Những học sinh U70 của lớp học xóa mù chữ tại làng Chăm Phước Nhơn ở Ninh Thuận

Đức Cường Thứ ba, ngày 22/08/2023 18:30 PM (GMT+7)
Đều đặn các tối thứ Hai, Tư, Sáu, lớp học “vỡ lòng” xóa mù chữ cho đồng bào Chăm ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) lại sáng đèn. Đây là lớp học rất đặc biệt bởi học sinh đa phần đã làm cha, làm mẹ ở làng Chăm Phước Nhơn.
Bình luận 0

Một ngày trung tuần tháng 8/2023, chúng tôi có dịp về làng Chăm Phước Nhơn ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) và được nghe người Chăm nói nhiều về lớp học xóa mù chữ nơi đây. Lớp học này do chính những giáo viên người Chăm đứng lớp tại Trường tiểu học và THCS Mai Thúc Loan ở địa phương.

Đây là lớp học "đặc biệt" bởi học sinh đa phần đều là người lớn tuổi, thấp nhất cũng đã 25 tuổi, cao nhất cũng đã ngoài 60 tuổi. Có người đã làm cha, làm mẹ, là ông bà ở làng Chăm thôn Phước Nhơn. Đối với họ, việc cầm bút dường như khó hơn cầm cuốc làm rẫy, thế nhưng họ vẫn không ngừng cố gắng vì ước mơ biết đọc, biết viết.

Những học sinh người Chăm U70

Khi ánh điện bắt đầu sáng lên cũng là lúc những "học sinh" đặc biệt này cắp sách đến trường. Tiếng í ới của các bà, các mẹ, các anh gọi nhau đi học xôn xao cả làng Chăm Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2 và Phước Nhơn 3.

Những học sinh đặc biệt của lớp học xóa mù chữ ở làng Chăm Phước Nhơn ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Lớp học xóa mù chữ cho người Chăm ở thôn Phước Nhơn, xã Xuân Hải. Ảnh: Đức Cường

Đúng 19 giờ tối, 4 lớp học xóa mù chữ bắt đầu sáng đèn. Những học sinh đặc biệt đưa những bàn tay chai sạn sau giờ ra đồng lại nắn nót từng nét chữ trên tập viết. Tiếng đánh vần, đọc chữ vang lên rộn ràng giữa màn đêm trong xóm vắng.

Là một trong những học viên lớn tuổi nhất lớp nhưng bà Tài Thị Ký (63 tuổi) là học viên tích cực nhất, học cũng nhanh nhất. Sau 3 tháng học, bà Ký đã đọc rõ chữ, viết nắn nót tên mình lên giấy.

Bà Ký cho biết, trước đây vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đi học, không được biết chữ. Mọi việc liên quan đến giấy tờ đều phải nhờ người thân, hàng xóm giúp đỡ. Biết tin có lớp học xóa mù chữ mở tại địa phương bà đã chủ động đăng ký.

"Ngày trước, con mình bệnh phải đưa đi bệnh viện, lúc bác sĩ đưa giấy tờ để ký tên, mình không biết chữ nên rất xấu hổ. Vì vậy, khi nghe tin xã mở lớp học chữ tôi chủ động đăng ký tham gia ngay. Sau hơn 2 tháng học, tôi đã viết được tên để ký giấy tờ, vui không tả được…", bà Ký cười.

Những học sinh đặc biệt của lớp học xóa mù chữ ở làng Chăm Phước Nhơn ở Ninh Thuận - Ảnh 3.

Bà Tài Thị Ký thực hành đánh vần từng chữ tiếng việt tại lớp học. Ảnh: Đức Cường

Cũng say mê học chữ còn có chị Đạo Thị Cúc (50 tuổi) ở thôn Phước Nhơn 2. Chị Cúc cho biết, trước đây gia đình khó khăn nên chị phải ở nhà làm rẫy để nhường cho các em đến trường. Mấy chục năm qua chị Cúc chỉ giao tiếp bằng tiếng dân tộc Chăm. Vì không biết chữ nên rất bất tiện khi ký giấy tờ hay đọc tin nhắn của các con gửi về.

Ngồi chờ chị Cúc ngoài hành lang lớp học, anh Đạo Văn Đổng em ruột chị Cúc cho hay, chị tôi không biết chạy xe máy nên nhờ tôi đưa đón đến lớp, hơn 2 tháng nay chị Cúc chưa bỏ ngày nào…", anh Đổng cười nói. 

"Đó giờ mình có biết chữ đâu, nhờ các thầy, các cô chỉ dạy mà mình đã biết đọc, biết viết tên tuổi mấy đứa con. Cuộc sống giờ tự tin hơn hẳn…", chị Cúc cho hay.

Clip: Lớp học xóa mù chữ cho người Chăm ở Ninh Thuận. Thực hiện: Đức Cường

Mỗi tối đến lớp là một niềm vui

Cô Nguyễn Thị Trang - Hiệu trưởng Trường TH-THCS Mai Thúc Loan ở xã Xuân Hải cho hay, những ngày đầu việc vận động bà con ra lớp gặp nhiều khó khăn. Ban ngày bà con ra đồng, có người thì đi làm thuê nên rất khó đến nhà để vận động.

Những học sinh đặc biệt của lớp học xóa mù chữ ở làng Chăm Phước Nhơn ở Ninh Thuận - Ảnh 5.

Các bà, các mẹ người Chăm say mê học chữ. Ảnh: Đức Cường

"Nhiều người muốn đi học nhưng có tâm lý e ngại. Chúng tôi và cán bộ xã phải làm công tác tư tưởng nhiều lần bà con mới ra lớp…", cô Trang hiệu trưởng cho hay.

Những ngày đầu đến lớp, nhiều bà con vốn đã quen với công việc đồng áng nên tỏ ra rụt rè, ngại học, ngại giao tiếp. Hiểu được tâm lý của bà con, những giáo viên đứng lớp đã tìm mọi cách để chia sẻ, động viên.

"Buổi học của chúng tôi thường bắt đầu bằng những lời hỏi thăm nhau về sức khỏe, về mùa màng và sản xuất nông nghiệp. Có được tâm lý thoải mái thì bà con mới gần gũi hơn, việc dạy và học vì thế cũng hiệu quả hơn…", cô giáo Phú Thị Tốt, giáo viên đứng lớp xóa mù chữ cho hay.

Những học sinh đặc biệt của lớp học xóa mù chữ ở làng Chăm Phước Nhơn ở Ninh Thuận - Ảnh 6.

Cô giáo Phú Thị Tốt phụ trách lớp A, dạy tập đọc cho học viên. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo cô Tốt, trong các buổi học, bà con tiếp thu bài hơi chậm, hay quên. Tuy nhiên, tinh thần và thái độ học tập của bà con rất đáng khen.

"Lớp học kết thúc lúc 20 giờ 30 tối nhưng nhiều khi phải kéo đến 21 giờ vì bà con muốn ở lại học đánh vần. Sự chăm chỉ, ham học ấy đã tiếp thêm động lực để chúng tôi trong từng tiết dạy…", cô Tốt cho hay.

Đọc lưu loát cho chúng tôi nghe đoạn văn ngắn "Bà và Hà" trong bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1, chị Lượng Thị Hội (50 tuổi) học viên lớp xóa mù chữ vui vẻ cho biết, nhờ thầy cô chỉ dạy mà chúng tôi mới biết đến con chữ và đọc viết lưu loạt như hôm nay. 

"Giờ chúng tôi quen rồi, không đi học thấy buồn lắm. Ngoài học chữ chúng tôi còn học được sự quan tâm, chia sẻ từ thầy cô và mọi người. Lớp học như chính gia đình thứ hai của mình vậy…", chị Hội bộc bạch.

Những học sinh đặc biệt của lớp học xóa mù chữ ở làng Chăm Phước Nhơn ở Ninh Thuận - Ảnh 7.

Sau hơn 2 tháng học tập, các học sinh "đặc biệt" đã đọc thông, viết thạo. Ảnh: Đức Cường

Từ niềm vui đến lớp và sự hiệu quả nói trên, lớp học xóa mũ chữ ở trường làng đã lan tỏa khắp xóm làng Chăm Xuân Hải. Số học viên xin học tăng dần từ 45 lên 83 học viên, học tập tại 4 lớp A,B,C, D. Mỗi lớp từ 20 – 23 người do 2 giáo viên người Chăm ở địa phương chỉ dạy.

Nhân rộng lớp học xóa mù chữ cho người Chăm ở Ninh Thuận

Bà Nguyễn Thị Thanh Dịp – Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hải cho biết, dù mới là những lớp xóa mù chữ đầu tiên ở địa phương nhưng đã mang lại những kết quả tích cực. Lớp học đã tạo được sự đồng thuận hưởng ứng của người dân, đặc biệt là đồng bào Chăm trên địa bàn xã.

Những học sinh đặc biệt của lớp học xóa mù chữ ở làng Chăm Phước Nhơn ở Ninh Thuận - Ảnh 8.

Tiếp tục nhân rộng lớp học xóa mù chữ cho người Chăm ở làng An Nhơn cùng xã Xuân Hải. Ảnh: Đức Cường

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Ninh Hải để mở thêm lớp xóa mù chữ cho đồng bào Chăm ở thôn An Nhơn. Qua đó, từng bước thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 19 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào thiểu số và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030..." , bà Dịp cho hay.

Cũng theo bà Dịp, trong thời gian tới, địa phương phấn đấu duy trì và nâng cao chuẩn xoá mù chữ mức ở địa phương. UBND xã cũng đặt mục tiêu hơn 99,5% người trong độ tuổi từ 15 trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Hàng năm công tác phổ cập giáo dục đều duy trì mức độ 3 đối với cấp TH và THCS, xoá mù chữ đạt mức độ 2.

Huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) là địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống. Trong đó, xã Xuân Hải có gần 10.000 người Chăm sống tập trung ở 4 thôn Phước Nhơn 1, Phước Nhơn 2, Phước Nhơn 3 và thôn An Nhơn. Đa số người Chăm nơi đây theo đạo Bà Ni và Islam.

Đời sống người Chăm ở xã Xuân Hải chủ yếu là nông nghiệp. Nơi đây nổi tiếng là vựa lúa lớn nhất ở Ninh Thuận. Trong đó có mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 260 ha, năng suất lúa bình quân đạt 75tạ/ha.

Được sự qua tâm của tỉnh Ninh Thuận thông qua Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào thiểu số, đời sống người Chăm nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Hộ nghèo dân tộc Chăm ở xã Xuân Hải giảm bình quân 0,32%/năm. Đến nay hộ nghèo giảm còn 0,53%, hộ cận nghèo còn 1,03%, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc Chăm xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đạt 56 triệu đồng/năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem