Chuyên gia lạc quan về thị trường chứng khoán, dự báo "nóng" về lãi suất và tỷ giá

Huyền Anh Thứ tư, ngày 26/07/2023 13:44 PM (GMT+7)
Ngày 26/7, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức đối thoại tháng 7 với chủ đề "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán".
Bình luận 0

Không dựa quá nhiều vào tín dụng, phát triển thị trường chứng khoán giảm áp lực cho thị trường tiền tệ

Phát biểu tại phiên đối thoại, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, năm 2023 kinh tế thế giới suy thoái kỹ thuật, cục bộ. Dự báo của Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng năm 2023 xuống còn 2,1-2,4% (thấp hơn mức tăng 3-3,4% của năm 2022); lạm phát (CPI) đang giảm, từ mức 7,6% năm 2022 xuống còn khoảng 5,5% năm 2023.

Theo ông Lực, 4 rủi ro đối với bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới được nhận diện gồm: Xung đột địa chính trị kéo dài và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; Sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu; Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính – tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mong manh hơn (a rocky recovery).

Dự báo "nóng" cho lãi suất và tỷ giá - Ảnh 1.

Kinh tế Việt Nam 6T/2023 và dự báo cả năm 2023. (Nguồn: VNC BIDV)

Đối với Việt Nam, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, kinh tế thế giới suy thoái, cục bộ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam.

Bên cạnh đó, giải ngân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đầu tư công chưa thể có đột phá. Doanh nghiệp còn nhiều khó khăn (pháp lý, nguồn vốn, nhân sự, chi phí đầu vào và đầu ra/đơn hàng thu hẹp…). Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng vẫn gặp nhiều thách thức; nợ xấu gia tăng; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa.

Trong bối cảnh đó, theo TS Cấn Văn Lực, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam là đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng các đầu tầu kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, cần tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động…

Đồng thời, các cơ quan liên quan cần quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là 4 vướng mắc chính: pháp lý và thực thi công vụ; tài chính (cả tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nghĩa vụ tài chính…); giảm chi phí đầu vào và tìm đầu ra/đơn hàng; giữ chân người lao động.

Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, chú trọng khâu thực thi và tháo gỡ rào cản, gồm cả thể chế phát triển kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.

Nêu quan điểm tại hội thảo, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, trong 3 động lực cho tăng trưởng kinh tế, đầu tư công vẫn còn khó khăn, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân. Trong khi đó, động lực thứ 2 là xuất khẩu mặc dù ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai nhưng tăng trưởng của xuất nhập khẩu giảm nhanh – dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang "co rút" lại và "miếng bánh" GDP giảm. Động lực thứ 3 là tiêu dùng trong nước, theo ông Quang khi đầu tư giảm, xuất nhập khẩu giảm, tổng cung không tạo ra công ăn việc làm, không thể kích thích tiêu dùng dù chúng ta đã thực hiện nhiều chính sách kích thích nội nhu, kích thích tiêu dùng trong nước.

Cũng theo ông Quang, dựa vào tín dụng để thúc đẩy kinh tế không phải là con đường an toàn nhất.

Dẫn số liệu cho biết, ông Quang cho biết, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện đang ở mức 126%, là mức cao nhất trong các nước đang phát triển. Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô, vì vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn vay trung và dài hạn lại rất lớn.

Vì vậy, bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần tập trung phát triển các kênh dẫn vốn an toàn khác như thị trường chứng khoán, cụ thể là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ kỳ vọng, thị trường chứng khoán phát triển để giúp giảm áp lực cho thị trường tiền tệ, giảm bớt gánh nặng cùng hệ thống ngân hàng về vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp.

Dự báo "nóng" cho lãi suất và tỷ giá

Theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất và tỷ giá là những hàn thử biểu có ảnh hưởng tới sự thị trường chứng khoán. Trong môi trường lãi suất hạ nhiệt và tỷ giá ổn định thời gian qua, thị trường chứng khoán đã cải thiện cả về điểm số lẫn thanh khoản. Vn-Index trong phiên giao dịch hôm nay sở hữu sắc xanh tăng điểm và tiến sát ngưỡng 1.200 điểm. Ông Lực bày tỏ lạc quan vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới khi lãi suất được dự báo vẫn còn dư địa giảm. Tuy nhiên, vị này cũng lưu ý lãi suất sẽ không thể giảm sâu bởi khi đó dòng tiền từ kênh tiết kiệm ngân hàng sẽ dịch chuyển sang chứng khoán. Xu hướng này đã diễn ra khá rõ nét trong 2 tháng vừa qua, theo ông Lực.

Nêu dự báo, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khả năng cao sẽ tăng thêm 25 điểm % lãi suất vào phiên họp ngày mai, sau đó đi ngang và dự báo sẽ giảm dần về 5% vào đầu năm 2024 và về mức 3% vào năm 2025. Trong đó, các NHTW Châu Âu cũng được dự báo hạ lãi suất về 3,75% vào cuối năm 2024 và 3% vào năm 2025.

Tại Châu Á, đa số các NHTW đã giảm lãi suất, trong đó Trung Quốc là quốc gia có mức giảm lãi suất mạnh nhất. Việt Nam cũng đang chủ động trong lộ trình của chúng ta. Ông cho rằng, lãi suất điều hành sẽ tiếp tục giảm từ 4,5% xuống 4% vào quý IV/2023 và kỳ vọng giảm về 3,5% trong năm 2024 đầu 2025.

Dự báo "nóng" cho lãi suất và tỷ giá - Ảnh 2.

Toàn cảnh đối thoại.

Còn tỷ giá thì sao?

TS Cấn Văn Lực cho biết, đa số các đồng tiền sẽ tăng giá trở lại. Lý do là vì, gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất vào phiên họp tới đâu, Fed dự báo không tăng lãi suất thêm nữa. Hai là, nền kinh tế Mỹ không được như các năm trước.

Trong bối cảnh đó, ông Lực dự báo VND sẽ chỉ mất giá từ 0 – 0,5% so với USD trong năm 2023. Năm 2024, mức biến động lớn hơn nhưng chỉ dao động từ 0,5% - 1%.

Trong cuộc tọa đàm hôm qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng tiết lộ, điều hành chính sách tiền tệ không phải là đôi đũa thần hay đúng ngay cả khi lãi suất giảm thì cũng chỉ là một công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không thay thế được tất cả những chính sách khác. Nếu quá dựa vào chính sách tiền tệ, trong ngắn hạn có thể giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp nhưng trong trung và dài hạn, có thể chỉ vài năm sẽ bộc lộ bất ổn về nợ xấu, an toàn hệ thống.

Trong thời gian tới, chính sách tiền tệ vẫn nhận thấy trách nhiệm và thể hiện quyết tâm cao nhất đó là vẫn sẽ sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ trong tay mà NHNN có để điều tiết thị trường như vấn đề cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo vấn đề tỷ giá.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nhưng phải hài hòa, không thể chỉ vì những mục tiêu trước mắt mà để lại hậu quả dài hạn. Nhưng quan điểm điều hành chính sách, nếu có điều kiện NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất.

Đối với NHTM sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí để qua đó có điều kiện hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh những chương trình tín dụng chính sách tiêu dùng đặc biệt chính sách an sinh xã hội để giải quyết vấn đề tâm lý thị trường và đời sống, đây là giải pháp rất hiệu quả và thiết thực lúc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem