Ghé thăm ngôi chợ được mệnh danh là "chợ nhà giàu" nức tiếng Sài Gòn – Chợ Lớn

Hoàng Ba Đình Thứ tư, ngày 28/09/2022 18:30 PM (GMT+7)
Ở TP.HCM có nhiều khu vực tập trung dân nhà giàu như quận 1, Chợ Lớn (quận 5), khu Phú Mỹ Hưng (quận 7). Theo đó, sẽ có những khu chợ truyền thống được các cư dân ở đấy ưa chuộng. Ở quận 1 có chợ Cũ, ở Phú Mỹ Hưng có chợ Tân Mỹ. Còn ở Chợ Lớn, đấy chính là chợ Thủ Đô.
Bình luận 0

Vì sao có tên gọi chợ Thủ Đô?

Đối với tên gọi chợ Thủ Đô, một số bạn trẻ khá là thắc mắc. Bởi Hà Nội mới là thủ đô. Thực tế, trong một số cách gọi, có khi người ta bảo "TP.HCM là thủ đô kinh tế của Việt Nam"... Nhưng đấy chỉ là cách ví von.

Lý giải tên gọi này, ông La Cường (cư ngụ trong khu vực này) cho biết: "Đơn giản thôi. Sở dĩ có tên gọi này, vì lối vào chợ có cái rạp hát Thủ Đô. Kế cái rạp hát Thủ Đô lại có cái khách sạn Thủ Đô. Khi chợ lập ra, đã có sẵn những rạp hát, khách sạn này, nên người ta lấy tên Thủ Đô đặt luôn cho ngôi chợ. Thực tế, ngôi chợ mang tên chợ Phùng Hưng. Nhưng có lẽ tên chợ Thủ Đô nghe oách hơn, nên chẳng mấy ai gọi là chợ Phùng Hưng cả".

Rạp hát Thủ Đô nằm ngay lối vào chợ Thủ Đô

Rạp hát Thủ Đô nằm ngay lối vào chợ Thủ Đô

Chợ Thủ Đô nằm ở khu vực có thể được xem như "Hồng Kông bên hông Chợ Lớn", với 3 mặt giáp các con đường: Châu Văn Liêm, Nguyễn Trãi và Hồng Bàng. Trong đó, lối chính vào chợ là từ đường Châu Văn Liêm. Đây là ngôi chợ điển hình của bà con người Hoa. Do đặc thù là ngôi chợ nằm trong khu vực đông dân cư người Hoa nên hàng hóa trong chợ hầu hết được chế biến từ các nguyên liệu của người Hoa.

Thay áo mới vào mỗi buổi trưa

Chợ Thủ Đô thường bán bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả vào buổi sáng. Từ trưa, chợ được quét dọn sạch sẽ để bán đồ ăn sẵn. Bởi theo một số bà con đi chợ, đi mua đồ ăn vào buổi "chợ chiều" thì thường không ngon. 

Còn đây là "chợ nhà giàu", chuyên bán đồ ngon, đồ ngon là phải hết nhanh. Nên đi mua thịt cá, rau quả… phải đi chợ sáng mới chuẩn. Thành ra, phải nắm được quy luật hoạt động của chợ Thủ Đô, để tiện đi khám phá. Muốn đi chợ kiểu truyền thống thì đi buổi sáng, còn muốn đi dạo ăn vặt đi buổi chiều.

Các mặt hàng truyền thống vào buổi sáng.

Các mặt hàng truyền thống vào buổi sáng.

Theo chân chị Kelly Xia (người Hoa), chúng tôi tìm đến chợ Thủ Đô vào một ngày thu tháng 9. Từ buổi sáng, chợ đã hết sức tấp nập với các hàng quán chuyên bán đồ ăn sáng như mỳ, hủ tiếu, há cảo… Từ trưa trở đi, chợ lại nhộn nhịp với các món quà vặt, ăn xế… 

Dù có "nick name" khá "sang chảnh" là "chợ nhà giàu", nhưng chợ Thủ Đô vẫn có mức giá hợp lý. Chỉ cần 20.000 – 50.000 đồng là có thể đi tung tăng để thưởng thức một số món ăn ở trong chợ.

Vào buổi sáng, chợ rất phong phú với những mặt hàng truyền thống của cả người Hoa lẫn người Việt. Các loại đồ chay, vịt quay, gà luộc… được bày bán khắp các hàng quán.

Một sạp bán đồ tiêu biểu trong chợ

Một sạp bán đồ tiêu biểu trong chợ Thủ Đô

Ẩn khuất đâu đó, vẫn còn những hàng "chạp phô" theo kiểu của người Hoa: tiệm hơi tối và cũ, chuyên bán các thực phẩm đặc thù như củ cải muối, cải tăng xại, hột vịt muối… Đi cùng là một mùi hương đặc trưng khó tả. Kèm theo đó là những "a día" (dì), "a sẩm" (bà) ngồi lim dim với cái radio đang phát mấy tuồng hát Hồ Quảng. Những người đam mê chế biến ẩm thực kiểu Hoa, thường tìm đến đây để mua nguyên liệu.

Ngôn ngữ trong chợ Thủ Đô gồm cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa. Nhưng theo chị Kelly Xie, tính ra phải là 4 thứ tiếng. "Tiếng Hoa dùng ở đây có cả tiếng Quảng, tiếng Phúc Kiến và tiếng Tiều" – chị Kelly Xie giải thích.

Chợ Thủ Đô: Đủ cả món Hoa lẫn món Tây

Giờ là lúc để thưởng thức các món ăn trong chợ. Thật sự, hiếm có chợ nào ở Sài Gòn, vừa chuyên món Hoa lại kiêm luôn món Tây. Tây ở đây là miền Tây. Bởi ngoài các món ăn kiểu Hoa đã có tiếng như há cảo, khổ qua cà ớt…, ở đây còn kiêm luôn một số món miền Tây như bánh xèo, bánh khọt, bánh tằm bì.

Chợ Thủ Đô cũng có nhiều loại bánh nổi tiếng: bánh tổ, bánh quy, bánh da lợn...

Chợ Thủ Đô cũng có nhiều loại bánh nổi tiếng: bánh tổ, bánh quy, bánh da lợn...

Trong đó, bánh tằm bì phải nói khá "nhức nách". Với người dân Sài Gòn, bánh tằm bì khá lạ và khá khó ăn. Bởi món này vừa có nước cốt dừa ngọt ngọt, lại ăn kèm với bì, thịt khìa và nước mắm chua ngọt. Chính kiểu vừa mặn vừa ngọt nên khá kén thực khách.

Và nếu đã đến chợ Thủ Đô thì đây cũng là món nên thử. Đĩa bánh vừa vặn với sợi bánh thơm dẻo rưới đều nước cốt dừa béo béo. Bên trên còn nhấn nhá thêm sợi bì sần sật hay cuốn chả giò nóng giòn để thêm phần bắt vị. Mỗi phần chỉ có giá vài chục ngàn đồng mà thôi.

Vẻ luộm thuộm thường thấy trong các khu phố Hoa.

Vẻ luộm thuộm thường thấy trong các khu phố Hoa.

Chị Kelly Xie cho biết: "Khẩu vị miền Trung, miền Bắc khó ăn nổi món bánh tằm bì. Vì cái kiểu vừa mặn vừa ngọt. Nhưng vô tình thay, kiểu ăn này lại khá hợp với người Hoa. Bởi chính người Hoa cũng có nhiều món mặn ngọt xen lẫn. Một trong những món tiêu biểu mà ai cũng thích đó chính là món bánh Trung thu đấy".

Ăn gì thì ăn, cuối cùng cũng phải chốt hạ bằng một món ăn tuổi thơ. Đó chính là món bánh lọt – sương sa – hạt lựu. Ngày nhỏ, món này được gánh khắp các hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Nhưng nay, đã phải xếp mình vào những góc chợ để người muốn ăn phải bỏ sức đi tìm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem