Những người coi sưu tầm tranh nghệ thuật Việt là cửa gửi tiền đầu tư sinh lời

Liên Trang Thứ hai, ngày 14/08/2023 18:53 PM (GMT+7)
Những nhân vật có thú vui sưu tầm tranh nghệ thuật Việt bày tỏ: “Tranh nghệ thuật Việt mang cả góc độ chuyển động văn hoá, và cũng là khoản đầu tư kinh doanh đáng lưu tâm…”.
Bình luận 0

Giải tỏa cơn khát nghệ thuật từ Covid-19 

Mở đầu câu chuyện với phóng viên Dân Việt, ông David Nguyễn, ngụ quận 3, TP.HCM - nhà sưu tập tranh nghệ thuật Việt với hơn 200 tác phẩm chia sẻ: Khởi đầu cho thú sưu tập tranh nghệ thuật của ông bắt nguồn trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid- 19 hai năm trước. Hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch đã tạo điều kiện cho ông David Nguyễn nhiều thời gian hơn để xem xét nội tâm và khám phá những sở thích mới. 

Ông nói: "Sưu tầm tranh nghệ thuật Việt đã thật sự mê hoặc tôi".

Gặp những nhân vật đặc biệt có “thú vui” sưu tầm tranh nghệ thuật Việt - Ảnh 1.

Ông David Nguyễn - nhà sưu tập với hơn 200 tác phẩm tranh nghệ thuật Việt. Ảnh: Liên Trang

Theo ông David Nguyễn, điều thu hút ông đến với sưu tập tranh nghệ thuật thay vì đầu tư vào một loại tài sản khác đó là do giá trị văn hóa và cảm xúc mà bức tranh mang lại. Không giống như một số hình thức đầu tư khác, sưu tập tranh nghệ thuật mang đến cho ông David Nguyễn những kết nối hữu hình và có tính cá nhân.

"Mỗi tác phẩm tranh nghệ thuật kể một câu chuyện và chứa đựng ý nghĩa tình cảm. Ngoài ra, việc hỗ trợ các nghệ sĩ trong thời kỳ đại dịch, khi các cuộc triển lãm bị hủy bỏ và thu nhập bị giảm sút, tôi muốn đóng góp vào hành trình kiên cường và sáng tạo của những người làm nghệ thuật…", ông David Nguyễn thổ lộ.

Hiện tại, ông David Nguyễn cho biết thêm, ông đang là đối tác chiến lược của H-Artistdom Art & Tech Hub - một không gian nghệ thuật tự do sáng tạo và đầy tính kết nối với việc ứng dụng công nghệ mới trong nghệ thuật.

Sưu tầm tranh nghệ thuật có thể sinh lời...

Nhà sưu tập Võ Thái, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM - một người trẻ đam mê hội họa hiện đại Việt Nam, cho rằng tranh Việt là một mảnh đất màu mỡ để giới sưu tập khai thác, đào sâu và thưởng lãm nghệ thuật. 

Theo ông Thái, trong quá khứ, nền hội họa Việt Nam từng sản sinh ra rất nhiều họa sĩ nổi tiếng vươn tầm thế giới. Trong đó có thể nhắc tới hai bộ tứ huyền thoại là "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn", tức các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn và nhóm " Phái – Sáng – Liên – Nghiêm" bao gồm Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm.

Gặp những nhân vật đặc biệt có “thú vui” sưu tầm tranh nghệ thuật Việt - Ảnh 3.

Nhà sưu tập Võ Thái, cho biết sưu tầm tranh nghệ thuật Việt cũng có thể sinh lời. Ảnh: Liên Trang

Ông Thái tiết lộ, động lực đầu tiên khiến ông tham gia thị trường sưu tập tranh chính là niềm đam mê mỹ thuật mạnh mẽ từ nhỏ. Đặc biệt, ông Thái luôn có sự rung cảm mãnh liệt với dòng tranh Việt. 

Bản thân ông làm việc nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, ông Thái nói ông nhận thấy sưu tầm mỹ thuật cũng là một nhánh đầu tư để trú ẩn tài sản và có rất nhiều tiềm năng sinh lời. Đó chính là động lực tiếp theo, thúc đấy ông tham gia vào hoạt động sưu tập mỹ thuật.

Gặp những nhân vật đặc biệt có “thú vui” sưu tầm tranh nghệ thuật Việt - Ảnh 4.

Nhà sưu tập Võ Thái ngắm tác phẩm mình yêu thích - dòng tranh vẽ ngược trên kính cường lực của họa sĩ Đoàn Việt Tiến. Ảnh: Liên Trang

Cũng theo ông Thái, dòng tranh Đông Dương với thế hệ các họa sĩ xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - Ecole des Beaux-Art de l'Indochine, được giới sưu tầm thế giới đánh giá rất cao và liên tục phá vỡ những kỷ lục đấu giá. Đây chính là dòng tranh có giá trị cao nhất hiện tại của mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Ông chia sẻ thêm hiện nay tại các quốc gia phát triển đều có nhiều bảo tàng mỹ thuật, từ cấp độ địa phương tới quốc gia, từ bảo tàng của chính phủ tới bảo tàng tư nhân, trường học, với những kế hoạch sưu tầm lưu trữ, như một hoạt động nghệ thuật thiết yếu của sinh hoạt văn hóa xã hội.

Ở Việt Nam, những người thuộc giới trung lưu cũng đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu hội họa đích thực, thay vì treo "tranh chép" đơn thuần. Tuy nhiên, nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật và sở hữu những tác phẩm hội họa trong xã hội Việt Nam hiện nay chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Trong đó, vai trò của ngành văn hóa trong vấn đề này còn khá mờ nhạt, thể hiện ở khâu giáo dục thẩm mỹ và sưu tập tranh.

Nói về dòng tranh tâm đắ đang sưu tập, ông ấn tưởng bởi dòng tranh vẽ ngược trên kính cường lực của họa sĩ Đoàn Việt Tiến. 

Tranh vẽ ngược trên kính vốn là vốn là dòng tranh kén người vẽ. Vẽ trên kính thì màu mực thường khó bảo quản, bắt buộc phải lồng khung. Kỹ thuật vẽ trên kính cũng đòi hỏi người họa sĩ cẩn thận và chi chút hơn. Điều này, khiến ông luôn ưu ái và có một tình cảm đặc biệt với tranh của họa sĩ Tiến.

"Được sở hữu tranh của họa sĩ tài năng Đoàn Việt Tiến là một niềm hạnh phúc lớn trong hành trình của tôi. Nhiều bạn bè, người trong giới mỹ thuật đã đến chia sẻ niềm vui lớn này của tôi, giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục kiên trì, bền bỉ với đam mê của mình", ông Thái nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem