Bó chổi đót, nghề khó giàu, nhưng ở một nơi của Hậu Giang, dân có việc quanh năm, thu nhập đều

Thúy Vy Thứ sáu, ngày 08/12/2023 09:14 AM (GMT+7)
Những ngày này, cơ sở sản xuất chổi đót Ngọc Tuyền Kinh Cùng (Thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) tất bật bước vào vụ sản xuất chính trong năm. Nghề làm chổi đót không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn giúp đỡ hơn 10 hộ gia đình nơi đây "sống khỏe", vươn lên thoát nghèo.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Hồng Duyên (SN 1974, ấp Hòa Bình, Thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), chủ cơ sở sản xuất chổi đót Ngọc Tuyền Kinh Cùng chia sẻ, bà đã gắn bó với nghề làm chổi đót hơn 10 năm nay và cũng nhờ nghề này, gia đình bà đã trở nên khấm khá hơn, xây dựng được căn nhà khang trang, có điều kiện lo cho con ăn học đến nơi đến chốn.

"Hiện bình quân mỗi tháng, tôi nhập về trên 10 tấn đót ở TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng để gia công. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất được hơn 800 cây chổi, thu lãi 200-300 triệu đồng/năm" - bà Duyên hào hứng nói.

Chổi đót - Ảnh 1.

Mỗi ngày, cơ sở sản xuất được hơn 800 cây chổi, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Duyên thu lãi từ 200-300 triệu đồng/năm. Ảnh: Thúy Vy

Làm ăn có lãi, bà Duyên đã thành lập Hợp tác xã Chổi cỏ Ngọc Tuyền Kinh Cùng. Từ lúc ra mắt, Hợp tác xã đã giúp không ít các chị em phụ nữ ở vùng nông thôn có thêm công việc, cải thiện kinh tế gia đình.

 Bà Duyên thổ lộ: "Sản phẩm chổi đót có chất lượng cao và được bán số lượng lớn trên thị trường. Đồng thời, cơ sở sản xuất Ngọc Tuyền Kinh Cùng đã tạo việc làm cho nhiều hộ nghèo tại địa phương, điều đó cũng là niềm vui lớn của tôi".

Chổi đót - Ảnh 2.

Từ lúc ra mắt, Hợp tác xã Chổi cỏ Ngọc Tuyền Kinh Cùng đã giúp không ít các chị em phụ nữ ở vùng nông thôn có thêm công việc, cải thiện kinh tế gia đình. Ảnh: Thúy Vy

Theo bà Duyên, khoảng cuối năm là nghề làm chổi đót bước vào mùa cao điểm, sản lượng đang tăng cao so với ngày thường bởi phải cung ứng cho thị trường Tết. Giá bán mỗi cây chổi đót dao động 20.000 đến 40.000 đồng tùy loại. Ngoài sản phẩm truyền thống là chổi đót bện mây thì những loại chổi khác như: Chổi đót cán nhựa, chổi đót quấn dây cước, chổi hộp… cũng được tiêu thụ mạnh.

Clip: Hợp tác xã Chổi cỏ Ngọc Tuyền Kinh Cùng tại Hậu Giang tạo công ăn việc làm cho bà con thoát nghèo.

Chổi đót được thương lái đến tận nơi thu mua nên cũng đỡ vất vả. Được biết, chổi đót Ngọc Tuyền Kinh Cùng được xuất bán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, được đông đảo khách hàng tin dùng. Các mối lái, bạn hàng thu mua chổi đót liên tục nên những nhân công ở đây rất an tâm bởi không tồn đọng hàng, không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm. Cũng vì vậy, những lao động càng thêm tâm huyết, gắn bó với nghề.

Chổi đót - Ảnh 3.

Ngoài sản phẩm truyền thống là chổi đót bện mây thì những loại chổi khác như: Chổi đót cán nhựa, chổi đót quấn dây cước, chổi hộp… cũng được tiêu thụ mạnh. Ảnh: Thúy Vy

Chị Phạm Thị Hường (SN 1982, Ấp Phương Quế, xã Phương Bình) đã làm tại đây hơn 2 năm rưỡi, vui vẻ nói: Làm chổi đốt ở đây vui lắm, nhất là mùa gần Tết thị trường tiêu thụ mạnh, các chị em ai cũng luôn chân luôn tay mới đủ hàng. Làm chổi đót ăn theo sản phẩm nên mọi người làm rất cẩn thận. Trung bình mỗi ngày tôi làm được 70-80 cây chổi, thu nhập 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày. Có việc làm quanh năm là "sống khỏe".

Chổi đót - Ảnh 4.

Chị Phạm Thị Hường rất vui vẻ với công việc làm chổi đốt. Bình quân một ngày chị có thể làm từ 70 đến 80 cây chổi thành phẩm. Ảnh: Thúy Vy

Nghề làm chổi tuy không nặng nhọc nhưng làm thủ công nên phải cần mẫn, đều tay ở từng khâu tách đót, bó cổ, làm thân chổi, bắn vít, bện chổi,… mới có được sản phẩm vừa đẹp vừa chất lượng. Công việc dễ học, dễ làm nhưng thường xuyên hít bụi từ đót, vì vậy ai cũng phải đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe".

Chị Phạm Thị Phương (SN 1989, ấp phương Thới A, xã Phương Bình) vừa thoăn thoắt bó từng cây chổi vừa tâm sự : "Trước đây tôi đi làm thuê đủ nghề nhưng thu nhập bấp bênh lắm. Từ khi học nghề và làm việc tại đây, cuộc sống gia đình tôi bớt khó khăn. Hàng ngày tôi làm từ 6 giờ sáng cho đến 4 giờ chiều, đủ sản phẩm là có thể về. Tuy nghề này không đem lại thu nhập cao nhưng giúp tôi thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nuôi con cái ăn học đàng hoàng".

Chổi đót - Ảnh 5.

Từ lúc gắn bó với nghề làm chổi đốt, chị Phạm Thị Phương đã có thêm thu nhập lo cho gia đình. Ảnh: Thúy Vy

Bà Dương Ngọc Trân – Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Kinh Cùng, cho biết : "Nhờ có mô hình làm chổi đót, chị Duyên đã tạo điều kiện cho hơn 10 hộ gia đình có việc làm, vươn lên thoát nghèo nhiều năm liền. Thời gian tới, nếu có thể tiếp cận thêm nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thì Hội Nông dân Thị trấn Kinh Cùng sẽ hỗ trợ chị Duyên nâng cấp kho bãi, thuê nhà xưởng để nâng cao chất lượng sản phẩm chổi đót, tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân trên địa bàn, giúp quê hương ngày càng phát triển".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem