Đề xuất 87 trạm thu phí vào nội đô: Hà Nội sẽ thu được khoảng 300 tỷ/năm

Thế Anh Thứ bảy, ngày 30/10/2021 15:18 PM (GMT+7)
Theo Sở GTVT Hà Nội, dự kiến mức phí 100.000 đồng sẽ có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện và thu về ngân sách hàng năm khoảng 300 tỷ đồng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, theo đề án "thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" của sở GTVT Hà Nội dự kiến, TP.Hà Nội thu đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) được đề nghị từ 25.000 - 60.000 đồng/lượt; xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại được đề xuất mức thu từ 15.000 - 40.000 đồng/lượt.

Thời gian thực hiện thu phí từ 5h00 - 21h00 có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm (giờ cao điểm sáng từ 6h00-9h00, chiều từ 16h00-19h30. Các đối tượng chịu phí giảm ùn tắc giao thông là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào khu vực thu phí.

Thu phí vào nội đô sẽ đưa về ngân sách khoảng 300 tỷ đồng/năm

Ngày 30/10, theo thông tin mới nhất  từ Sở GTVT Hà Nội mà PV Dân Việt có được, hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của TP.Hà Nội chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến vành đai 1, 2, 3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh, vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư.

Thu phí phương tiện vào nội đô: Hà Nội sẽ thu được khoảng 300 tỷ/năm - Ảnh 1.

Các phương tiện lưu thông trên đường Vành đai 3 TP.Hà Nội. Ảnh: Dân Việt

Cùng với đó, các tuyến đường sắt đô thị đều bị chậm tiến độ theo dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, tết tập trung đông người.

Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP.Hà Nội, trong đó có "giải pháp thu phí phương tiện xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông" là hết sức cần thiết.

Về tính pháp lý triển khai thu phí phương tiện vào nội đô, Sở GTVT Hà Nội cho hay, mức phí phương tiện xe cơ giới đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" gọi tắt là: "Phí giảm ùn tắc giao thông".

Đây là một loại phí mới chưa có trong Luật Phí và lệ phí được Quốc hội quy định ngày 28/8/2018, UBND TP.Hà Nội có văn bản số 3977/UBND-ĐT về việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế làm cơ sở thực hiện.

Ngày 16/10/2018, tại văn bản số 10040/VPCP-KTTH Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho TP.Hà Nội lập Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" trình HĐND Thành phố theo quy định.

Tiếp đó, ngày 19/06/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/06/2020, của Quốc hội về "Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội"

Thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/06/2020, ngày 21/10/2021, HĐND TP.Hà Nội có thông báo số 37/TB-NĐND và UBNDTP có văn bản số 3637/UBND-TH ngày 20/10/2021, về việc  chuẩn bị nôi dung trình kỳ họp cuối năm 2021 của HĐND TP giao Sở GTVT xây dựng xây dựng Nghị quyết thông qua Đề án: "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" để trình HĐND Thành phố xem xét thông qua.

Sở GTVT thông tin về mục tiêu thu phí nhằm giảm lưu lượng xe ô tô đi vào góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí.

Cũng theo báo cáo mới nhất, Sở GTVT Hà Nội chính thức đưa ra dự kiến khung mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng.

"Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng sẽ thu về ngân sách hàng năm khoảng 300 tỷ", Sở GTVT Hà Nội dự kiến.

Thu phí phương tiện vào nội đô: Hà Nội sẽ thu được khoảng 300 tỷ/năm - Ảnh 2.

Các phương tiện lưu thông trong nội đô TP.Hà Nội. Ảnh: Dân Việt

Công nghệ thu phí hiện đại

Về điều kiện pháp lý, Sở GTVT Hà Nội xây dựng, hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan làm căn cứ pháp lý để thực hiện việc thu phí như Nghị quyết HĐND  (xác định loại phí; phạm vi thu phí; mức thu phí; chính sách miễn giảm cho các đối tượng phải thu phí).

Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành và HĐND- UBND Thành phố, quy định về quản lý phương tiện giao thông đường bộ.

Ngoài ra, quy định về người đăng ký phương tiện giao thông, có trách nhiệm mở tài khoản và gắn các thiết bị thu phí không dừng; quy định về xử lý truy thu đối với lái xe không nộp phí và quy định về xử lý phạt đối với các đối tượng cố tình không nộp phí. Trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, quản lý và vận hành việc thu phí và người nộp phí cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Về công nghệ thu phí, Sở GTVT nêu rõ, sẽ áp dụng công nghệ số hóa với phương tiện giao thông trên phạm vi cả nước, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về phương tiện giao thông trên toàn quốc gắn với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để có thể thực hiện được thu phí phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội) đảm bảo không ùn tắc giao thông tại khu vực thu phí.

Đảm bảo điều kiện về cơ sở hạ tầng và phương án quản lý thu phí lập dự  án đầu tư xây dựng các trạm thu phí và xây dựng phương án tổ chức quản lý thu, chi và sử dụng nguồn thu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện việc đầu tư xây dựng theo quy định.

Qua đó, sẽ áp dụng công nghệ thu phí hiện đại không dừng kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống Camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí.

Bên cạnh đó, tích hợp được với công nghệ thu phí không dừng, thống nhất với việc thu phí tại các trạm BOT, cầu đường trên địa bàn TP.Hà Nội và phạm vi cả nước, thuận tiện cho người điều khiển phương tiện.

Lộ trình thực hiện, dự kiến HĐND TP. Hà Nội thông qua đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí.

Từ năm 2022 - 2023, Hà Nội sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí. Xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí. Phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí.

Năm 2024, trình HĐND TP.Hà Nội ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP.Hà Nội quyết định trong năm 2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem