dd/mm/yyyy

Dòng điện “thắp” lên mơ ước nơi xã đảo Thạnh An

Làm du lịch homestay, cơ giới hóa đồng muối… là những chuyện mà vài năm trước tưởng như chỉ có trong mơ với người dân xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM). Nhưng giờ đây, khi điện ra đảo, niềm mơ ước đã thành hiện thực.

Xã đảo Thạnh An hiện vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ 

Trước khi chúng tôi vượt biển để ra với xã đảo Thạnh An, anh Bảy Phong – một “thổ địa” ở Thạnh An vui vẻ nói: “Sau khi đi “phượt” và ngủ kiểu homestay ở trung tâm xã đảo Thạnh An thì đừng quên ra ấp đảo Thiềng Liềng xem diêm dân được điện khí hóa”.

Hồ hởi làm homestay

“Chúng tôi sẽ xây dựng xã đảo Thạnh An thành nơi du lịch sinh thái có hệ động thực vật đa dạng, văn hóa lịch sử phong phú, vừa đảm bảo cân bằng sinh thái về môi trường, vừa hấp dẫn du khách và nâng cao đời sống cho người dân trong vùng…”. Ông Huỳnh Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh An.

Bước xuống chiếc đò máy chở khách, chị Xuân – chủ đò, khi nghe tôi hỏi tình hình khách “phượt” ra xã đảo phấn chấn cho biết: “Từ ngày xã đảo có điện đến nay, khách du lịch ra đông lắm, có tuần cả ngàn người. Tôi chủ yếu đưa khách từ ấp Thiềng Liềng qua Thạnh An, cuối tuần chở thêm khách “phượt” từ Cần Thạnh sang. Khách bao cả đò, chừng chục người, đi lòng vòng đảo, câu cá, ăn uống”.

Vừa rời đò đặt chân lên xã đảo, chúng tôi đã được chị bán bún riêu giới thiệu một lô nhà trọ dọc theo trục đường chính của xã. Mỗi nhà trọ có 5 - 7 phòng nghỉ. Giá phòng lạnh 150.000 – 200.000 đồng/phòng/đêm, còn phòng thường 20.000 – 30.000 đồng/đêm, thậm chí chủ nhà… miễn phí cho khách.

Bà Bạch Thị Nga – chủ 2 khu nhà nghỉ homestay cho biết: Từ 2 năm trước, khi xã đảo hòa điện lưới quốc gia, khách du lịch đến xã đảo tăng dần; người dân ở đây bắt đầu rục rịch sửa sang phòng ốc, nhà cửa làm du lịch homestay đón khách. Thấy dịch vụ cho thuê phòng nghỉ ăn khách, bà Nga cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa sang phòng ốc nhà mình đón khách du lịch. Hiện với 5 phòng lạnh và một số phòng thường, bà Nga không chỉ phục vụ đón khách nghỉ qua đêm, mà còn bán them hải sản cho khách.

Những ngày cuối tuần, giới trẻ đổ xô đi “phượt” ở xã đảo Thạnh An (Cần Giờ, TP.HCM).

Họa sĩ Bá Linh, Hội Nhiếp ảnh TP.HCM chia sẻ, cứ vài ba tuần chị lại ôm dụng cụ ra đảo Thạnh An. Nhiều lần lưu trú tại nhà dân trên xã đảo, chị nhận xét: “Phòng ốc tươm tất, giá cả phải chăng.Tôi thích nhất là sự mến khách của chủ nhà. Họ mộc mạc, đơn sơ và chân tình lắm. Nếu may mắn gặp chủ nhà tốt bụng, họ miễn phí tiền phòng luôn”.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh An, hiện xã đảo này có nhiều điểm du lịch có thể phát triển như: Bãi biển, du lịch các tuyến sông (sông Thêu, Kinh 50, Thiềng Liềng…); các khu di tích khảo cổ (núi đá Giồng Chùa); du lịch tâm linh (thánh thất, chùa chiềng, đình miễu)… cho dân “phượt”. Địa phương đang tập trung khai thác các tiềm năng thế mạnh của du lịch sinh thái để trở thành ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá của xã. Việc này nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch – dịch vụ, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho dân xã đảo.

Điện về diêm dân đỡ cơ cực

Rời trung tâm xã đảo Thạnh An, chúng tôi lại “cưỡi sóng” tiến ra ấp đảo Thiềng Liềng. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An - ông Đặng Hoàng Sơn cho hay, ở ấp Thiềng Liềng bây giờ đã xuất hiện vài đại gia nuôi tôm, sắp tới sẽ có thêm nhiều người tiếp tục đầu tư. Để thoát nghèo, xã đang vận động các hộ tính toán vay vốn sửa sang nhà tham gia làm du lịch cộng đồng. Những hộ đánh bắt hải sản không hiệu quả thì chuyển sang làm dịch vụ đưa đón khách du lịch.

Tuy nhiên, nghề muối vẫn là cái nghề mà đa số người dân trên ấp đảo Thiềng Liềng gắn bó nhiều năm nay. Cũng từ cái nghề này đã sản sinh một số đại gia chân đất.

Ông Nguyễn Văn Đổi (trái) đang thu hoạch muối.

Anh Mười Kỳ (Nguyễn Đức Kỳ) – một diêm dân trên ấp đảo, nghe chúng tôi ghé thăm đã bắt ngay con gà mái tơ giết thịt đãi khách. Bên chén tạc, chén thù, anh kể, từ ngày ấp đảo có điện, dân làm muối cũng thấy khỏe ra.

Theo ông Trần Văn Thanh - Phó Bí thư xã Thạnh An, hiện ấp đảo Thiềng Liềng có hơn 200 hộ. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất muối chiếm gần 80%. Còn lại buôn bán nhỏ, đánh bắt thủy hải sản, làm thuê… “Mặc dù đời sống bà con trên ấp đảo Thiềng Liềng vẫn còn khó khăn, nhưng về mức thu nhập nhìn chung vẫn là ấp có mức thu nhập cao nhất trong các ấp của xã”, ông Thanh đánh giá.

“Một số người thấy làm muối ngày càng khó ăn chạy sang nuôi tôm, nuôi cua nhưng đều thất bại. Trồng rau màu thì cũng chỉ được mấy tháng mùa mưa… Có điện đời sống bà con được cải thiện hơn nhưng nhìn chung kinh tế ấp đảo vẫn còn khó”, anh Mười Kỳ cho hay.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện mấy đại gia chân đất làng muối, anh Mười Kỳ kể ra một loạt, nào là ông Năm Đổi, ông Năm Sỏi có chục ha muối…, hạng 5 - 7ha cũng có vài ba người. Theo anh Mười Kỳ, một ha đất ở đây hiện có giá 600 – 700 triệu, chỉ tính giá trị đất thôi thì có bạc tỉ rồi.

Hơn 40 năm trước, tại ốc đảo gần như cô độc này, ông Năm Đổi (Nguyễn Văn Đổi) cùng cha và người chú mình nhổ từng gốc cốc, gốc mắm… để khai hoang. Sau khi có đất, gia đình ông bắt tay vào làm muối. “Làm muối cực dữ tợn lắm, cha con tui đội nắng quần quật suốt ngày, hết lu rồi cán, rồi đưa nước vào ruộng”, ông Năm kể.

Hiện ông đang làm 10ha muối, thu hoạch gần 100.000 tấn muối/năm. Để trữ muối, ông Năm Đổi cất 4 kho chứa (250 tấn/kho). Ông Năm Đổi cho biết: “Có điện về làm muối đỡ cơ cực hơn, nhưng mấy năm nay muối cứ mất giá liên tục nên diêm dân làm chẳng có ăn”. “Trước đây, làm muối mà chỉ có 1 - 2ha lời lãi mỗi năm chẳng bõ bèn gì. Chính quyền khuyến khích làm muối phải làm diện tích lớn để tăng thu nhập”, ông Năm Đổi cho biết.

Tiếp nối câu chuyện làm muối, anh Mười Kỳ lạc quan: “Giờ làm muối đỡ vất vã rồi, điện khí hóa khâu nào được là làm ngay. Ngày trước khi chưa có điện lấy nước, sang nước… làm muối đều bằng tay, chủ ruộng muối nào trang bị cái mô-tơ là nhất rồi, nên có được hạt muối cơ cực lắm. Giờ diêm dân trên ấp đảo nếu có nhu cầu mắc điện ba pha để sản xuất là có nhân viên điện lực xuống làm ngay”.

Trần Đáng – Hồ Văn