Độc lạ: Nông dân Sài Gòn đem lan hồ điệp lên bán ở xứ hoa Lâm Đồng

Lê Giang Thứ bảy, ngày 07/10/2023 17:33 PM (GMT+7)
Mô hình tổ hợp tác lan Phước Kiển (huyện Nhà Bè) đã tạo phương thức kinh doanh mới, khi đưa lan hồ điệp từ TP.HCM lên bán tại xứ sở hoa Lâm Đồng, nhờ liên kết sản xuất hoa lan hồ điệp với các nhà vườn ở Di Linh.
Bình luận 0

Trồng lan hồ điệp nơi xứ nóng TP.HCM

TP.HCM có nhu cầu tiêu thụ hoa - cây kiểng rất lớn. Trong đó hoa lan rất được ưa chuông, đặc biệt là lan hồ điệp. Đây là loài hoa cao cấp có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao, được nhiều người ưa thích để thưởng ngoạn bởi vẻ đẹp về hình dáng, đa dạng về màu sắc, và đặc biệt là loài lan lâu tàn. Thời gian từ lúc nở đến lúc tàn khoảng 1,5 đến 2 tháng. 

Lan hồ điệp được trưng bày ở khắp mọi nơi từ công sở, cho đến phòng khách gia đình, từ bàn làm việc cho đến gian thờ phụng. Người ta biếu tặng nhau hoa lan như gửi gắm vào đó những tình cảm và thông điệp ý nghĩa mà đôi khi khó diễn bằng lời.

Độc lạ: Nông dân Sài Gòn đem lan hồ điệp lên bán ở xứ hoa Lâm Đồng - Ảnh 1.

Lan hồ điệp rất được ưa chuộng ở TP.HCM. Ảnh: Lê Giang.

Lan hồ điệp ở Sài Gòn đa phần là trồng tại Lâm Đồng, bởi khí và thổ nhưỡng ở đây khá thích hợp với hoa lan. Việc vận chuyển lan hồ điệp thành phẩm vào TP.HCM ít nhiều bị hư gãy, nên giá thành tăng thêm. 

Nhiều năm nghiên cứu thị trường cũng như nắm bắt tâm lý của người yêu hoa lan, anh Nguyễn Công Lập và các cộng sự đã mạnh dạn đầu tư, thực hiện mô hình trồng lan hồ điệp với diện tích 1.000 m2 tại ấp 3 xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. 

Tổ hợp tác hoa lan Phước Kiển thành lập năm 2018, nhằm đáp ứng nhu cầu về lan hồ điệp phục vụ cho người dân thành phố, với ưu điểm là thích nghi với điều kiện khí hậu nóng, và lâu tàn. Đồng thời khai thác được thị trường rộng lớn ngay tại chỗ.

Anh Phạm Hoài Phúc, đại diện tổ hợp tác hoa lan Phước Kiển, cho biết: "Chúng tôi muốn khai thác thị trường TP.HCM, nơi có nhu cầu hoa lan hồ điệp rất lớn. Qua quá trình tìm tòi học hỏi, tham quan thực tế các mô hình trồng lan, chúng tôi nắm bắt được những bí quyết trồng lan ở vùng khí hậu nóng. 

Việc thiết kế vườn là một trong những khâu quan trọng quyết định thành bại trong phát triển vườn hoa lan. Vườn lan phải đảm bảo chắc chắn, kiên cố, có khả năng chống chịu mưa bão".

Độc lạ: Nông dân Sài Gòn đem lan hồ điệp lên bán ở xứ hoa Lâm Đồng - Ảnh 2.

Anh Phạm Hoài Phúc, đại diện tổ hợp tác hoa lan Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM).

Theo anh Phúc, một công nghệ mang ý tưởng thiết kế riêng của tổ hợp tác cho vườn hoa lan, đó là hệ thống 40 quạt gió làm mát đã được cải tiến, công suất nhẹ, tiết kiệm điện năng được lắp đặt khắp vườn. Đi kèm là hệ thống phun sương, chủ yếu tạo độ ẩm cho mặt sàn trong vườn lan vào những ngày nắng nóng. 

Cùng với đó hệ thống bù ẩm nhiệt độ lúc nào cũng giữ nhiệt độ trong nhà màng dưới 30 độ C.

Cây lan thích môi trường ẩm, nhưng người trồng phải đảm bảo giá thể không bị ẩm, dễ khiến phát sinh dịch bệnh. Vì thế, hệ thống tưới, phun phân thuốc hoàn toàn tự động, được lập trình sẵn và điều khiển trên điện thoại di động, đảm bảo hoa lan được tưới nước đầy đủ 2 ngày/lần, đúng thời gian và bổ sung kịp thời khi hoa cần.

Độc lạ: Nông dân Sài Gòn đem lan hồ điệp lên bán ở xứ hoa Lâm Đồng - Ảnh 3.

Nhà màng được thiết kế khoa học với hệ thống bù ẩm nhiệt độ, lúc nào cũng giữ nhiệt độ trong nhà màng dưới 30 độ C. Ảnh: Lê Giang.

Hoa lan tuy được đánh giá dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng lại dễ đổ bệnh khi gặp trời mưa. Tổ hợp tác đầu tư hệ thống nhà bạt dạng kéo, để điều tiết được lượng mưa có khả năng ngấm vào các chậu lan trong vườn. Cách thiết kế này sẽ tránh được hiện tượng úng, thối rễ, tiết giảm đáng kể chi phí phun ngừa sâu bệnh.

Bên cạnh đó, tổ hợp tác đã thực hiện tốt quy trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vào. Khâu chọn và xử lý giá thể để cây sinh trưởng và phát triển tốt không sâu bệnh, nên lan hồ điệp ở đây phát triển khá tốt. 

Anh Phúc cho biết, lan hồ điệp trồng tại TP.HCM phát triển nhanh và có lá to rộng hơn so với vùng khí hậu mát mẻ. Vì thế nhìn cây lan khoẻ khoắn với hình thể đẹp.

Độc lạ: Nông dân Sài Gòn đem lan hồ điệp lên bán ở xứ hoa Lâm Đồng - Ảnh 4.

Diện tích mô hình tổ hợp tác hoa lan Phước Kiển lên 4.000m2 với hơn 120.000 cây lan giống các loại. Ảnh: Lê Giang.

Với những sản phẩm tốt, tổ hợp tác bắt đầu mở rộng vườn, chia thành nhiều giai đoạn với các quy mô khác nhau. Hiện nay diện tích mô hình lên 4.000m2 với hơn 120.000 cây lan giống các loại. Sắp tới, họ mở rộng thành hợp tác xã và phát triển thêm diện tích trồng lan hồ điệp trong nhà kính.

Đưa lan hồ điệp ngược lên bán ở xứ hoa

Theo anh Phúc, các sản phẩm của tổ hợp tác hoa lan Phước Kiển là lan hồ điệp trưởng thành. Theo chu kỳ mỗi đợt, tổ hợp tác sẽ xuất lan lên cho các nhà vườn ở Di Linh (Lâm Đồng). Đây là bước quan trọng để thực hiện biện pháp sốc nhiệt, kích thích cho lan hồ điệp ra hoa rồi vận chuyển về TP.HCM "dưỡng" và phục vụ nhu cầu của khách hàng.

"Việc vận chuyển lên Lâm Đồng để kích hoa là bước quan trọng trong chu trình sản xuất hoa của tổ hợp tác. Tuy nhiên, với số lượng lan hồ điệp thành phẩm của chúng tôi vượt nhu cầu khách hàng hiện tại ở TP.HCM, chúng tôi tiếp tục cung cấp lan thành phẩm cho các nhà vườn ở Lâm Đồng để họ bán cho khách hàng. 

Mặc dù khá lạ với suy nghĩ của mọi người, khi xứ hoa như Lâm Đồng phải nhập hoa từ TP.HCM để phục vụ nhu cầu, nhưng đó là thành công của chúng tôi trong quá trình liên kết sản xuất", anh Phúc chia sẻ.

Độc lạ: Nông dân Sài Gòn đem lan hồ điệp lên bán ở xứ hoa Lâm Đồng - Ảnh 5.

Lan hồ điệp được trồng tại TP.HCM có lá rộng, cây khoẻ khoắn hình thể đẹp. Ảnh: Lê Giang.

Để chuẩn bị cho lượng hoa phục vụ Tết Nguyên đán, từ tháng 7 hàng năm, tổ hợp tác chọn lựa những cây lan có kích thước đồng đều, sinh trưởng tốt để liên kết với các nhà vườn tại Lâm Đồng kích thích xử lý ra hoa sao cho hoa to, phát hoa dài, màu sắc hoa đẹp và bền hơn so với điều kiện trồng tại TP.HCM.

Trung bình mỗi năm, vườn lan tổ hợp tác cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 chậu lan hồ điệp bán cho các đầu mối tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, anh tổ hợp tác dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 chậu, giá bán từ 180.000 đến 200.000 đồng/chậu.

Đây là mô hình mới phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cũng như các sản phẩm chủ lực để góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của TP.HCM. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thành phố tiếp tục theo dõi, đánh giá kết quả và khuyến cáo nhân rộng mô hình nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem