Độc đáo ngôi nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi có một không hai Ninh Thuận

Đức Cường Thứ sáu, ngày 01/09/2023 20:25 PM (GMT+7)
Nhà thờ giáo xứ Bình Chính ở làng biển thôn Tân An, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) là một ngôi thánh đường được xây dựng hoàn toàn bằng đá. Nơi đây có tượng Đức Mẹ trên núi, là trung tâm hành hương của hàng ngàn giáo dân công giáo khắp vùng Ninh Thuận.
Bình luận 0

Một ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi theo đoàn du khách công giáo hành hương về đồi Đức Mẹ Fatima trên núi Lăng Bà thuộc giáo xứ Bình Chính ở thôn Tân An, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận). 

Có thể nói, giáo xứ Bình Chính cũng là xứ đạo lâu đời ở Ninh Thuận, nơi đây có ngôi nhà thờ được xây dựng bằng đá có một không hai ở Ninh Thuận.

Vì thế mới có câu: "Tân An đất tốt nhiều nghề; Trước sông, sau núi, tứ bề đất đai; Ban ngày chắp bả, xe gai; Tối về đánh lưới, sáng mai có tiền".

Xứ đạo bình yên bên Đầm Nại ở Ninh Thuận

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Nhà thờ giáo xứ Bình Chính ở Ninh Thuận được xây bằng đá. Ảnh: Đức Cường

Từ trung tâm TP Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi di chuyển khoảng 10km qua cầu Ninh Chử rồi rẽ trái 1km là đến nhà thờ giáo xứ Bình Chính sát bên biển Đầm Nại thơ mộng.

Ngôi thánh đường này có lưng tựa núi, mặt hướng ra biển Đầm Nại trong xanh. Nơi đây có khí hậu ôn hòa nên bà con đã phát triển nghề chài lưới, sống đùm bọc lẫn nhau. Ngày thì đánh bả (se chỉ để đan lưới), đêm ra biển đánh cá.

Vừa bước vào khuôn viên nhà thờ, chúng tôi cảm nhận được sự bình yên và kiến trúc uy nghi, trang nghiêm nổi bật của nhà thờ công giáo. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ kiến trúc chính của nhà thờ đều được xây dựng bằng đá.

Cấu trúc tổng thể của nhà thờ làm nổi lên chủ đề "Tình yêu Chúa Ba Ngôi ấp ủ bao bọc giáo dân". Trong đó, mặt nhà thờ là 3 ngọn tháp cao chọc trời như nhắc nhở giáo dân về "Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi". Các tháp này đều có mái uốn cong trên đỉnh để gợi nhớ hình ảnh gà mẹ xoè cánh ấp ủ gà con.

Giống như các nhà thờ công giáo khác, bên trong nhà thờ giáo xứ Bình Chính là nơi quan trọng để tổ chức thánh lễ. Ngoài các băng ghế để phục vụ giáo dân, còn có hình tượng 14 chặng đàng thánh giá gợi nhớ về những giờ phút cuối cùng của Chúa Giêsu trên trần gian.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 3.

Ba ngọn tháp trước chánh điện tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Ảnh: Đức Cường

Theo lược sử, giáo xứ Bình Chính bắt đầu từ một giáo họ người Quảng Bình di cư vào Ninh Thuận năm 1885. Lúc bấy giờ có khoảng 20 gia đình công giáo vào Nam lánh nạn tại vịnh Đầm Nại và hình thành một xóm đạo họ nhánh thuộc giáo xứ Dinh Thủy (ở Tấn Tài, Phan Rang-Tháp Chàm ngày nay).

Đến tháng giêng năm 1924, giáo họ Bình Chính được Đức Giám mục ở Quy Nhơn cất nhắc lên hàng giáo xứ. Từ đây, giáo xứ Bình Chính xây dựng được ngôi nhà thờ nhỏ và vinh dự đón Cha sở tiên khởi là linh mục Phanxico Ban.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 4.

Bên trong nhà thờ đá ở giáo xứ Bình Chính. Ảnh: Đức Cường

Năm 1929, linh mục Phanxico Ban dời đi nên giáo xứ Bình Chính được linh mục Cố Châu (người Pháp tên là Le Darré) và các linh mục ở giáo xứ Dinh Thủy kiêm nhiệm.

Năm 1930, linh mục Cố Châu đã cho xây dựng nhà tu và mời các nữ tu ở Dòng Mến Thánh Giá ở Quy Nhơn về phục vụ giáo xứ. Lúc bấy giờ ngài cũng trở về Pháp để đúc một quả chuông cho giáo xứ Bình Chính. Trên quả chuông có ghi dòng chữ "La Paroisse de Bình Chính en honneur de Saint Pierre, 1933" (nghĩa là giáo xứ Bình Chính kính dâng thánh Phêrô bổn mạng, 1933).

Đến nay quả chuông này vẫn ngân vang hàng ngày trên nóc ngọn tháp cao nhất ở giữa nhà thờ Bình Chính.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 5.

Những viên đá đủ màu sắc được gọt dũa để xây nên ngôi nhà thờ. Ảnh: Đức Cường

Từ tháng 8/1939 đến năm 2010, giáo xứ Bình Chính trải qua 12 đời linh mục quản xứ. Trong đó, có linh mục Trần Ngà (1992-2005), người có công vận động giáo dân xây dựng ngôi thánh đường bằng đá như ngày nay.

Cụ thể, nhà thờ đá giáo xứ Bình Chính được khởi công xây dựng vào tháng 6/2003 đến tháng 3/2005 thì hoàn thành. Nhà thờ có chiều dài gần 60m, rộng: 26,6m. Nền nhà thờ cao 1,5m,  diện tích xây dựng 1.590 mét vuông, diện tích sử dụng là 1.262 mét vuông. Đặc biệt toàn bộ ngôi nhà thờ đều được xây dựng bằng đá, riêng phần mái được đúc bê tông cốt thép, kinh phí xây dựng hơn 5 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, thành viên Hội đồng giáo xứ Bình Chính, toàn bộ đá xây dựng nhà thờ đều được giáo dân đóng góp để xây dựng. "Ai có tiền thì góp tiền, ai không có tiền thì góp phần công sức để xây dựng ngôi nhà thờ khang trang, uy nhi như hôm nay…", ông Dũng cho hay.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 6.

Hành lang lên xuống bên hông nhà thờ cũng làm bằng đá. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo ông Dũng, đá để xây nhà thờ được đục từ núi cách giáo xứ 15-30km, đưa về đẽo gọt công phu. Nhiều viên đá với những màu sắc khác nhau, những kích thước khác nhau được tuyển chọn từ những vùng khác nhau, được gọt dũa tỉ mỉ để xây nên nhà thờ. "Điều này nhắc nhở giáo dân rằng, tuy mỗi người khác nhau về nhiều mặt nhưng được tình yêu Chúa Kitô quy tụ lại và được lời ngài gọt giũa để làm nên một Hội Thánh duy nhất…", ông Dũng nói.

Hiện nay, cha quản xứ giáo xứ Bình Chính là linh mục Trần Minh Kông. Giáo dân từ 20 hộ gia bình ban đầu đã tăng lên gần 10.000 người.

Nhà thờ đá và đồi Đức Mẹ Fatima ở giáo xứ Bình Chính. Thực hiện: Đức Cường

Tượng Đức Mẹ Fatima trên núi

Trong khi tham quan và cầu nguyện cùng giáo dân tại nhà thờ đá, chúng tôi được nghe về tượng Đức Mẹ Fatima trên núi Lăng Bà mà giáo dân quen gọi là đồi Đức Mẹ. Sở dĩ gọi là Đức Mẹ Fatima là để tưởng nhớ sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra tại Fatima ở Bồ Đào Nha vào năm 1917.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 8.

Đồi Đức Mẹ Fatima ở giáo xứ Bình Chính. Ảnh: Đức Cường

Đồi Đức Mẹ được xây dựng lưng chừng núi cách nhà thờ đá chưa đầy 1km. Trên đồi có đặt tượng Đức Mẹ, lưng tựa núi đá, mặt hướng về Đầm Nại yên bình.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, thành viên Hội đồng giáo xứ Bình Chính, ngọn đồi ở núi Lăng Bà xưa kia có lưu truyền câu chuyện về việc Đức Mẹ hiện ra nơi đây. Lúc đó vào khoảng thời Pháp thuộc, người dân nơi đây bị lây bệnh dịch hạch rất nhiều nên đời sống khó khăn.

Lúc bây giờ, một số người lương dân ở bên kia Đầm Nại thường nhìn thấy một phụ nữ mặc áo trắng xóa như Đức Mẹ Maria xuất hiện ở lưng chừng núi Lăng Bà. Người phụ nữ này cầm chổi quét sạch một đàn chuột dưới chân. Sau này, dịch bệnh qua đi thì giáo dân công giáo truyền tai nhau câu chuyện đến tận ngày nay.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 9.

Đồi Đức Mẹ lưng tựa núi, mắt hướng về biển Đầm Nại. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo ông Dũng, tượng Đức Mẹ được đặt lên núi vào năm 1970 thời cha quản xứ Nguyễn Trọng Báu. Trải qua hơn 53 năm lịch sử với nhiều lần mở rộng, đến nay đồi Đức Mẹ Fatima ở giáo xứ Bình Chính ngày càng khang trang.

Tượng Đức Mẹ nằm trên độ cao khoảng gần 100m lưng chừng núi, hai bên được xây bậc thang dẫn thẳng lên. Khuôn viên nơi đây được trang trí đơn sơ nhưng rất hài hòa và uy nghi. Ngoài ra, ở đây có có khuôn viên để thực hiện các nghi lễ công giáo hàng tháng theo năm phụng vụ công giáo.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 10.

Giáo dân khắp nơi đổ về tham dự thánh lễ tại đồi Đức Mẹ Fatima ở Bình Chính. Ảnh: GX. Bình Chính

Mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận

Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay nhà thờ đá nói riêng và đồi Đức Mẹ Fatima giáo xứ Bình Chính nói chung là nơi hành hương của hàng ngàn giáo dân công giáo ở Ninh Thuận và các vùng lân cận.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 11.

Khuôn viên nhà thờ đá đặc biệt ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Nơi đây từng diễn ra những thánh lễ quan trọng do Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và Giám mục Võ Đức Minh giáo phận Nha Trang cử hành với hàng nghìn giáo dân tham dự.

Bà Nguyễn Thị Xanh, giáo dân ở giáo xứ Bình Chính cho hay, hiện nay đồi Đức Mẹ Fatima cũng có thánh lễ vào ngày 13 dương lịch hàng tháng. Trong thánh lễ này sẽ có nhiều linh mục cùng hiệp dâng thánh lễ và giải tội cho hàng ngàn giáo dân khắp nơi về tham dự.

"Vào những ngày lễ trọng có rất đông giáo dân đổ về dự thánh lễ. Trong đó có các xứ đạo ở Ninh Thuận như: Quảng Thuận, Hộ Diêm, Tấn Tài…", bà Xanh cho hay.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 12.

Những con thuyền nhấp nhô giữ biển Đầm Nại, sau là xứ đạo Bình Chính. Ảnh: Đức Cường

Anh Lê Văn Thành ở Xuân Lộc (Đồng Nai) cho hay, định kỳ hàng tháng anh và gia đình thường về Ninh Thuận để tham dự thánh lễ, cầu nguyện và dâng kính Đức Mẹ Fatima.  "Đến đây, tôi cảm thấy lòng nhẹ dịu, mọi trăn trở của cuộc sống như được cởi bỏ. Đến đầy háo hức và về thấy thanh thản, cảm giác như được Đức Mẹ an ủi, chở che…", anh Thành cho hay.

Ngoài hành hương cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima ở giáo xứ Bình Chính, giáo dân và du khách còn được dịp chiêm ngắm cảnh đẹp có một không hai ở Đầm Nại. Đây như điểm du lịch tâm linh thu hút du khách đến với Ninh Thuận.

Đứng trên đài Đức Mẹ, du khách có thể nhìn ngắm trọn vẹn cảnh đẹp ở Đầm Nại bình yên và thơ mộng. Nếu phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ được dịp chiêm ngắm cầu Ninh Chử bắc qua cửa biển, cảnh thuyền cá nhấp nhô ra vào cảng cá Ninh Chử.

Nhà thờ đá bên bờ biển có tượng Đức Mẹ trên núi là mái nhà chung của người công giáo ở Ninh Thuận - Ảnh 13.

Cảnh đẹp nhìn từ đồi Đức Mẹ ra Đầm Nại ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Đặc biệt, nơi đây có khu chợ Nại nổi tiếng ở Ninh Thuận bởi hải sản tươi ngon, giá cả hợp lý để phục vụ du lịch. Thời điểm chiều ta, cảnh người bán và du khách tấp nập, nhộn nhịp cả một vùng ven biển.

Nhà thờ đá và đồi Đức Mẹ Fatima ở giáo xứ Bình Chính nằm sát bên bờ biển Đầm Nại nổi tiếng ở Ninh Thuận.

Đầm Nại có diện tích tự nhiên 1.200 ha, chứa khoảng 24 triệu mét khối nước với 320 loài thủy sản sinh sống. Đây là 1 trong 12 đầm phá quan trọng của Việt Nam.

Đầm Nại mang tính điển hình của đầm phá nhiệt đới khô hạn ven biển giữ vai trò điều hòa ngập lụt, cân bằng nguồn nước ngầm và "lá phổi" làm sạch môi trường sinh thái. Nguồn lợi kinh tế của Đầm Nại nuôi sống trên 4.000 nông hộ với khoảng 30 ngàn dân thuộc thị trấn Khánh Hải, xã Tri Hải, xã Phương Hải, xã Hộ Hải và Tân Hải thuộc huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).

Nhờ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nông dân địa phương thường đầu tư nuôi các loài thủy sản như: tôm, ốc hương, ghẹ, hàu, rong sụn ven đầm với diện tích khoảng 800 ha.

Đến với nơi đây, du khách sẽ được tận hưởng những phút giây yên bình, thanh thản và có thể xả stress sau những ngày làm việc căng thẳng. Về Đầm Nại du khách được hòa mình trong cuộc sống dân dã và có dịp thưởng thức hải sản có một không hai được đánh bắt từ Đầm Nại.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem