Đồng Nai: Trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Tri Phương

Nha Mẫn Thứ tư, ngày 12/04/2023 16:39 PM (GMT+7)
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) yêu cầu Đồng Nai có phương án bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn các đồ nội thất thờ tự tại Đền thờ Nguyễn Tri Phương trong quá trình thi công trùng tu.
Bình luận 0

Trùng tu tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Nguyễn Tri Phương

Chiều 12/4, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết Bộ VHTT&DL vừa có văn bản gửi tỉnh Đồng Nai về việc thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương tại phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa. Đây là công trình lịch sử - văn hoá đã được xếp loại di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992.              

Đồng Nai: Trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Tri Phương - Ảnh 1.

Đền thờ Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Tuệ Mẫn

Cụ thể, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật trùng tu, tôn tạo di tích Đền thờ Nguyễn Tri Phương gồm các nội dung: tu sửa mái, nền, tường, lan can, bậc cấp, cửa... của tiền điện, chánh điện, nhà khách; tôn tạo sân đường nội bộ. 

Ngoài ra Bộ VHTT&DL cũng lưu ý, cần bảo tồn tối đa các cấu kiện của mái gỗ cũ: giữ nguyên các cấu kiện còn tốt, gia cố, tu bổ cấu kiện gỗ hư hỏng một phần; chỉ thay mới các cấu kiện đã hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá sau hạ giải di tích. Tái sử dụng tối đa ngói âm dương cũ, các chi tiết trang trí nề ngõa có giá trị nghệ thuật. 

Song song đó, Bộ còn yêu cầu việc quét vôi tường và tu sửa tranh vẽ trên các bệ thờ cần nghiên cứu sử dụng màu sắc gốc (dựa trên cơ sở phân tích tại chỗ đối với từng vị trí), tạo sự hài hòa chung trong từng hạng mục và tổng thể di tích. 

Đặc biệt, Bộ VHTT&DL yêu cầu tỉnh Đồng Nai có phương án bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn các đồ nội thất thờ tự (cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án, các đồ thờ...) trong quá trình thi công để sắp xếp lại. Và chỉ đạo các cơ quan liên quan công khai nội dung trùng tu, tôn tạo di tích trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo... 

Đồng Nai: Trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Tri Phương - Ảnh 2.

Bên trong đền thờ Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đền thờ Nguyễn Tri Phương tọa lạc bên hữu ngạn sông Đồng Nai thuộc địa phận phường Bửu Hoà, TP.Biên Hoà (nguyên trước kia là làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên). Tương truyền, vào năm 1861, nhân dân địa phương có thờ cụ Tán lý Định Biên Nguyễn Duy – một tướng tài được triều đình Nguyễn cử vào lo việc chống quân Pháp xâm lược. 

Trong trận đánh giặc Pháp tấn công đồn Chí Hoà, Nguyễn Duy tử trận “thi hài tan nát không phân biệt được, có người nhận ra dấu áo và đai lưng của ông bèn đem về chôn tạm ngoài cửa Đông thành Biên Hoà”. 

Về sau, vua Tự Đức giao cho danh tướng Nguyễn Tri Phương (anh ruột của Nguyễn Duy) đích thân trông coi việc cải táng, đưa quan cữu của Nguyễn Duy về quê Đường Long an táng. Sau khi cải táng, nhân dân Biên Hoà đắp lại chỗ cũ một ngôi mộ để thờ.

Năm 1873, khi danh tướng Nguyễn Tri Phương mất, để tỏ lòng ngưỡng mộ và thương tiếc vị anh hùng đã có công trong việc di dân lập ấp, mở mang lãnh thổ Đàng Trong, cùng với Nguyễn Duy làm vẻ vang thêm trang sử Biên Hoà, nhân dân tạc tượng Nguyễn Tri Phương và thờ ông tại đình. Từ đó, Mỹ Khánh đình được gọi là Đền thờ Nguyễn Tri Phương. Đền thờ Nguyễn Tri Phương được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ công (工) gồm ba phần: tiền đình, chánh điện và nhà khách. Xung quanh đền có hàng rào bảo vệ xây bằng gạch khá vững chắc. 

Đồng Nai: Trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Nguyễn Tri Phương - Ảnh 3.

Một góc bên hông đền thờ. Ảnh: Tuệ Mẫn

Họ tộc Nguyễn Tri tại TP.HCM đã dựng bia khắc ghi công trạng của Nguyễn Tri Phương dựng trước sân đình. Đền có diện tích 500 m2, mái lợp ngói vảy cá. Mặt trước của đền được đắp nổi với dòng chữ: "Mỹ Khánh đình" bằng chữ Hán và hai bên là cặp lý ngư hóa long, nhật nguyệt. 

Trên đỉnh cao của chánh điện trang trí hình lưỡng long tranh châu, hai bên có cặp phụng nghinh bằng gốm men xanh. Ở giữa là các tấm bao lam bằng gỗ được điêu khắc đề tài hoa điểu, tứ linh rất công phu. Các bức liễn và hoành phi khắc chữ Hán, sơn son thếp vàng treo khắp cột và xà ngang theo chiều dài khu chánh điện. 

Trên hương án thờ thần, sự hiện diện của bộ áo mão, tương truyền vua ban cho Nguyễn Tri Phương khi đi kinh lược cùng bộ bát bửu bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng cột chính làm tăng thêm sự trang nghiêm nơi tôn thờ. 

Đền thờ Nguyễn Tri Phương đã được xếp loại di tích lịch sử cấp quốc gia, theo Quyết định số 97/QĐ, ngày 21/1/1992. Đền thờ Nguyễn Tri Phương được nhân dân địa phương và Ban quí tế trông coi gìn giữ. Hàng năm, đền tổ chức Lễ Kỳ yên rất long trọng vào ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Lễ kéo dài trong hai ngày với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem