường phải xê dịch thời gian ăn của các khối lớp để đảm bảo đủ chỗ cũng như phục vụ tốt nhất. Theo đó, khoảng 10 giờ 40, học sinh lớp 1, 2 được giáo viên hướng dẫn đi rửa tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ rồi di chuyển tới khu vực bàn ăn của lớp đã được sắp xếp để dùng bữa. Sau đó, khoảng 11 giờ 15, học sinh các lớp 3, 4, 5 sẽ vào bàn ăn.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú tại trường tiểu học đông nhất TP.HCM? - Ảnh 3.

Thầy Võ Phương Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền luôn sát sao, hỏi thăm học sinh về bữa ăn bán trú. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Trong thời gian học sinh dùng bữa, 20 bảo mẫu của trường cùng với nhân viên đơn vị cung cấp suất ăn và một số giáo viên sẽ có mặt để hỗ trợ thêm cơm, thêm thức ăn nếu học sinh có nhu cầu. Đồng thời, quan sát, ghi nhận xem có tình trạng bỏ bữa, có dấu hiệu dị ứng… để kịp thời xử lý.

Thầy Bình cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, nhà trường chưa ghi nhận sự cố bất thường nào liên quan đến bữa ăn bán trú. Hầu hết học sinh đều ăn hết suất ăn, thích thú với các món ăn tại trường. Đồng thời, phụ huynh cũng an tâm, tin tưởng tuyệt đối nhà trường.

Xiết chặt tất cả các hoạt động để đảm bảo an toàn tối đa

Bà Phan Thị Dung, nhân viên đơn vị cung cấp suất ăn, quản lý suất ăn bán trú tại Trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết, trong hơn 20 năm làm nghề, bà rút ra được 4 yếu tố quyết định vấn đề an toàn thực phẩm, nguy cơ rủi ro. Bao gồm: Chất lượng thực phẩm; Quy trình làm việc (sơ chế, chế biến, nấu, chia thức ăn…); Cơ sở vật chất (các khu vực sơ chế, chế biến, nấu, chia…) và cuối cùng là yếu tố con người làm việc.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú tại trường tiểu học đông nhất TP.HCM? - Ảnh 5.

Học sinh vui vẻ thưởng thức các món ăn tại trường vào trưa 25/11. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Tại Trường Tiểu học Ngô Quyền, từ 5 giờ sáng đơn vị sẽ giao thực phẩm tới trường cùng với nhân viên (được đào tạo bài bản về an toàn vệ sinh thực phẩm) cùng với sự giám sát, kiểm tra của nhà trường. Sau khi đạt tất cả tiêu chuẩn, đơn vị sẽ đưa vào sơ chế. Từ 7 giờ 30, bếp bắt đầu nổi lửa với các món theo thực đơn gồm cơm, canh, món mặn và đồ xào. Khoảng từ 9 giờ 30 đến 10  giờ bếp sẽ hoàn thành xong món ăn, sau đó 10  - 20 phút sẽ phân chia thức ăn.

Về nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu phải đảm bảo lựa chọn kỹ càng, các đơn vị cung ứng phải nằm trong chuỗi thực phẩm an toàn. Đặc biệt, đơn vị cung cấp suất ăn tại trường thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên đi xét nghiệm, trung bình khoảng 1 hoặc 2 tháng/lần để sàng lọc nguy cơ, đảm bảo an toàn nhất có thể. 

Bên cạnh đó, nhân viên làm việc tại trường được khám sức khỏe định kỳ, được tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm để tiếp thêm kiến thức, giảm thiểu nhất những nguy cơ có thể xảy ra.

Nhà trường và đơn vị cung ứng nỗ lực, xiết chặt các quy trình để đảm bảo bữa ăn bán trú được an toàn tuyệt đối. Thực hiện: Mỹ Quỳnh

Bà Dung cho biết, dù đơn vị đã làm rất tốt, rất khắt khe các quy trình để cung cấp suất ăn cho học sinh, nhưng sau sự cố xảy ra tại một trường tiểu học ở Nha Trang gần đây, đơn vị này vẫn tổ chức các cuộc họp với đối tác, với nhân viên để xiết chặt lại cách quản lý, quy trình thực hiện, con người làm việc… Qua đó, chắc chắn rằng mỗi cá nhân, đơn vị đều phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc chăm sóc, đưa bữa ăn an toàn đến với học sinh. Đặc biệt, không thể để xảy ra sự cố nào liên quan đến thực phẩm.

Theo ghi nhận của Dân Việt, vào khoảng 10 giờ 45 phút, học sinh các lớp được giáo viên, bảo mẫu hướng dẫn ra vệ sinh cá nhân và vào bàn ăn. Bữa trưa ngày 25/11 gồm các món: Cơm, thịt viên sốt cà, rau xào, canh khoai mỡ thịt bằm và tráng miệng bằng rau câu.

Làm thế nào để đảm bảo an toàn bữa ăn bán trú tại trường tiểu học đông nhất TP.HCM? - Ảnh 7.

Việc thực hiện lưu mẫu thức ăn được nhà trường thực hiện đúng yêu cầu về số lượng và nhiệt độ. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Dù rất đông nhưng học sinh đều di chuyển trình tự, vào bàn ngồi nhanh chóng. Bảo mẫu, nhân viên đơn vị cung cấp suất ăn và nhiều giáo viên có mặt tại khu vực ăn trưa để hỗ trợ học sinh. Bé Võ Đình Nguyên, học sinh lớp 5/10 của trường cho biết, bữa trưa nào cũng ăn hết suất cơm của mình, thậm chí nhiều hôm còn xin thêm cơm, canh. Khi được hỏi cơm ở trường có ngon như cơm mẹ nấu ở nhà không, Nguyên và nhiều bạn xung quanh đều trả lời "ngon như mẹ nấu".

Phụ huynh 2 bé Hoàng Phúc, Hoàng Khang (đều học lớp 1/9 Trường Tiểu học Ngô Quyền) cho biết, hàng tuần giáo viên chủ nhiệm đều gửi thực đơn cho phụ huynh biết, đồng thời trên bảng tin và cổng thông tin của trường đều thông báo. Do đó, phụ huynh biết các con được ăn món gì, có đảm bảo dinh dưỡng hay không.

"Các con đi học về tôi vẫn thường hỏi đi học có vui không, ăn có ngon không? Rất vui là các con nói ăn ngon, rất thích đồ ăn ở trường. Đồng thời, phụ huynh cũng rất yên tâm khi ban giám hiệu cùng nhiều thầy cô trong trường ăn thử thức ăn trước khi cho các con sử dụng", phụ huynh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem