dd/mm/yyyy

Điện Biên Đông: Người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở hướng làm giàu

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần an sinh xã hội trên địa bàn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đã triển khai chính sách tín dụng, giúp các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2020, sau khi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Lò Thị Xiếm, tổ dân phố 3, thị trấn Điện Biên Đông đã đầu tư đào ao thả cá phát triển kinh tế. Dù mới đầu tư được hơn 2 năm nhưng mô hình nuôi cá thương phẩm của gia đình chị Xiếm đã mang lại lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/năm.

Chị Lò Thị Xiếm cho biết: "Hiện nay, mô hình nuôi cá đã cho thu nhập ổn định. Do đó, trong 1 – 2 năm tới tôi phấn đấu trả hết nợ ngân hàng và mở rộng mô hình nuôi cá thương phẩm phát triển kinh tế gia đình".

Điện Biên Đông: Người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở hướng làm giàu - Ảnh 1.

Được vay từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều nông dân của Điện Biên Đông đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh Vinh Duy.

Anh Lò Văn Phóng, bản Mường Luân 2 (xã Mường Luân) xuất thân từ gia đình nghèo, có nhiều anh chị em. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành thú y, anh trở về địa phương vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp phát triển kinh tế gia đình. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", khởi nghiệp với quy mô nhỏ từ 5 - 10 con lợn thịt, mấy chục con gia cầm, sau nhiều năm chăn nuôi hiệu quả, đến nay anh Phóng đã đầu tư mở rộng, nâng cấp từ mô hình gia trại thành trang trại. Với quy mô trang trại hơn 1.000m2, mỗi năm anh Phóng xuất bán khoảng 3 tấn lợn thịt, cùng hàng nghìn con gia cầm ra thị trường; thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng/năm. Trong quá trình phát triển mô hình kinh tế trang trại, anh Lò Văn Phóng luôn tuân thủ trả tiền lãi, tiền gốc đúng hạn. Sau 3 năm sử dụng vốn vay, anh Phóng đã trả hết nợ ngân hàng và đề xuất nhu cầu tiếp tục vay vốn để phát triển mô hình bền vững hơn. Nhận thấy anh Lò Văn Phóng sử dụng vốn vay hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông đã giải ngân cho anh Phóng vay 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn chính sách ưu đãi, mô hình kinh tế không chỉ giúp gia đình anh Lò Văn Phóng thoát nghèo bền vững mà còn giúp anh trở thành một điển hình phát triển kinh tế, là tấm gương để các hộ dân trên địa bàn học tập.

Anh Lò Văn Phóng cho biết: "Gia đình là hộ nghèo, tốt nghiệp trường chuyên nghiệp về địa phương tôi đang tay trắng, trong hoàn cảnh khó khăn đó, nguồn vốn chính sách ưu đãi là đòn bẩy rất quan trọng giúp tôi và gia đình phát triển mô hình chăn nuôi, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững".

Điện Biên Đông: Người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở hướng làm giàu - Ảnh 2.

Nguồn vốn chính sách xã hội đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn, nhiều hộ tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc - một trong những thế mạnh của huyện Điện Biên Đông. Ảnh Vinh Duy.

Để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời, hàng năm Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện Điện Biên Đông giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn triển khai đến từng thôn, bản; chỉ đạo tổ chức hội, đoàn thể cấp xã phối hợp với trưởng bản, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch. Đồng thời, cử cán bộ phụ trách địa bàn hướng dẫn, giám sát người dân sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt trên 390 tỷ đồng với 252 tổ vay vốn. Nguồn vốn chính sách xã hội đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo học tại các trường chuyên nghiệp và học nghề; giúp hàng nghìn hộ nghèo xây dựng nhà ở; hàng trăm công trình nước sạch vệ sinh được đầu tư xây dựng mới phục vụ đời sống sinh hoạt, nâng cao sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: Hơn 20 năm qua, Phòng giao dịch luôn tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, cá thương phẩm; xuất khẩu lao động… đảm bảo nguồn vốn giải ngân kịp thời và hiệu quả. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và trở thành điển hình trong phát triển sản xuất ở địa phương.

Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên Đông đang triển khai hiệu quả việc cho vay ủy thác với 4 tổ chức gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.

Điện Biên Đông: Người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mở hướng làm giàu - Ảnh 3.

Đến nay tổng dư nợ của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Điện Biên Đồng đã lên đến trên 390 tỷ đồng. Ảnh Vinh Duy.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Điện Biên Đông là một trong những điển hình cho vay ủy thác trên địa bàn tỉnh. Nếu như năm 2003, nguồn vốn nhận ủy thác của các cấp hội trong huyện là 5,194 tỷ đồng với 1.689 hộ vay vốn thì đến nay tổng số vốn nhận ủy thác là trên 90 tỷ đồng cho trên 2.000 hộ vay tại 61 tổ tiết kiệm vay vốn của 14 xã, thị trấn thông qua 17 chương trình cho vay ủy thác. Đồng thời, Hội đã huy động được 908 triệu đồng tiết kiệm từ các thành viên của tổ.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Điện Biên Đông cho biết: Hơn 20 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã phát huy vai trò làm cầu nối chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để thực hiện tốt chương trình ủy thác, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng đến hội viên thông qua sinh hoạt thường kỳ của các chi, tổ, các câu lạc bộ, các hội nghị. Các cấp hội bám sát mục tiêu nhiệm vụ, chương trình công tác hàng năm, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp và nội dung văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác đã ký kết. Nhờ đó, chất lượng tín dụng được nâng lên, các tổ tiết kiệm vay vốn được củng cố kiện toàn, hoạt động đúng quy định và hiệu quả.

Vinh Duy