Di dời khỏi vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, dân xã Nậm Tăm ở Lai Châu ngày càng khấm khá

Tuấn Hùng Chủ nhật, ngày 18/06/2023 14:33 PM (GMT+7)
Rời quê hương nhường đất làm lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, Lai Châu vượt qua vô vàn khó khăn để định canh, định cư...Nhờ nỗ lực vượt khó, quê hương Nậm Tăm giờ khang trang, đường nông thôn trải bê tông, đồng ruộng hoa màu xanh tốt, chuồng trại đầy trâu, bò...
Bình luận 0

Clip: Nông dân xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu chuyển đổi cây, trồng vật nuôi, trong đó các mô hình chăn nuôi gia súc, đại gia súc đang giúp nhiều hộ dân làm giàu.

Nậm Tăm vượt khó

Để có được bản làng trù phú, no ấm như hôm nay, người dân xã Nậm Tăm đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức khi dời quê cũ về vùng đất mới, nhường bản làng xây dựng Thủy điện Sơn La, công trình lớn của quốc gia.

Chúng tôi tìm đến Nậm Tăm vào những ngày giữa tháng 6. Cái nắng như đổ lửa hòa với cái nóng hầm hập cứ bám chặt lấy da thịt đã tạo nên nét đặc trưng cho thời tiết ở Nậm Tăm.

Khu tái định cư của bà con bản Phiêng Lót, Nậm Ngập, bản Pậu... hiện lên với những mái nhà sàn lợp tôn đủ màu sắc, tuy đã nhuốm màu thời gian vẫn kiên cường, vững chãi trước cái gió, cái nắng của vùng thấp huyện Sìn Hồ.

Câu chuyện vượt khó làm giàu của nông dân xã Nậm Tăm ở Lai Châu - Ảnh 2.

Các bản làng tái định cư của xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, Lai Châu hôm nay trù phú, nhà cửa khang trang, đời sống của bà con khá hơn trước rất nhiều. Ảnh: Tuấn Hùng

Vùng quê tái định cư ở Nậm Tăm nay bừng sáng, người dân hăng say lao động, sản xuất. Những ngôi nhà xây khang trang mọc lên từng ngày, ruộng đồng, cây cối xanh tốt. Trâu, bò, dê, gà đầy chuồng…

Vùng quê nghèo với bao khó khăn xưa, nay trở nên trù phú, ấm no. Cách đây hơn chục năm, nhường đất xây dựng lòng hồ thủy điện Sơn La, ở huyện Sìn Hồ của Lai Châu có hơn 24 nghìn hộ dân ở 49 bản thuộc 9 xã trong diện di dời về các điểm tái định cư, trong đó xã Nậm Tăm có 6/15 bản. Rời nơi ở cũ, trong bụng bà con Nậm Tăm còn nhiều nỗi phân vân, bởi về quê hương mới lạ nước, lạ cái, lạ cả cách sống, cách làm...

Lo lắng được nhân lên khi hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông chưa kịp xây dựng, công tác quy hoạch, bố trí nơi ở, ruộng đất canh tác còn nhiều khó khăn… Nhưng rồi mọi trắc trở ấy cũng đi qua.

Kể với chúng tôi về hành trình dời bản làng cũ sang vùng đất mới, nhường đất xây dựng lòng hồ tích nước cho thủy điện Sơn La của bà con ở Nậm Tăm, ông Cà Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, Lai Châu bồi hồi nhớ lại: Khi mới bắt tay vào xây dựng cuộc sống ở vùng quê mới bà con gặp rất nhiều gian khó. Nhưng nhờ sự giúp đỡ, bao bọc của bà con địa phương cũng như sự quan tâm của Nhà nước, mọi khó khăn cũng dần được khắc phục.

Câu chuyện vượt khó làm giàu của nông dân xã Nậm Tăm ở Lai Châu - Ảnh 3.

Những ngày đầu trên vùng quê mới khó khăn là thế, thiếu thốn đủ thứ, nhưng nay khác rồi, ruộng đồng xanh tốt, hóa màu trĩu hạt... Ảnh: Tuấn Hùng

Nhâm nhi chén trà, ông Nguyên cho biết, về nơi ở mới chúng tôi bắt tay vào lo nơi ăn, chốn ở, ổn định sản xuất cho bà con. Có hàng trăm câu chuyện, vui có, buồn có, lo lắng cũng nhiều... Bà con di chuyển về vùng tái định cư đa phần là người dân tộc thiểu số, gắn bó nhiều năm ở quê cũ với nhiều phong tục tập quán lâu đời, khi phải từ bỏ quê hương, mường bản lên nơi ở mới quả là một thách thức lớn.

Để xóa tan nỗi lo lắng trong lòng dân, cán bộ từ tỉnh đến huyện đã về tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách thức làm ăn.

Lên nơi ở mới, cái gì cũng mới, nhà mới, đất mới, phương thức sản xuất mới nên bà con còn rất nhiều bỡ ngỡ. Để có đất làm ruộng bà con phải khai hoang đất mới, mới khai phá nên đất  còn hoang hóa, bạc màu; vì thế cây trồng cũng kém năng suất…

Nhưng "có sức người, sỏi đá cũng thành cơm", đất không phụ lòng người, giờ hồi tưởng lại mới mới thấy hết sự nỗ lực vượt khó của bà con.

Câu chuyện vượt khó làm giàu của nông dân xã Nậm Tăm ở Lai Châu - Ảnh 4.

Người dân Nậm Tăm hôm nay đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi, gieo trồng giống mới cho năng suất, giá trị kinh tế cao, nhờ đó thu nhập tăng lên theo từng năm. Ảnh: Tuấn Hùng

"Nậm Tăm hôm nay no ấm rồi. Từ sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; không chỉ có bản Nập Ngập, Phiêng Lót, bản Pậu… mà hầu hết các bản ở Nậm Tăm đã ấm no hơn, hệ thống điện, trường học, trạm xá, các công trình phúc lợi được xây dựng kiên cố, khang trang, đường bê tông trải sạch đẹp tới tận ngõ… so với trước đây, đời sống của bà con khá hơn rất nhiều", ông Nguyên hồ hởi chia sẻ.

Năm Tăm làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới

Từ một vùng quê nghèo, thiếu thốn đủ thứ, nay Nậm Tăm đã trở thành một trong những xã cán đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Sìn Hồ. Qua câu chuyện với ông Cà Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã, được biết sau nhiều nỗ lực vượt khó, năm 2017 chính quyền và nhân dân xã Nậm Tăm hồi hởi đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhờ nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, văn hóa tình thần của bà con được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm rõ rệt.

Tuy cán đích nông thôn mới nhưng Nậm Tăm còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Để giúp bà con nâng cao thu nhập, những năm gần đây, các cấp chính quyền xã Nậm Tăm đã khuyến khích, động viên nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, bà con có thu nhập ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Câu chuyện vượt khó làm giàu của nông dân xã Nậm Tăm ở Lai Châu - Ảnh 5.

Mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, chăn nuôi bà con nông dân ở xã Nậm Tăm có thu nhập tốt hơn, ổn định, nhờ đó có điều kiện tham gia tích cực cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tuấn Hùng

Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua tổ chức hội nông dân, gia đình chị Quàng Thị Dung ở bản Pá Khôm, xã Nậm Tăm đã chuyển đổi phương thức sản xuất, mô hình kinh tế mới cho thu nhập khá và ổn định, gia đình chị thoát được hộ nghèo.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Dung cho hay, trước đây gia đình chỉ chăn nuôi gà, vịt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhờ được tạo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu năm 2021, tôi đã mạnh dạn vay vốn làm chuồng trại nuôi thêm dê sinh sản.

Sau gần 2 năm chăm sóc, đàn dê của gia đình tôi đã tăng từ 10 lên 30 con, mỗi năm từ bán dê ra thị trường, gia đình tôi có thu nhập thêm hơn 30 triệu đồng. Đưa chúng tôi đi thăm đàn dê, chị Dung cho hay, từ ngày nuôi thêm dê gia đình tôi thoát được hộ nghèo, giờ chỉ lo làm ăn phát triển kinh tế.

Nhờ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế, nhân rộng các mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, thời gian qua, chính quyền xã Nậm Tăm đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Câu chuyện vượt khó làm giàu của nông dân xã Nậm Tăm ở Lai Châu - Ảnh 6.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa là hướng đi được bà con xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, Lai Châu lựa chọn trong phát triển kinh tế. Ảnh: Tuấn Hùng

Ông Cà Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Hiện nay, chính quyền và nhân dân xã đang tích cực phát triển kinh tế gắn với duy trì và hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Xã xác định sẽ tiếp tục khuyến khích nhân dân mở rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất để tăng thu nhập.

Chúng tôi chú trọng thực hiện tốt tiêu chí thu nhập làm tiền đề để hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí khác, từ đó nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho bà con, từng bước xây dựng quê hương Nậm Tăm ngày một tươi đẹp hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem