Đất. Giá đất. Giá nhà. An sinh xã hội

Phạm Quang Vinh Thứ sáu, ngày 23/06/2023 19:16 PM (GMT+7)
Nhiều lần, trong những cuộc nói chuyện quanh bàn trà, tôi hay đùa với bạn bè mình "Đất có ở đó cả triệu năm nay, con người mới có ở đó mấy chục năm nay, thì đất thuộc về người hay người thuộc về đất, mà các ông nói đất của tôi".
Bình luận 0

Tôi nhớ trang nhất báo Tết một năm nào đó hồi cuối những năm 80 thế kỷ trước, với con số 17 được phóng to, năm ấy nước ta lần đầu tiên có sản lượng lương thực hàng năm 17 triệu tấn, tôi nhớ trong bài báo, con số 17 ấy được ví với câu ngạn ngữ "17 bẻ gãy sừng trâu". Con số 17 triệu tấn ấy là rất nhỏ so với con số 48,3 triệu tấn năm 2021, nhưng đã từng là bước tiến quan trọng, trong con đường đưa Việt nam từ một nước thiếu gạo đầu những năm 80, thành nước xuất khẩu gạo năm 1989, và một "cường quốc" xuất khẩu gạo ngày nay. Con đường để từ thiếu đói thành ra ăn no, dư bán ấy, diễn ra trên những thửa ruộng, trên đất đai, điều mà chúng ta đang nói đến mỗi ngày.

Vài chục năm trước, một thanh niên nông thôn, khi có gia đình và muốn "ra riêng", sẽ được gia đình cắt cho khoảnh đất nhỏ ở vườn, hoặc được xã, được hợp tác xã chia cho khoảnh đất để dựng nhà. Chuyện bây giờ tất nhiên không như thế nữa, đất đai ở nông thôn bây giờ cũng được định giá, thậm chí thổi giá theo đất thị thành. Nếu chỉ làm nông, hầu như không thanh niên nông thôn nào có khả năng kiếm được một chỗ để ra riêng, tạo dựng cuộc sống và tương lai độc lập của họ, góp phần cho thịnh vượng chung. 

Câu chuyện không sáng sủa hơn với những thanh niên "thoát ly" ra đô thị, khi cho dù có công việc mang lại thu nhập tốt hơn ở nông thôn, nhưng những điều kiện cơ bản nhất để tạo dựng cuộc sống và tương lai là một nơi ở ổn định gần như luôn là một giấc mơ xa vời. 

Vài năm trước, tôi có cuộc nói chuyện dài với một thanh niên lái taxi ở Đài Bắc, anh ta nói tiếng Anh tốt, và "làm công việc này có thể giúp tôi gặp được nhiều người thú vị và có thể có cơ hội nào đó xuất hiện để thay đổi", ước mơ của cậu chỉ đơn giản là có được một chỗ ở ổn định và từ đó, tìm kiếm công việc mà cậu yêu thích và "tôi có thể làm cả đời". Giá nhà tăng cao ở Đài bắc khiến cậu không thấy tương lai như vậy sáng sủa, làm cho câu chuyện của cậu ấy về tương lai phần nào u ám. 

Cậu ấy là một thanh niên thông minh, hoạt bát, nhưng cái nhìn không sáng sủa của cậu ấy về tương lai làm cho không khí cuộc nói chuyện cũng chùng lại "nhưng chúng tôi vẫn tốt hơn những thanh niên được sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông ngày nay, họ thật sự không thể nhìn thấy cơ hội nào ở đó".

Trong những câu chuyện thảo luận về đất đai, đa số là những tranh luận về giá đất thế nào, về chuyện đền bù cho người đang sử dụng đất cho mục đích này khi chuyển sang mục đích khác. 

Trong những bản tin về các dự án lớn lao ở nhiều địa phương, được nói nhiều nhất là những dự án phát triển bất động sản, xây dựng các khu đô thị để ở. Giá nhà, giá đất đã tăng với tốc độ vượt quá mọi tưởng tượng, khi nói đến làm giàu từ đất, không ai nói về những người sử dụng đất để trồng cấy tạo ra của cải trên đất ấy, mà dường như, chỉ nói về những người mua bán các thửa đất để làm nơi ở. 

Khi nói về sự công bằng trong đền bù đất đai, thường người ta chỉ nhắc đến những người hưởng lợi từ việc có các thửa đất được giao trước đây nay nằm trong các dự án, ít ai nói đến công bằng cho cả một vùng dân cư nơi các dự án ấy hiện diện.

Mấy chục năm trước, một thanh niên thoát ly khỏi nông thôn, làm việc trong một nhà máy, nông trường, trạm trại,…ở thành thị hay nông thôn, thì đều biết rằng, cuộc sống sẽ bắt đầu trong các nhà tập thể của cơ quan. Không chỉ hình thành một lối sống khác, nhiều chia sẻ hơn, thanh niên ấy sẽ không phải lo lắng về nơi ở, chuyên tâm vào làm việc hơn, hiểu quả hẳn sẽ tốt hơn. 

Ngay cạnh chúng ta, các doanh nghiệp sản xuất, công nghiệp,…của Trung quốc cũng vẫn mang theo thói quen ấy, các khu tập thể, ký túc xá cho công nhân, nhân viên luôn là một phần của các dự án sản xuất. 

Singapore khi tách khỏi Malaysia năm 1965, đã trở nên thịnh vượng và phát triển nhờ vào những ý tưởng đột phá, trong đó, việc đảm bảo cung cấp nhà ở cho người dân trong chương trình phát triển nhà ở do Housing Development Board (HDB) phát triển. Chương trình nhà ở của Chính phủ Singapore do HDB thực hiện với hàng triệu căn hộ HDB được bán với giá thấp, được tài trợ từ Quỹ phát triển nhà ở, giúp người dân có thể mua nhà với mức giá bằng khoảng 5 đến 10 năm thu nhập của gia đình. Chương trình phát triển nhà ở của Singapore do HDB thực hiện đã không chỉ giúp gần 100% người Singapore có nhà ở, có tài sản, mà còn giúp người Singapore lạc quan và đóng góp tốt hơn cho phát triển, tạo nên sự thịnh vượng chung của đảo quốc này.

Chính sách nhà ở, đất đai của quốc gia, đặc biệt những quốc gia có mật độ dân số cao như Việt Nam chúng ta cần hướng đến mục tiêu đảm bảo chỗ ở cho đa số dân chúng,  đảm bảo đất đai canh tác đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế. 

Việc các cấp chính quyền quan tâm quá nhiều đến nguồn thu từ đất để đảm bảo các chi tiêu công, quá chú trọng đến nâng giá đất để tăng nguồn thu, quá chú trọng đến xây dựng các khu đô thị,...sẽ không chỉ tạo ra những bất ổn tương lai về nguồn thu ngân sách, mà còn có thể tạo ra những bất ổn khác trong xã hội.

Một xã hội mà người lao động trẻ khi bước vào cuộc đời nhìn thấy tương lai để có một chỗ ở ổn định quá xa vời, sẽ là một xã hội mà nguồn năng lượng tiêu cực bị dồn nén và tích tụ, và một xã hội như thế sẽ khó phát triển và nhiều rủi ro, khó ổn định.

Một chính sách quản trị và phát triển đất đai tốt, chắc chắn sẽ cần hướng đến mục tiêu sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho sự thịnh vượng và ổn định chung của đất nước, của địa phương, thay vì những mục tiêu trước mắt, và đó chắc chắn là điều nhiều người đang mong mỏi.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem