Đề xuất tài xế không được chạy đêm quá 3 tiếng: Bộ GTVT nói về cách giám sát, lái xe ý kiến trái chiều

Thế Anh - Khải Phạm Thứ hai, ngày 07/08/2023 18:08 PM (GMT+7)
Đại diện Bộ GTVT cho rằng, để đảm bảo sức khoẻ của tài xế khi lái xe và bảm đảm quyền lợi của người lao động, việc ban hành quy định nêu trên là rất cần thiết.
Bình luận 0

Hạn chế lái xe liên tục là hợp lý

Trong dự thảo luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất quy định cụ thể thời gian lái xe liên tục vào ban đêm và giảm thời gian lái xe trong ngày đối với tài xế điều khiển ô tô kinh doanh vận tải đang nhận được sự quan tâm từ dư luận.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất một ngày, tài xế không được cầm lái quá 8 tiếng, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau, thời gian lái xe liên tục đối với tài xế không quá 3 tiếng, thời gian nghỉ tối thiểu 30 phút.

Đối với tài xế taxi, xe buýt, thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục tối thiểu 5 phút. Các xe khác thời gian nghỉ tối thiểu 15 phút.

Sau khi có đề xuất của Bộ GTVT về thời gian lái xe liên tục không quá 4 giờ và ban đêm không quá 3 giờ, nhiều lái xe đã có những quan điểm khác nhau về việc này.

Đề xuất tài xế không được chạy đêm quá 3 tiếng: Đem lại những lợi ích gì? - Ảnh 1.

Việc giới hạn thời gian lái xe liên tục của lái xe sẽ đem lại nhiều lợi ích. Ảnh: Thành Đạt

Chia sẻ với Dân Việt, anh Phạm Thành Đạt, hiện đang lái xe container cho biết: "Việc hạn chế lái xe liên tục thì có vẻ hợp lý hơn bởi như tôi cũng không lái quá 3-4 giờ liên tục vì mệt mỏi".

"Mỗi khoảng thời gian lái xe, tôi vẫn thường xuyên phải xuống xe giải lao, rửa mặt để tỉnh táo, lấy lại tinh thần. Tuy nhiên, đối với những loại hình vận tải đặc thù như container chở hàng, xe khách đường dài mà cấm lái xe ban đêm quá 3 giờ tôi nghĩ cần phải cân nhắc nhiều hơn", anh Đạt chia sẻ.

Nói về lý do cân nhắc điều chỉnh thời gian cấm lái xe vào ban đêm quá 3 giờ, anh Đạt cho rằng: Mỗi một cung đường và mỗi loại hình vận tải sẽ có đặc thù khác nhau.

Thứ nhất, xe container luôn bị giới hạn tốc độ thấp so với những loại xe con khi đi trên đường nên thường mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành quãng đường tương đương. Do đó, nếu cấm lái xe quá 3 giờ rất khó cho lái xe có thể kịp giao hàng khi mỗi xe thường chỉ có 1 lái và 1 phụ không thể thay nhau.

Thứ hai, do đặc thù container sẽ bị cấm vào trung tâm thành phố theo giờ nên việc lái xe không quá 3 giờ ban đêm thì sẽ gây rất nhiều khó khăn để kịp giao hàng trước giờ cấm.

Thứ ba, lái xe container chủ yếu di chuyển vào ban đêm thay vì ban ngày so với các loại xe gia đình, xe khách cố định. Việc này nhằm tránh tắc đường, nếu việc cấm lái xe quá 3 giờ đi vào thực hiện, nhiều xe container sẽ chuyển sang chạy ban ngày dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc ở các trạm thu phí, cửa ngõ thành phố lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh.

Đảm bảo sức khoẻ và quyền lợi của lái xe

Trong khi đó, anh Phạm Xuân Chính, lái xe khách tuyến Bắc - Nam cho rằng, việc lái xe không quá 4 giờ liên tục và 3 giờ liên tục vào ban đêm cũng có những điểm hợp lý.

"Đối với xe khách Bắc - Nam như tôi, nhà xe cũng phân chia thời gian lái xe thay nhau rất hợp lý và đương nhiên không lái xe quá 4 giờ liên tục", anh Chính cho hay.

Đề xuất tài xế không được chạy đêm quá 3 tiếng: Đem lại những lợi ích gì? - Ảnh 2.

Anh Phạm Xuân Chính, lái xe khách tuyến Bắc - Nam. Ảnh: NVCC

Theo anh Chính, lái xe đường dài luôn có 2 người thay nhau, thường sẽ khoảng 2 - 3 giờ sẽ thay lái hoặc khi đến trạm dừng nghỉ. Xe khách đường dài gần như sẽ không bị ảnh hưởng và điều đó rất quan trọng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trước đây tôi đã chạy container thì thấy cấm lái quá 3 giờ vào ban đêm là khó vì hầu như các xe này chạy hàng đều vào ban đêm để đường vắng.

Liên quan tới việc cấm lái xe ban đêm quá 3 giờ, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết: "Việc quy định lái xe 3 tiếng liên tục vào ban đêm nhằm đảm bảo sức khoẻ của lái xe khi điều khiển phương tiện".

"Trong thời gian qua, có nhiều tài xế vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 tiếng, chạy quá tốc độ... dẫn tới buồn ngủ, không tỉnh táo gây nên tai nạn giao thông đáng tiếc", đại diện Bộ GTVT cho hay.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng: "Để đảm bảo sức khoẻ của tài xế khi lái xe và bảm đảm quyền lợi của người lao động, việc ban hành quy định nêu trên là rất cần thiết phù hợp với Bộ luật Lao động.

Thông tin về việc quản lý tài xế khi lái xe, đại diện Bộ GTVT cho biết thêm: "Hiện nay, các phương tiện kinh doanh vận tải đều được lắp đặt camera giám sát và có định vị GPS. Thiết bị này sẽ giám sát quy định về thời gian lái xe liên tục của tài xế được thực hiện qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình truyền về Cục Đường bộ Việt Nam".

Theo khoản 12 Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP (bổ sung khoản 8 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ) có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, việc lắp thiết bị giám sát hành trình tích hợp camera là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các xe kinh doanh vận tải.

Dữ liệu về thời gian lái xe liên tục của các tài xế sẽ được tổng hợp theo từng tháng, những trường hợp vi phạm quá thời gian lái xe liên tục sẽ được gửi về các sở giao thông vận tải địa phương để làm cơ sở xử lý.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm trực tiếp giám sát thời gian lái xe của các tài xế thông qua thiết bị giám sát hành trình trên xe. Từ đó nhắc nhở, cảnh báo nếu tài xế vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, phương tiện.

Ngoài ra, để hạn chế tai nạn giao thông vào ban đêm, cần lắp đặt đầy đủ hệ thống ánh sáng, cảnh báo trên đường nhằm hỗ trợ quá trình di chuyển, nhận biết đường của tài xế.

Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát vào khung giờ thường xảy ra tai nạn giao thông để nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ của người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem