Giá cà phê tăng cao kỷ lục nhưng nhiều nông dân ở Tây Nguyên đành để cơ hội lịch sử tuột khỏi tầm tay

Công Nam Thứ bảy, ngày 04/05/2024 09:02 AM (GMT+7)
Giá cà phê liên tục phá kỷ lục, hiện giá cà phê đã cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng nhiều nông dân ở Tây Nguyên xác định cơ hội lịch sử này đã tuột khỏi tầm tay, khi vụ mùa tới đây họ không có cà phê để bán.
Bình luận 0

Cơ hội lịch sử tuột tầm tay

Sau 30 năm trồi sụt, năm nay giá cà phê mới đăng đỉnh trở lại. Giá cà phê Robusta xuất khẩu ngày 2/5 (giao kỳ hạn tháng 7/2024) lên đến 4.021 USD/tấn, vượt xa thời kỳ huy hoàng của cây cà phê năm 1994 với 3.150 USD/tấn. 

Giá cà phê tăng cao kỷ lục nhưng nhiều nông dân ở Tây Nguyên đành để cơ hội lịch sử tuột khỏi tầm tay- Ảnh 1.

Nắng nóng đang thiêu đốt cà phê Tây Nguyên.

Còn giá trong nước là 133.000 đồng/kg, gấp gần 3 lần thời điểm này năm ngoái. Đây là cơ hội lịch sử đối với nông dân trồng cà phê. Thế nhưng, nắng hạn khốc liệt như hiện nay sẽ làm nhiều nông dân bỏ lỡ cơ hội lịch sử.

"Vất vả mưu sinh trên vùng đất đỏ bazan này hơn 20 năm, chưa bao giờ tôi thấy cây cà phê mang đến hy vọng lớn như hiện tại. Nhưng cà phê càng tăng giá thì vườn cây lại héo rũ, cơ hội lịch sử đang tuột khỏi tầm tay của chúng tôi" - ông Lưu Văn Dương, xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai xót xa nói.

Bỏ ra gần nửa tỷ đồng đầu tư trồng 1ha cà phê, sau 5 năm cố gắng chăm sóc, năm nay vườn cây của bà Lê Thị Quyên (ở đội 4, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) bước vào kinh doanh thì gặp phải khô hạn quá khốc liệt. Vợ chồng bà Quyên chỉ có thể ngậm ngùi nhìn vườn cà phê dần héo rũ, chết khô, giá cà phê cao kỷ lục đã không bù đắp được thiệt hại do nắng hạn gây ra. 

Bà Quyên cho biết: "Giá thì mỗi ngày một tăng, nhưng vườn cây lại mỗi ngày một chết khô thế này, xót ruột lắm nhưng không có nước thì biết làm sao bây giờ. Chỉ chờ mưa, có cứu được cây nào thì cứu thôi".

Giá cà phê tăng cao kỷ lục nhưng nhiều nông dân ở Tây Nguyên đành để cơ hội lịch sử tuột khỏi tầm tay- Ảnh 2.

Hồ thủy lợi 38, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã cạn trơ đáy.

Nắng nóng kéo dài, hạn hán đã lan rộng khắp Tây Nguyên. Giữa cái nắng gay gắt, 3 người trong gia đình anh Lương Văn Dục (thôn Giang Xuân, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) hì hục khơi dòng, đào hố ở con suối cách nhà hơn 1,5 km, mong cứu được vườn cà phê, sầu riêng gần 700 cây đang dần chết khô vì hạn. 

Nhưng mọi nỗ lực của gia đình ông không đem lại kết quả gì. "Năm nay hạn hơn mọi năm. Suối cạn, hồ khô, không biết lấy nước đâu mà cứu cây nữa. Cà phê, sầu riêng chết rồi, chúng tôi cũng không biết phải trồng cây gì để phù hợp với vùng đất này", anh Lương Văn Dục buồn rầu nói.

Cứu chỗ nào, bỏ chỗ nào là lựa chọn khó khăn

Nhiều năm nay, gia đình anh Pui Hyar (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đào một cái hồ bên cạnh con suối nhỏ, lấy nước suối vào hồ để bơm tưới cà phê. Hơn 2 tháng nay con suối khô kiệt hoàn toàn, chỉ trông vào nước mạch rỉ ra trong hồ để tưới, phải chờ đợi 3 ngày mới đủ nước tưới được 1 giờ. Vì vậy có 7 sào cà phê mà anh phải tưới ròng rã cả tháng trời mới xong. 

"Đến nay thì nước mạch trong lòng đất cũng không rỉ ra nữa, hồ cạn khô, chỉ còn chờ mưa thôi", anh Pui Hyar cho biết.

Giá cà phê tăng cao kỷ lục nhưng nhiều nông dân ở Tây Nguyên đành để cơ hội lịch sử tuột khỏi tầm tay- Ảnh 3.

Người dân lo lắng, bất lực khi không còn nước tưới cứu cây trồng.

Khô hạn nghiêm trọng cũng khiến một số địa phương ở Tây Nguyên phải đưa ra quyết định vô cùng khó khăn và bất đắc dĩ: Cứu chỗ nào, bỏ chỗ nào? Tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, toàn bộ 23 hồ đập thuỷ lợi đều cạn kiệt. 

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, diện tích cà phê nào được cứu, diện tích nào phải bỏ sẽ được quyết định khi huyện bàn với các đơn vị thủy lợi, các nông lâm trường. 

"Huyện đã mời tất cả các công ty nông, lâm trường, các chủ hồ đập và các địa phương báo cáo thực trạng cụ thể. Chỗ nào cứu được thì tập trung cứu, chỗ nào khắc nghiệt quá không thể cứu được thì phải có phương án hỗ trợ cho bà con", ông Đông thông tin.

Giá cà phê tăng cao kỷ lục nhưng nhiều nông dân ở Tây Nguyên đành để cơ hội lịch sử tuột khỏi tầm tay- Ảnh 4.

Hồ thủy lợi cạn trơ đáy khiến người dân không biết ứng phó thế nào với hạn hán.

Tổng hợp từ các tỉnh Tây Nguyên đến cuối tháng 4/2024 cho thấy, gần 20.000ha cây trồng đã bị ảnh hưởng nặng nề do nắng hạn, diện tích thiệt hại đang tiếp tục tăng do nắng nóng. Mặc dù một số nơi có mưa cục bộ, nhưng lượng nước chưa đủ thấm đất, chưa giải quyết được vấn đề khô hạn.

Toàn vùng Tây Nguyên có hơn 2 triệu ha đất nông nghiệp, trong khi thủy lợi chỉ có khoảng 2.400 công trình, đáp ứng chưa tới 20% diện tích, tức chỉ gần 400.000 ha. Khoảng 1,6 triệu ha còn lại, sản xuất nông nghiệp luôn bấp bênh về nguồn nước trong mùa khô, mức độ rủi ro rất cao nếu gặp khô hạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem