Dệt may đã có đơn hàng trở lại, doanh nhân 8X ở TP.HCM bật mí cách "vượt bão"

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 29/09/2023 11:19 AM (GMT+7)
Tại nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, hiện đơn hàng đã xuất hiện trở lại, nhưng "miếng bánh ngọt" không phải dành cho tất cả. Trong bối cảnh này, hướng đi của doanh nhân 8X Phạm Quang Anh trong "giông bão" vừa qua đang được nhiều người trong ngành quan tâm.
Bình luận 0

Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty CP Quốc tế Dony (Công ty may mặc Dony), cho hay hiện doanh nghiệp đang thương thảo một đơn hàng, và nếu thuận lợi thì khoảng giữa tháng 10 sẽ ký được đơn hàng đi Trung Đông. Tiếp đến, qua tháng 11, Dony cũng sẽ ký thêm được một đơn hàng đi Mỹ. Tổng giá trị được khoảng 6 container.

"Nhìn chung, nếu suôn sẻ thì doanh nghiệp sẽ có đủ đơn hàng làm đến tháng 2 năm sau", ông Quang Anh nói.

Doanh nghiệp dệt may có đơn hàng trở lại, doanh nhân 8X bật mí cách "vượt bão" - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đang có đơn hàng trở lại trong quý III/2023. Ảnh: Quốc Hải

Doanh nghiệp dệt may có đơn hàng trở lại

Không chỉ Dony, những ngày qua nhiều doanh nghiệp dệt may cũng thông báo  tín hiệu khá tích cực về đơn hàng.

Tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG), trong tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp đạt doanh thu 721 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Tháng trước đó, công ty ghi nhận doanh thu 728 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.

Năm 2023, TNG đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 299 tỷ đồng, đi ngang về doanh thu và tăng 2,5% về lợi nhuận so với mức thực hiện trong năm 2022. Lãnh đạo TNG cho biết đi qua 8 tháng đầu năm, công ty tự tin có thể hoàn thành mục tiêu doanh thu, nhưng có thể chỉ đạt khoảng 77% kế hoạch lợi nhuận, với khoảng 230 tỷ đồng.

Hiện TNG đã nhận đơn hàng cho quý II/2024, sản lượng tăng và công suất cũng tăng. Sức mua của thị trường đang hồi phục tạo động lực cho doanh thu của công ty tăng trưởng, nhưng do đơn giá chưa tăng nên biên lợi nhuận vẫn thấp.

Tại Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM), đến thời điểm này, đã nhận được 90% lượng đơn hàng cho tháng 9, tăng 5% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực sau thời gian dài thiếu hụt đơn hàng.

Trước đó, trong tháng 8/2023, TCM ghi nhận doanh thu 12,84 triệu USD, lợi nhuận sau thuế 774.000 USD, tương đương 66% và 56,7% cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), phần lớn các doanh nghiệp dệt may đang chấp nhận làm các đơn hàng lợi nhuận thấp hơn bình thường, để duy trì sản lượng và giữ chân người lao động.

Chiến lược này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất khi nhu cầu thị trường hồi phục…

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, TCM ghi nhận hơn 91,2 triệu USD doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6 triệu USD, tương đương 71% và 74% cùng kỳ.

Đơn hàng sụt giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi chi phí đầu vào không giảm, khiến kết quả kinh doanh tháng 8 cũng như 8 tháng đầu năm của doanh nghiệp này giảm mạnh.

Báo cáo phân tích gần đây của Công ty Chứng khoán SSI đưa ra nhận định khá tích cực về triển vọng của nhóm doanh nghiệp dệt may xuất khẩu.

Doanh nghiệp dệt may có đơn hàng trở lại, doanh nhân 8X bật mí cách "vượt bão" - Ảnh 3.

Nhìn về triển vọng trung hạn, các doanh nghiệp ngành dệt may được đánh giá khả quan tăng trưởng. Ảnh: Quốc Hải

Theo SSI, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước kỳ vọng các đơn đặt hàng trong quý III/2023 sẽ vẫn tương đương mức quý II/2023, và sau đợt giảm giá mạnh trong các kỳ nghỉ lễ cuối năm 2023, triển vọng doanh thu sẽ được cải thiện.

Nhìn về triển vọng trung hạn, các doanh nghiệp ngành dệt may được đánh giá khả quan tăng trưởng nhờ ba yếu tố: Thứ nhất, nhu cầu thị trường hồi phục; thứ hai là nhóm sản phẩm cắt may chính tăng trưởng. Cuối cùng là việc doanh nghiệp tiếp tục mở rộng công suất.

Doanh nhân 8X bật mí cách "vượt bão"

Là một doanh nghiệp có quy mô nhỏ nhưng Dony thời gian qua vẫn vượt qua khó khăn, khi đơn hàng của ngành dệt may sụt giảm nặng nề.

Theo CEO Công ty CP Quốc tế Dony Phạm Quang Anh, 9 tháng đầu năm, lượng đơn hàng của Dony đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, nhờ thay đổi linh hoạt chính sách bán hàng.

"Do thời điểm cuối năm ngoái, lượng đơn hàng cũng ít nên Dony tập trung dành nhiều thời gian cho các hoạt động cải tiến, tối ưu và phát triển chuỗi cung ứng, để doanh nghiệp có chi phí sản xuất cạnh tranh tốt. Thế nên, từ đầu năm nay, chúng tôi bán hàng giảm bớt lợi nhuận, cộng với việc tối ưu chi phí tốt hơn, nên đưa ra được cho khách hàng với các sản phẩm ở mức giá cạnh tranh. 

Đặc biệt, Dony cũng chú trọng xúc tiến thị trường, nên lượng đơn hàng tăng thêm 20% là không khó lý giải", ông Quang Anh nói.

Doanh nghiệp dệt may có đơn hàng trở lại, doanh nhân 8X bật mí cách "vượt bão" - Ảnh 4.

CEO Công ty CP Quốc tế Dony Phạm Quang Anh. Ảnh: Quốc Hải

Hiện tại, Dony đang đi theo chiến lược không tuyển thêm công nhân, mà tập trung vào việc đào tạo cho nhân viên trở nên xuất sắc hơn.

"Chúng tôi dành rất nhiều nguồn lực đào tạo cho nhân viên xuất sắc hơn, để họ làm việc hiệu quả, năng suất cao hơn. Từ đó, bản thân doanh nghiệp cũng không phải lo quá nhiều nhân sự để thêm gánh nặng chi phí.

Hơn nữa, khi nhân sự được đào tạo tốt hơn, năng suất lao động cao hơn thì doanh nghiệp cũng trả được mức thu nhập tốt hơn cho họ", lãnh đạo BX này chia sẻ.

Giải thích rõ hơn, ông Phạm Quang Anh nói trong kinh doanh, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ như doanh nghiệp của ông rất sợ định phí. Lẽ dĩ nhiên là luôn luôn có hai thứ, gồm định phí và biến phí. Nhưng định phí thì luôn luôn cố định, có nghĩa là dù có đơn hàng hay không thì doanh nghiệp vẫn phải chi, còn biến phí thì có đơn mới phải chi.

"Nhân sự nếu tuyển thêm nhân công sẽ trở thành định phí, không dễ gì mà cứ tuyển vào rồi lại cắt giảm, như thế là không ổn. Cho nên để ổn định và phát triển, nếu đã tuyển thêm nhân sự thì sẽ phải duy trì tăng mức định phí, sẽ khá nguy hiểm nếu không có đơn hàng mà vẫn phải chi. 

Cho nên, khi đơn hàng đang trong giai đoạn khó lường như hiện nay, chúng tôi chuyển mọi thứ thành biến phí, để dễ quản lý. Ví dụ như đơn hàng nhiều thì chúng tôi tăng ca, nếu tăng ca cũng full hết thì sẽ tuyển thêm lao động thời vụ", ông nói.

Tóm lại, giai đoạn này thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên những chi phí thuộc về biến phí theo từng đơn hàng, chứ không để nó trở thành chi phí cố định của doanh nghiệp được.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng khẳng định, đang xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực với ngành dệt may. Gần đây, các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với giai đoạn trước.

Điều này tạo kỳ vọng sản lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong nửa cuối năm sẽ tăng so với nửa đầu năm.

Tuy vậy, VITAS vẫn thận trọng dự báo, xuất khẩu hàng dệt may và nguyên liệu của Việt Nam năm nay đạt trên dưới 40 tỷ USD, giảm khoảng 9 - 10% so với năm 2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem