Dân khiếu nại, khiếu kiện ở 16 chung cư "nóng", Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói gì?

Bạch Dương Thứ năm, ngày 07/07/2022 14:27 PM (GMT+7)
Tại phiên chất vấn ngày 7/7 trong kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân đã nói về chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030, trong đó có việc tranh chấp chung cư.
Bình luận 0
Dân khiếu nại, khiếu kiện ở 16 chung cư "nóng", Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói gì? - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Nhân

Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, cho biết việc tranh chấp giữa ban quản trị và ban quản lý chung cư với cư dân có dấu hiệu tăng, nhất là năm 2022. Ở đây đang có sự xung đột về lợi ích.

Do đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết giải pháp để quản lý tốt "câu chuyện chung cư", nhất là đảm bảo hài hòa giữa ban quản trị và ban quản lý chung cư, để không tạo "điểm nóng", làm mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân thừa nhận đây là vấn đề "rất nóng" trên địa bàn của thành phố giữa cư dân với ban quản trị, giữa cư dân với chủ đầu tư khi có tranh chấp về hợp đồng; điều kiện sống; chi phí vận hành, bảo trì 2%... Việc này đã dẫn đến khiếu nại khiếu kiện của các cư dân trong các chung cư.

Ông cho biết theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố hiện có 16 chung cư thường xảy ra "điểm nóng" vì hay có khiếu nại khiếu kiện giữa cư dân và chủ đầu tư, ban quản trị.

Để giải quyết vấn đề này, tháng 6/2022, Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch 5272, phối hợp cùng với các quận, huyện, TP.Thủ Đức tổ chức kiểm tra (lực lượng kiểm tra gồm công an, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan) để rà soát tính pháp lý các dự án cũng như việc thực hiện giao kết giữa ban quản trị, ban quản lý, chủ đầu tư.

Theo ông Trần Hoàng Quân, đến ngày 30/7, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM việc này, trong đó có tham mưu biện pháp chế tài xử lý trường hợp cố tình vi phạm. Từ đó, giải quyết căn cơ khiếu nại khiếu kiện cũng như các "điểm nóng" liên quan đến chung cư trên địa bàn.

Về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, ông Trần Hoàng Quân cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, nhà ở TP đạt 20,8m2/người, vượt so với chỉ tiêu đề ra. Diện tích sàn nhà ở vượt 135% so với chỉ tiêu, trong đó nhà ở thương mại đạt 212% chỉ tiêu, nhà ở riêng lẻ đạt 123% chỉ tiêu. Riêng nhà ở xã hội chỉ đạt được 69% chỉ tiêu.

Hơn 10 đại biểu đã chất vấn giám đốc Sở Xây dựng về vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà cho thuê. Trong đó, đại biểu Trần Quang Thắng đặt vấn đề thu hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhà ở xã hội, cho rằng hiện nay có việc nhà đầu tư ngại đầu tư nhà ở xã hội vì thủ tục khó khăn hơn rất nhiều so với nhà ở thương mại.

Đại biểu Lê Xuân Viên phản ánh qua khảo sát, người lao động muốn thuê nhà hơn là mua nhà, hỏi Sở Xây dựng giải pháp để phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà trọ giá trẻ của TP hiện nay. Đại biểu Lê Thị Kim Thúy chỉ ra năm 2016, nhà lưu trú công nhân chỉ đáp ứng 10% nhu cầu, hỏi TP có kế hoạch phát triển nhà ở công nhân đến năm 2025 như thế nào.

Dân khiếu nại, khiếu kiện ở 16 chung cư "nóng", Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói gì? - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia chất vấn sáng 7/7. Ảnh: Thành Nhân

Trả lời chất vấn, ông Trần Hoàng Quân cho biết TP đặt chỉ tiêu nhiệm kỳ này cao gấp 2 lần nhiệm kỳ trước. Lãnh đạo TP đã yêu cầu Sở Xây dựng vận động các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa để đảm bảo nguồn xã hội hóa phát triển nhà ở xã hội.

Hiện nay, qua rà soát TP có khoảng 33 dự án với 70.000 căn nhà ở xã hội. Việc phải làm ngay là tạo điều kiện để rút ngắn các thủ tục, để doanh nghiệp sớm hoàn thành sớm các dự án.

Về nguồn vốn thực hiện, ông Quân cho biết trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, TP xây dựng 15.000 căn nhà ở xã hội. Trong đó, vốn ngân sách chỉ chiếm 6%, còn hầu hết là vốn doanh nghiệp. TP đã chỉ đạo nghiên cứu bố trí nguồn ngân sách để xây dựng nhà ở xã hội để góp phần cùng doanh nghiệp thực hiện.

Bên cạnh đó, qua giám sát, HĐND cũng yêu cầu trích 20% từ nguồn tiền sử dụng đất ở các dự án thương mại dành cho nhà ở xã hội. Việc này cho thấy TP đang quyết liệt thực hiện chương trình phát triển nhà ở trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung cho nhà ở xã hội.

Dân khiếu nại, khiếu kiện ở 16 chung cư "nóng", Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói gì? - Ảnh 4.

Nhà lưu trú công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: P.V

Về vấn đề nhà lưu trú công nhân, năm 2022, Chính phủ có nghị định cho phép TP.HCM sử dụng đất thương mại dịch vụ trong khu chế xuất - khu công nghiệp để xây nhà lưu trú cho công nhân. Ngay trong dịp 30/4, TP đã khởi công một số công trình xây dựng nhà trọ cho công nhân, tiếp đó sẽ có 4 dự án đang làm thủ tục để thực hiện. Thời gian tới, TP có 6 dự án có nhu cầu xây dựng nhà trọ cho công nhân trong các khu chế xuất - khu công nghiệp.

Đối với nhà ở cho thuê, ông Quân cho biết nhà ở xã hội không chỉ dành để bán mà còn phục vụ cho thuê. Chương trình của TP đề xuất có 20% nhà ở xã hội để cho thuê. Các dự án trong khu chế xuất - khu công nghiệp hầu hết để cho thuê.

Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, ông Trần Hoàng Quân cho biết TP đặt mục tiêu phát triển 50 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó nhà ở thương mại là 15,5 triệu m2, nhà ở riêng lẻ là 31,9 triệu m2, nhà ở xã hội 2,5 triệu m2. So với nhiệm kỳ 2016-2020 thì cao hơn 2,3 lần. Dự kiến TP xây dựng 35.000 căn nhà xã hội trong nhiệm kỳ này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem