Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang: Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam diễn ra tại TP Vị Thanh

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 06/12/2023 20:01 PM (GMT+7)
Festival Quốc tế ngành lúa gạo lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15/12 tới đây tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, sự kiện lớn này nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia.
Bình luận 0

Chiều 6/12, Tỉnh ủy Hậu Giang đã tổ chức họp báo thông tin về sự kiện Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam.

Festival Quốc tế ngành lúa gạo lần đầu tiên tại Việt Nam sắp diễn ra tại Hậu Giang - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang thông tin về sự kiện Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam. Ảnh: H.G

Tại đây, ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, địa phương sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT và một số bộ ngành khác có liên quan tổ chức Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam.

"Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NNPTNT và 3 bộ nữa cùng với tỉnh Hậu Giang tổ chức. Đây là lần đầu tiên tổ chức Festival Quốc tế ngành lúa gạo tại Việt Nam" - ông Thành nói.

Theo thông cáo báo chí của UBND tỉnh Hậu Giang, Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 15/12 tới đây tại TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.

Tại sự kiện này, theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Từ đó truyền đi thông điệp cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.

Festival Quốc tế ngành lúa gạo lần đầu tiên tại Việt Nam sắp diễn ra tại Hậu Giang - Ảnh 2.

Festival Quốc tế ngành lúa gạo lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15/12 tới đây tại TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: H.X

Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam sẽ gồm hoạt động trưng bày sản phẩm lúa gạo, sản phẩm OCOP, ẩm thực các món ngon từ gạo, giới thiệu các máy móc, thiết bị, bay phục vụ sản xuất lúa...

Bên cạnh đó là triển lãm "Con đường lúa gạo Việt Nam" tại từ đường Trần Hưng Đạo đến kênh Xáng Xà No. Cuối con đường là bản đồ lúa gạo được làm từ gạo đặc sản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với kích thước chiều ngang 3m, cao 9m.

Đặc biệt, Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam sẽ diễn ra các hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi, hợp tác Nam - Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực; hội nghị phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững; hội thảo tình hình lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong thời gian tới; hội thảo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lúa gạo.

Festival Quốc tế ngành lúa gạo Việt Nam được tổ chức tại Hậu Giang nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đưa ra thông điệp với thế giới về một quốc gia có trách nhiệm với nền lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Các hoạt động tại Festival Quốc tế sẽ tạo điều kiện để các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, công nghệ mới, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Từ đó, tạo những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp yêu cầu của xu thế quốc tế.

Theo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đã được phê duyệt, có 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia thực hiện (trừ Bến Tre).

Trong giai đoạn 1 (2024 - 2025), các địa phương sẽ tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), sẽ mở rộng thêm 820.000 ha.

Mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Ngoài ra đề án còn nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Ngoài ra đề án còn nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem