Sản xuất, kinh doanh hoa kiểng tại TP.HCM: Đào tạo chuyên nghiệp từ người trồng cho đến người vận chuyển

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 07/07/2023 10:47 AM (GMT+7)
Để phát huy hiệu quả kinh tế nghề trồng hoa kiểng TP.HCM tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, công tác đào tạo nghề, phát triển đội ngũ nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng.
Bình luận 0

Người làm hoa kiểng TP.HCM cần chuyên nghiệp hơn

Anh Bùi Anh Tin bắt đầu làm nghề kinh doanh cây kiểng ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh từ năm 2010. Sau thời gian nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc và tìm hiểu thị trường, anh chuyển sang tự trồng bonsai và hoa kiểng các loại.

Anh Tin có tổng diện tích sản xuất 5.000 m2, với nhiều loại kiểng tiểu, trung, đại. Sản phẩm của anh được tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận, với doanh thu bình quân 1,5 tỷ đồng/năm.

Tại địa phương, anh Tin thường xuyên tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều chủ vườn kiểng và nhận bao tiêu đầu ra cho các vườn kiểng.

Anh Bùi Anh Tin (trái) sản xuất và kinh doanh cây kiểng xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Ảnh: Trần Khánh

Anh Bùi Anh Tin (trái) sản xuất và kinh doanh cây kiểng tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Ảnh: Trần Khánh

Anh Tin đánh giá hoa kiểng mang lại giá trị cao, phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị ở TP.HCM. Nhưng để nghề trồng hoa kiểng mang lại giá trị cao hơn thì bản thân người làm hoa kiểng phải không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật.

Ông Nguyễn Văn Thọ ở xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) có kinh nghiệm trồng lan từ 2003 đến nay. Hiện ông đang duy trì vườn lan rộng gần 9.000m2, với khoảng 200.000 cây lan. Trong đó, ông Thọ chuyên trồng lan dendro dòng nắng và một số loại dendro màu.

Ông Thọ cũng cho rằng, việc đào tạo, phát triển đội ngũ nguồn nhân lực cho ngành hoa kiểng TP.HCM hết sức quan trọng.

Theo ông, người làm hoa kiểng chuyên nghiệp phải có kiến thức rộng và sâu, cả về kỹ thuật trồng cũng như cách sử dụng các công cụ và máy móc để làm việc hiệu quả.

Người làm hoa kiểng cần phải đảm bảo sản phẩm của mình an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tuân thủ các quy định liên quan đến môi truờng. Và quan trọng nhất là người làm hoa chuyên nghiệp phải có kỹ năng quản lý và kinh doanh để tạo ra lợi nhuận và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Thọ trồng lan ở xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh). Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Văn Thọ trồng lan ở xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh). Ảnh: Trần Khánh

"Vì thế, việc đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực cho nghề trồng hoa kiểng TP.HCM, hình thành đội ngũ những người làm hoa chuyên nghiệp ở vùng nông thôn là rất cần thiết", ông Thọ nói.

Nâng cấp trình độ nhân lực cho toàn chuỗi ngành hoa kiểng TP.HCM

Một trong những nước láng giềng của Việt Nam có ngành trồng hoa kiểng khá phát triển là Thái Lan. TS. Bùi Minh Trí, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, thực tế, Thái Lan đã tạo ra các chương trình đào tạo nghề sâu rộng cho các nông dân, các nhóm nhân viên trong ngành trồng hoa kiểng một cách chuyên nghiệp.

Các chương trình này giúp đào tạo và nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng hoa kiểng, quản lý kinh doanh, quảng bá sản phẩm và các kỹ năng khác liên quan đến ngành trồng hoa kiểng.

Thái Lan cũng đầu tư các trung tâm nghiên cứu và đào tạo, cung cấp các khóa học và chứng chỉ. Những chứng chỉ này giúp các nông dân và nhân viên trong ngành hoa kiểng được xác nhận năng lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các giống hoa kiểng được nhân nuôi bằng kỹ thuật cấy mô ở Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Các giống hoa kiểng được nhân nuôi bằng kỹ thuật cấy mô ở Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Theo TS. Trí, ngành trồng hoa kiểng TP.HCM cần đào tạo 5 nhóm nhân lực chuyên nghiệp. Trước hết là TP.HCM đào tạo đội ngũ các chuyên viên chuyên nghiên cứu và phát triển các giống mới. Những nhân sự này có khả năng định hướng và đưa ra các chiến luợc kỹ thuật phù hợp để phát triển các giống hoa kiểng mới có chất lượng cao.

TP.HCM cần đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật về chăm sóc cây hoa kiểng. Nhóm nhân sự này giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và tăng cao hiệu quả sản xuất hoa kiểng.

TP.HCM cần đào tạo đội ngũ quản trị sản xuất, là những cá nhân có kỹ năng về quản lý sản xuất, quản lý chất luợng, kiểm soát chi phí; và nắm bắt xu hướng thị trường.

Song song đó là đội ngũ nhân viên thị trường để giới thiệu nhanh chóng, rộng rãi sản phẩm tới thị trường. Nhóm nhân sự này có khả năng định vị sản phẩm, tìm kiếm nhóm khách hàng tiềm năng, có khả năng thiết kế chiến lược tiếp thị, giới thiệu sản phẩm và xây dựng phương thức quảng bá sản phẩm hiệu quả.

TP.HCM có thị trường tiêu thụ hoa kiểng rất lớn. Ảnh: Trần Khánh

TP.HCM có thị trường tiêu thụ hoa kiểng rất lớn. Ảnh: Trần Khánh

Hoa kiểng là sản phẩm đặc thù và cần một chế độ vận chuyển, phân phối đặc thù. Cho nên đội ngũ nhân viên vận chuyển hoa kiểng cũng cần đuợc đào tạo để trở thành những nhân viên vận chuyển có trách nhiệm, đảm bảo vận chuyển sản phẩm hiệu quả, an toàn, TS. Trí gợi ý.

Theo Sở NNPTNT, TP.HCM có dân số đông, nhu cầu sử dụng hoa kiểng ngày càng tăng, trung bình khoảng 15%/năm. Nghề trồng hoa kiểng TP.HCM là một ngành kinh tế đầy tiềm năng. Tuy nhiên, việc phát triển ngành hoa kiểng TP.HCM hiện còn gặp một số khó khăn nhất định.

Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành hoa kiểng là một trong những giải pháp quan trọng. Ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của thành phố về tiềm lực khoa học công nghệ, thị trường để nâng cao giá trị sản xuất ngành hoa kiểng, góp phần tăng tổng giá trị ngành nông nghiệp TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem