Đốt điện chữa rạn da, cô gái nhiễm trùng nặng, không thể đi đứng

Bạch Dương Thứ năm, ngày 15/09/2022 17:06 PM (GMT+7)
Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp nhiễm trùng nặng sau khi điều trị rạn da tại một cơ sở spa.
Bình luận 0
Đốt điện chữa rạn da, cô gái nhiễm trùng nặng, không đi đứng được - Ảnh 1.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng sau khi đốt điện trị rạn da. Ảnh: BVCC

Chị T.T.H (24 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị rạn da ở vùng đùi. Được một spa tư vấn chỉ cần điều trị từ 3-6 tháng, cam kết không đau, chi phí 8 triệu đồng, chị H. đã đến spa này để đốt điện trị rạn da. Ngay trong lần đầu thực hiện, chị đã thấy rất đau. 

Mấy ngày sau, các vết đốt bưng mủ, chảy máu, đóng mài dày… gây đau đớn. Chị H. không thể tự đi lại, sinh hoạt mà chỉ nằm một chỗ. Chị H. đã nhiều lần liên hệ cơ sở spa nhưng được hướng dẫn "yên tâm đi, cứ uống kháng sinh, giảm đau" và sau đó không liên lạc được với bên spa này.

Vùng đùi bị đốt điện càng ngày càng đau đớn, chị phải đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng. Bác sĩ CKI. Phạm Ngọc Trâm, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, những vết loét sâu ở 2 bên đùi, đóng mài đen dày, chảy máu và dịch mủ chứng tỏ cơ sở đã can thiệp bằng phương pháp xâm lấn rất sâu vào trong mô, gây ra tình trạng tổn thương da rất sâu.

Các bác sĩ cũng nhận định, cơ sở spa đã chỉ định phương pháp điều trị chưa phù hợp, hoặc không kiểm soát được mức năng lượng khi sử dụng các thiết bị laser, cũng như hướng dẫn chăm sóc sau điều trị chưa tốt.

Hậu quả là dẫn đến loét da, bưng mủ sau đó, có thể diễn tiến thành nhiễm trùng lan rộng toàn thân, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được xử trí và điều trị kịp thời.

Tại Bệnh viện Da liễu TP, chị H. được điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch, kháng viêm, giảm đau và chăm sóc vết thương tại chỗ.

Bác sĩ CKI. Lư Huỳnh Thanh Thảo, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, rạn da là tình trạng xuất hiện những thương tổn da dạng đường, ban đầu màu đỏ, sau đó chuyển trắng.

Nguyên nhân do tình trạng đứt gãy collagen và elastin khiến cho tổ chức da bị phá vỡ, mất đi độ đàn hồi. Rạn da rất phổ biến và có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào.

"Những người tăng cân quá nhanh, béo phì, có vận động quá mức, mang thai, sử dụng những thuốc bôi chứa corticoid trong thời gian dài cũng làm da xuất hiện vết rạn", bác sĩ Thanh Thảo thông tin.

Đốt điện chữa rạn da, cô gái nhiễm trùng nặng, không đi đứng được - Ảnh 3.

Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP. Ảnh: BVCC

Khi điều trị rạn da, các bác sĩ da liễu sẽ căn cứ vào tình trạng vết rạn để chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như laser vi điểm, lăn kim, RF vi điểm… 

Để phòng ngừa rạn da, chị em phụ nữ cần thường xuyên luyện tập thể thao, giúp kiểm soát cân nặng tốt, không tăng cân quá nhanh trong thời gian ngắn. Trong thời kỳ mang thai, đặc biệt giữa thai kỳ, chị em thường xuyên chăm sóc vùng da bụng bằng cách bôi kem giữ ẩm và kiểm soát cân nặng; Tuyệt đối không tự ý bôi các thuốc có chứa corticoid kéo dài.

Ngoài ra, cần cảnh giác khi mua các sản phẩm được quảng cáo là "mỹ phẩm làm trắng" hay kem trộn có chứa corticoid.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem